Tây Ninh: Hợp tác song phương và toàn vùng để phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

0:00 / 0:00
0:00
Theo Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, ông Nguyễn Thành Tâm, thời gian tới Tây Ninh sẽ phối hợp với các địa phương trong vùng để rà soát, đánh giá sâu sắc hơn các chương trình, các cơ chế hợp tác song phương, cũng như hợp tác toàn vùng, từ đó đề xuất cơ chế, chính sách hợp tác, liên kết vùng bảo đảm tổng thể, đồng bộ và khả thi.
Tây Ninh: Hợp tác song phương và toàn vùng để phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ảnh 1

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm phát biểu tại hội nghị

Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá IX) về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Kết luận số 27-KL/TW ngày 2.8.2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW.

Theo tài liệu công bố tại hội nghị, gần 17 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, kinh tế của tỉnh Tây Ninh phát triển nhanh, toàn diện, đạt nhiều thành tựu nổi bật; quy mô kinh tế (giá hiện hành) tăng 7,5 lần so với năm 2005; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.210 USD, gấp 4,1 lần so với năm 2005.

Công nghiệp tỉnh Tây Ninh tăng trưởng khá và đóng góp cao cho tăng trưởng kinh tế; tập trung cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị; thương mại - dịch vụ và du lịch có nhiều khởi sắc; chú trọng tìm kiếm, mở rộng, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.

Tây Ninh cũng có tỷ lệ đô thị hoá tăng gấp 2 lần so với giai đoạn trước, đạt 41,8%; thị xã Tây Ninh được công nhận là đô thị loại III năm 2012 và thành lập thành phố thuộc tỉnh năm 2013; huyện Trảng Bàng, huyện Hoà Thành được công nhận đô thị loại IV năm 2018 và thành lập thị xã thuộc tỉnh năm 2020.

Lĩnh vực văn hoá - xã hội có sự chuyển biến tích cực. Đáng lưu ý Tây Ninh nằm trong nhóm tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước.

Về cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, Tây Ninh tập trung đầu tư có trọng điểm các tuyến đường giao thông huyết mạch mang tính kết nối vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Chính trị xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững; hoạt động tư pháp chuyển biến tích cực. Công tác đối ngoại được tăng cường, hợp tác được mở rộng. Công tác xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức được chú trọng thường xuyên, tạo sự chuyển biến tích cực.

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm cho rằng, để Tây Ninh tiếp tục phát triển trong thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là Ban Cán sự đảng UBND tỉnh tiếp tục nghiên cứu, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ có những góp ý, đề xuất với Trung ương về những quan điểm, định hướng và các giải pháp khả thi, hiệu quả nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương trong vùng Đông Nam bộ, cũng như nâng cao hiệu quả liên kết vùng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Chính phủ để đề xuất các quan điểm, định hướng, mục tiêu, các phương án, phân vùng phát triển trong quy hoạch phát triển của Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm đầy đủ, toàn diện, thống nhất, đồng bộ với quy hoạch vùng, tạo điều kiện để khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thành Tâm gợi mở, việc phối hợp với các địa phương trong vùng nhằm rà soát, đánh giá sâu sắc hơn các chương trình, các cơ chế hợp tác song phương, cũng như hợp tác toàn vùng, từ đó đề xuất cơ chế, chính sách hợp tác, liên kết vùng bảo đảm tổng thể, đồng bộ và khả thi.

Cũng theo ông Nguyễn Thành Tâm, trước mắt cần đẩy mạnh kết nối hạ tầng thông suốt, chia sẻ trách nhiệm về tài nguyên môi trường, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước và định hướng thu hút đầu tư giữa các địa phương đảm bảo phục vụ nhu cầu phát triển nhanh, bền vững, cân bằng của từng địa phương và giữa các địa phương trong vùng.

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc, trong thời gian tới, cần rà soát tất cả các mục tiêu định hướng để phát triển; tiếp tục xác định những tiềm năng, lợi thế của tỉnh Tây Ninh cũng như của vùng để tạo động lực cho sự phát triển; bên cạnh đó, tiếp tục có những giải pháp để tháo gỡ khó khăn, giải quyết điểm nghẽn, kiềm chế đầu cơ về đất; triển khai mạnh mẽ các đột phá chiến lược, nhất là đột phá về du lịch…

MỚI - NÓNG