Các loại tê tay chân
Triệu chứng ban đầu của tê chân tay được mô tả là tê rần ở đầu ngón tay hay ngón chân, người bệnh cảm thấy như có kim chích hay như bị kiến cắn. Những triệu chứng này có thể càng ngày càng nặng và lan lên cổ tay, cánh tay... khiến người bệnh giảm cảm giác, thậm chí là mất cảm giác.
Hiện nay, tê chân tay được chia làm 2 loại:
Tê chân tay sinh lý: Xảy ra khi ngồi lâu hoặc cầm nắm vật gì đó trong một thời gian dài dẫn đến tê bì tay chân. Đối với loại này, triệu chứng tê bì chân tay sẽ tự biến mất mà không cần điều trị.
Tê chân tay bệnh lý: Đây có thể là triệu chứng hoặc biến chứng của một số bệnh lý.
Tê bì chân tay có thể là dấu hiệu của một số bệnh sau
Bệnh thoái hóa đốt sống: Khi bị thoái hóa đốt sống, dây thần kinh, động mạch đốt sống cổ bị chèn ép, gây cản trở đến sự lưu thông máu và dẫn đến nhiều triệu chứng trong đó có tê bì chân tay. Tình trạng này nếu không được điều trị sớm sẽ ngày càng nặng và tăng tần suất xảy ra. Thậm chí, bệnh có thể gây biến chứng nghiêm trọng như teo chân tay, liệt tay chân.
Đột quỵ: Trong một số trường hợp, tê tay là triệu chứng cảnh báo một người có thể bị đột quỵ. Ngoài tê tay, người bị đột quỵ có thể gặp khó khăn khi cố gắng nâng tay lên cao. Bạn cần nhận biết sớm vấn đề này để tăng cơ hội phục hồi cho bệnh nhân, đồng thời tránh tổn thương não.
Thoát vị đĩa đệm: Đĩa đệm thoát ra khỏi vị trí bình thường, tràn ra khỏi bao xơ đĩa đệm gây chèn ép dây thần kinh cột sống dẫn đến tình trạng tê bì tay chân và một vài triệu chứng khác, ảnh hưởng trực tiếp đến vận động của người bệnh.
Bệnh tim mạch: Tê bì chân tay có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh tim mạch. Khi tim hoạt động kém sẽ dẫn đến máu không lưu thông tốt và gây tê bì tay chân.
Thoái hóa khớp: Khớp tay, khớp háng, khớp đầu gối bị tổn thương, bào mòn có thể dẫn đến tê tay, tê chân và gây hạn chế vận động.
Bệnh Lupus: Đây là hội chứng rối loạn tự miễn dịch. Nó xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công nhầm vào các cơ quan và mô của cơ thể. Triệu chứng phổ biến của bệnh Lupus bao gồm tê tay. Biến chứng nguy hiểm nhất của nó là các cơ quan chính như tim, thận, phổi hoặc não bộ bị tổn thương.
Đa xơ cứng: Đây là bệnh rối loạn tự miễn, có tác động trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương và có thể dẫn đến tình trạng tê bì tay chân. Nếu cảm giác tê tay kèm theo run và khó phối hợp, bạn nên đi xét nghiệm ngay lập tức.
Bệnh Lyme: Đây là căn bệnh lây truyền qua vết cắn từ bọ ve bị nhiễm bệnh. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), bệnh Lyme gây ra một loạt các triệu chứng, thường bắt đầu bằng phát ban và sốt. Tê tay là dấu hiệu của bệnh Lyme ở giai đoạn thứ 2. Nó có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng với hệ thống thần kinh và tim nếu không được điều trị kịp thời.
Viêm đa khớp dạng thấp: Khớp tay, khớp chân bị viêm nhiễm sẽ gây tê bì tay chân, nhất là khi người bệnh ngồi hoặc đứng quá lâu ở một vị trí.
Biến chứng thần kinh do tiểu đường: Căn bệnh này thường xảy ra ở những người mắc tiểu đường. Lượng đường trong máu cao làm tổn thương các dây thần kinh trên khắp cơ thể. Điều này gây ra tê bì tay chân, thậm chí dẫn đến biến chứng nghiêm trọng hơn như mất chi.
