Tên Đại Lam Ngọc là do chúng tôi đặt

Tên Đại Lam Ngọc là do chúng tôi đặt
TP - "Tên Đại Lam Ngọc là do chúng tôi đặt ra sau khi mang về cắt gọt chứ không phải khai thác ra nó đã có tên như thế" - Ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI cho biết về khối Sapphire.
Tên Đại Lam Ngọc là do chúng tôi đặt ảnh 1
PGS.TS Tạ Hòa Phương, Chủ tịch Hội Cổ sinh & Địa tầng Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, khẳng định rằng, Việt Nam có khối đá quý này là vô cùng đáng quý. 

Thưa ông, trên thực tế, khối Sapphire có tên Đại Lam Ngọc được trưng bày tại DOJI có phải là loại đá sắt?

Khối Sapphire này là Tập đoàn DOJI trưng bày cho tất cả mọi người được nhìn ngắm ngay từ những ngày cuối tháng Sáu chứ không phải trưng bày một lần rồi cất đi.

Thiện ý của chúng tôi là cho công chúng biết được ở Việt Nam có những nguồn tài nguyên quý như thế. Còn ai đó không biết được đó là đá sapphire, mới cho là đá dính sắt. Nếu biết sử dụng thì trở thành những khối đá rất có giá trị.

Chúng ta từng có những khối đá cương thạch, chalcedony hay topaz hồng... Khi mới đào và khai thác được, trông nó rất bình thường. Sau đó, người ta mới tạc ra thành những khối, hoặc những bức tượng rất quý. Nhờ bàn tay của thợ bóc tách để tạo thành những con rồng, con gà trống… rất có giá trị. Chúng tôi coi việc tìm ra khối đá sapphire lớn như thế là đã tìm ra nguồn tiềm năng tài nguyên quý của đất nước.

Theo ông giá trị thực của khối đá này thế nào?

Việc xác định giá trị thực của khối đá quý là một công việc khá phức tạp và đòi hỏi các chuyên gia có kinh nghiệm về môi trường, công nghệ chế tác và hiểu biết rất sâu về đá quý.

Với khối đá sapphire này, từ trước đến nay, chúng ta chưa tìm thấy hoặc giới thiệu cho công chúng được biết một khối đá sapphire có trọng lượng rất lớn.

Về nguyên tắc, các khối đá quý càng có kích thước lớn, độ đồng nhất cao và nằm trong nhóm đá quý hiếm như viên Đại Lam Ngọc thì phải khẳng định có giá trị. Tuy nhiên, tùy theo mục đích, công dụng và khả năng cắt mài chế tác, khối đá này mới phát huy được giá trị thực sự của nó.

Nhưng, điều quan trọng nhất cần phải được khẳng định, khối đá này có phải là sapphire hay không thì đến nay chúng tôi đã tiến hành các phương pháp phân tích một cách nghiêm túc và khoa học để xác định. Có thể kết luận rằng, khối đá này có sự đồng nhất cao của thành phần sapphire.

Trên một bài báo gần đây, PGS.TS Tạ Hòa Phương, Chủ tịch Hội Cổ sinh & Địa tầng Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, khẳng định rằng, Việt Nam có khối đá quý này là vô cùng đáng quý. 

Nhưng theo ông Đặng Ngọc Long, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên - Môi trường Nghệ An, loại đá này chỉ có giá trị làm đá mài, bột mài, trang trí non bộ và khối đá này chỉ dính một ít sapphire mà thôi?

Có thể có một số khối đá nằm trong khu vực khai thác có chất lượng thấp, độ đồng nhất của sapphire ít thì chỉ có thể làm bột mài, trang trí non bộ. Nhưng khối đá Đại Lam Ngọc có đặc trưng khác hẳn. Tôi chưa biết ông Đặng Ngọc Long đã ra Hà Nội và tận mắt, tận tay nhìn sờ thấy khối đá Đại Lam Ngọc hay chưa mà nói rằng Đại Lam Ngọc chỉ “dính một ít sapphire mà thôi”.

Khối đá Đại Lam Ngọc tính chất tinh thể với màu xanh biếc rất rõ ràng với mắt thường cũng có thể nhìn thấy cho nên nếu nói dính là không đúng. Dính là phải viên nọ bám vào viên kia mới gọi là dính chứ.

