Người dân huyện Đắk Mil (Đắk Nông) túc trực tại hồ để bơm nước |
Hơn 8.000ha cây trồng đối diện khô hạn
Ngày 1/4, ông Lê Trung Kiên- Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Đắk Nông cho biết, cuối tuần qua, một số địa phương xuất hiện mưa, góp phần “giải khát” một số diện tích cây trồng, cũng như bổ sung nguồn nước hồ, đập trên địa bàn. Tuy nhiên, thời điểm này chưa phải hết mùa khô nên nguy cơ khô hạn vẫn còn hiện hữu.
Theo bản tin của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, từ nay đến nửa đầu tháng 5/2024, mực nước các sông, suối trên địa bàn tỉnh tiếp tục dao động theo xu thế giảm; tình trạng cạn kiệt, thiếu hụt nguồn nước cục bộ trên một số sông, suối nhỏ tiếp tục diễn ra. Trong thời gian tới nếu thời tiết không thuận lợi, tiếp tục nắng nóng kéo dài, không xuất hiện mưa nhiều, trên địa bàn tỉnh sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ tại một số khu vực, đặc biệt tại khu vực phía Bắc tỉnh (các huyện Đắk Mil, Cư Jút và Krông Nô).
Toàn tỉnh Đắk Nông có 307 công trình thủy lợi; trong đó có 255 hồ chứa, 32 đập dâng, 8 hệ thống kênh tiêu, 10 hệ thống trạm bơm và 2 công trình thủy lợi khác. Tổng dung tích thiết kế cho 255 công trình hồ chứa khoảng 172 triệu m3 nước. Đến thời điểm hiện tại, có 27 công trình thủy lợi đã hết nước hoặc sắp cạn kiệt nguồn nước, riêng huyện Đắk Mil (một trong những địa phương có diện tích cây công nghiệp lớn của tỉnh) đã có 12 công trình hết nước. Để có nguồn nước tưới cây, những ngày qua, bà con túc trực tại các hồ, đập nước để bơm nước.
Ông Nguyễn Văn Bình (trú xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil) cho hay, gia đình có hơn 1,5ha cà phê xen hồ tiêu. Năm nay, mùa khô đến sớm hơn mọi năm nên nhà ông đã tổ chức tưới nước đợt 3. Dẫu vậy, thời tiết oi bức nên tưới xong đất đã khô, rất khốc liệt. Hiện mực nước hồ gần nhà đã giảm sâu nên ông và các hộ dân xung quanh phải đặt máy bơm xuống sát lòng hồ, vét từng giọt nước tưới cây.
Không chỉ hồ, đập mà mực nước trên các sông, suối trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tiếp tục dao động theo xu thế giảm, đặc biệt tại khu vực phía Bắc tỉnh này nguồn nước tại nhiều suối nhỏ trên địa bàn đã bị cạn kiệt. Theo Sở NN&PTNT Đắk Nông, hiện trên địa bàn có hơn 8.000ha cây trồng có nguy cơ khô hạn nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng kéo dài và không có mưa.
Số liệu thống kê của Sở NN&PTNT Lâm Đồng cho thấy, 3 tháng qua, lượng mưa trung bình ở địa phương đạt thấp, chỉ bằng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Số ngày nắng nóng tiếp tục tăng, biên độ nhiệt thay đổi giữa ngày và đêm lớn. Mực nước trên các sông suối giảm dần, nhất là các suối nhỏ giảm mạnh. Các công trình hồ chứa thủy lợi có quy mô lớn và vừa có mực nước giảm trung bình từ 0,5-3,5m. Các hồ chứa nhỏ bị ảnh hưởng nặng hơn khi mực nước giảm trung bình từ 1- 4,5m, dung tích tích trữ còn lại so với tổng dung tích hồ đạt trung bình khoảng 45%, nước một số hồ đã xuống tới mực nước chết.
Địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất là huyện Lâm Hà. Đối với 21 hồ có quy mô vừa và nhỏ do địa phương quản lý, hiện 9 hồ giảm mạnh dung tích (chỉ còn lại khoảng 35%); 12 hồ không còn khả năng cấp nước, bao gồm Buôn Chuối 1, Thanh Sơn, Thủy Khải, Thanh Trì 1, Tử Thập, Bãi Công Thượng…
Tại huyện Đức Trọng, hơn 20 hồ đã xuống đến mực nước chết, không còn khả năng đảm bảo nhiệm vụ tưới. Mặt khác, theo báo cáo của Trạm Quản lý, khai thác thủy lợi Đức Trọng, nhà máy thủy điện Đạ R’Cao nằm chắn ngang dòng suối Đa Tam (tuyến suối dẫn nước từ đầu mối hồ Tuyền Lâm về đập dâng Quảng Hiệp) vận hành không hợp lý, không đảm bảo lưu lượng về hạ du gây ảnh hưởng trong việc cấp nước của đập dâng. Ở huyện Đạ Tẻh, mực nước hồ Con Ó đã xuống thấp hơn mực nước chết.
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, thời gian qua, tình trạng giảm nguồn cấp nước cục bộ đã làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng bình thường của khoảng 2.110ha cây trồng (huyện Lâm Hà 1.580ha, Đạ Tẻh 380ha, Cát Tiên 95ha, Bảo Lâm 35ha, Di Linh 20ha). Căn cứ vào dự báo của Đài Khí tượng, thủy văn tỉnh, từ nay đến hết tháng 4, Lâm Đồng ít có khả năng xuất hiện mưa trái mùa và mùa mưa có khả năng bắt đầu muộn hơn so với quy luật nhiều năm từ 10-15 ngày. Dự kiến ảnh hưởng của nắng nóng, hạn hán vẫn tiếp tục kéo dài, diện tích sản xuất chè, sầu riêng, hồ tiêu, cà phê, cao su... bị ảnh hưởng sẽ tăng thêm khoảng 2.153ha gồm Lâm Hà 1.600ha, Đạ Huoai 353ha, Di Linh 200ha.
Trước nhu cầu cấp bách về nguồn nước, mới đây HĐND tỉnh Gia Lai phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư các hệ thống kênh nhánh tưới nước tại hồ Ia Rtô, Plei Thơ Ga, Tầu Dầu 2, Pleikeo và đầu tư xây mới hồ chứa nước Cà Tung (huyện Đăk Pơ). Tổng kinh phí đầu tư các dự án trên khoảng 485 tỷ đồng thuộc nguồn vốn ngân sách Trung ương.
Hồ đầy ắp nước nhưng hạ du khô khát
Rất nhiều công trình thủy lợi hàng trăm tỷ đồng ở Gia Lai đã hoàn thành nhưng vẫn chưa phát huy hết hiệu quả do thiếu kênh nhánh dẫn nước. Qua nhiều năm, các kênh nhánh vẫn chưa được đầu tư xây dựng, ruộng đồng của người dân ngày càng khô khát.
Hồ chứa nước Ia Rtô (xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa) có tổng mức đầu tư 200 tỉ đồng, khởi công từ cuối năm 2018, hoàn thành cuối năm 2021. Hồ có mục tiêu cấp nước tưới cho 120ha lúa 2 vụ, 400ha mía và 80ha hoa màu trên địa bàn xã Ia Rtô; cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 40.000 người dân thị xã Ayun Pa góp phần vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo cho hơn 2.600 người dân tại xã Ia Rtô và xã Ia Sao (thị xã Ayun Pa) phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống.
Tuy nhiên, đã 3 năm kể từ ngày xây xong phần thân đập và hệ thống kênh chính, hồ chứa nước Ia Rtô luôn đầy nước nhưng vẫn chưa hoạt động và đưa nước về vùng tưới như kế hoạch. Nguyên nhân bởi chưa có hệ thống kênh nhánh nên không thể dẫn nước đến đồng ruộng, khiến hàng trăm ha đất của người dân vùng hạ du khô khát. Để có nước tưới, nhiều hộ dân phải đào ao chứa, kéo đường ống cả trăm mét rồi dùng máy bơm đưa nước về tích trữ.
“Mấy năm rồi thủy lợi gần như không hoạt động, thỉnh thoảng xả nước vào ban đêm. Tận dụng những lúc thủy lợi xả nước, gia đình tranh thủ đưa nước vào trong ao tích trữ. Nhiều hộ dân phía gần đập chính đã chiếm dụng hết nguồn nước mỗi lần thủy lợi xả nước, các hộ ở dưới đợi mỏi mắt chẳng thấy giọt nào”, ông Nguyễn Văn Tiên (xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa) chia sẻ.