Hẹp ống sống: Đây là bệnh bẩm sinh do cột sống bị biến dạng. Cột sống thu nhỏ khiến các rễ thần kinh bị chèn ép và gây tê bì tay chân. Nếu tình trạng này kéo dài không được chữa trị có thể dẫn đến tắc nghẽn lưu thông máu, ảnh hưởng đến sự vận động của người bệnh.
Xơ vữa động mạch: Bệnh lý này gây hẹp lòng mạch và chèn ép những dây thần kinh chạy qua nên dẫn đến hiện tượng tê bì tay chân.
Hội chứng ống cổ tay: Tê tay là biểu hiện phổ biến của hội chứng ống cổ tay. Tình trạng này xảy ra khi một trong những dây thần kinh chính trong tay bị nén hoặc bị chèn ép. Các dấu hiệu khác của hội chứng ống cổ tay bao gồm đau, ngứa ran và nóng rát... Nếu phát hiện và chẩn đoán muộn, người bệnh sẽ phải phẫu thuật.
Viêm đa rễ thần kinh: Bệnh lý này xảy ra khi hệ thần kinh ngoại biên bị tổn thương, dẫn đến rối loạn cảm giác, tê bì tay chân và hạn chế vận động.
Một số nguyên nhân khác
Làm việc không khoa học: Bê vác vật nặng, ngồi, đứng quá lâu ở một tư thế, lười vận động và thường xuyên ngồi dưới máy lạnh sẽ gây tổn thương dây thần kinh dẫn đến tê tay chân, cơ thể mệt mỏi.
Sinh hoạt sai tư thế: Những thói quen trong sinh hoạt hàng ngày như: nằm nghiêng người, gối quá cao, đi giày cao gót thường xuyên,…đều có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến tê chân tay.
Do chấn thương: Dây thần kinh ngoại biên có thể bị tổn thương do ngã, tai nạn, va chạm cũng sẽ khiến tê bì chân tay.
Thường xuyên rơi vào tình trạng căng thẳng, mệt mỏi: Tâm trạng mệt mỏi, căng thẳng do áp lực công việc, cuộc sống kéo dài có thể kích thích các tế bào thần kinh gần bề mặt da, gây ra hiện tượng ngứa và tê bì.
Biện pháp phòng tránh
Để phòng ngừa tình trạng tê tay nói riêng và cả các bệnh lý nguy hiểm khác, mỗi người nên xây dựng cho mình những thói quen sinh hoạt, ăn uống cùng chế độ tập luyện khoa học, lành mạnh.
Chế độ ăn uống cần bổ sung nhiều thực phẩm lành mạnh, chứa nhiều chất dinh dưỡng, vi chất tốt cho cơ thể, hệ xương khớp, hệ thần kinh, máu như vitamin D, canxi, vitamin K…
Có kế hoạch tập luyện thể dục thể thao hàng ngày, phù hợp với thể trạng để xương khớp chắc khỏe, dẻo dai, máu huyết được lưu thông ổn định…
Sắp xếp hợp lý thời gian làm việc và nghỉ ngơi, tránh ngồi lâu một vị trí, có thể đi lại khoảng 5-10 phút sau khi làm việc liên tục trong 1 – 2 giờ. Bên cạnh đó, cũng cần tránh làm việc trong nhiều giờ liền, giữ tinh thần thoải mái, tránh áp lực quá nhiều vì công việc.
Các thực phẩm, đồ uống, chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, đồ ăn nhanh, đồ ăn chiên rán… cần được hạn chế tối đa vì những loại thực phẩm này không chỉ có những hoạt chất gây hại làm cho tình trạng tê tay chân ngày càng nghiêm trọng hơn mà còn lấy đi những chất dinh dưỡng cần thiết cho xương khớp, hệ thần kinh và máu.
Luôn giữ cân nặng ở mức cân bằng, việc tăng cân quá mức có thể tạo áp lực lên cột sống dẫn đến thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm… chèn ép lên rễ thần kinh gây tê tay chân.