Hơn nữa, phải mất hơn hai tháng làm việc cả ngày lẫn đêm, bóc tách, mài giũa, chúng tôi mới có thể làm lộ ra sắc xanh thẫm huyền ảo, bóng đẹp của khối đá. Tên Đại Lam Ngọc là do chúng tôi đặt sau khi mang về cắt gọt chứ không phải khai thác ra nó đã có tên như thế.

Tôi nghĩ chúng ta không nên phủ nhận tiềm năng tài nguyên của đất nước. Ai đó cho rằng, nó không đáng giá, thì có thể người ta chưa tận mắt thấy khối Đại Lam Ngọc.

Với khối Đại Lam Ngọc, việc đầu tiên để đánh giá có phải là khối sapphire hay không thì phải xác định độ đồng nhất, tính chất cấu trúc của khối đá này thế nào. Tập đoàn VBĐQ Doji đã tiến hành xác định tính chất của khối đá này một cách nghiêm túc và khoa học.

Chúng tôi đã gửi mẫu đá lấy từ khối Đại Lam Ngọc này cho Viện Khoa học Địa chất & Khoáng sản phân tích bằng phương pháp lát mỏng thạch học soi trên kính hiển vi điện tử và phương pháp microsond.

Chúng tôi đã sử dụng phương pháp xử lý nhiệt nung những mẫu đá lấy từ nhiều khu vực khác nhau của khối sapphire này với nhiệt độ gần 1.500 độ C. Nếu thành phần chủ yếu là sắt (Ferit), nó sẽ cháy thành bột.

Tất cả các kết quả nhận được đều khẳng định rằng, khối đá có thành phần chủ yếu là corundum - Al2O3 với hàm lượng sapphire tới 97 phần trăm (các kết quả này chúng tôi đã chuyển cho quý báo). Điều đó chứng tỏ chúng ta đang có một tiềm năng về nguồn tài nguyên tốt của loại đá này chứ đừng phủ nhận bảo nó là viên đá vớ vẩn không đáng giá.

Nhưng đúng là khối đá này không có tác dụng cắt mài làm trang sức?

Những loại đá quý muốn cắt mài làm trang sức thì nguyên tắc là phải đủ độ trong, phát sáng. Với khối đá lớn hàng chục tấn thì công dụng của nó để tạc tượng hoặc để lại muôn đời cho con cháu.

Vợ chồng ông Ian-Green đã mua khối đá ở Canada để tạc nên tượng Phật ngọc, được cung nghinh về tháp Hòa Bình ở Australia thì khối đá đó là ngọc thạch. Nhưng đấy không phải loại ngọc có thể cắt ra làm trang sức được.

Từ xưa, chúng ta đâu có biết Ruby quý hiếm như thế nào đâu. Mãi đến khi một nhà địa chất kỳ cựu, phát hiện ra Ruby ở Việt Nam, chúng ta mới biết là đá quý đấy chứ. Thậm chí trước đây, một viên Ruby ở Quỳ Châu, Nghệ An chỉ đổi lấy một bơ gạo, rồi mang về Thái Lan lại bán từ vài ngàn đến cả trăm ngàn đô cơ mà.

Tôi xin khẳng định lại rằng, đây đúng là khối đá sapphire nặng 15 tấn có giá trị, còn giá trị đến đâu và để làm gì thì chúng tôi vẫn đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan nghiên cứu kể cả đang hợp tác với các viện đá quý quốc tế để cùng xác định.

Ngọc Đinh
thực hiện

MỚI - NÓNG
Xót cảnh dưa hấu cho bò ăn, vứt bỏ la liệt
Xót cảnh dưa hấu cho bò ăn, vứt bỏ la liệt
TPO - Do thời tiết diễn biến bất thường năng suất dưa hấu giảm mạnh, cộng với giá chỉ còn từ 1.000 - 2.000 đồng/kg, người dân trồng dưa hấu ở Gia Lai đối diện với cảnh thua lỗ nặng; có hộ dân mặc ruộng dưa bò ăn, vứt bừa bãi trên ruộng.