Italia không kiểm soát quá nhiều bóng. Có thời điểm, thời lượng bóng dành cho họ chỉ đạt 25%. Thế nhưng, bất cứ đợt lên bóng nào của các học trò Conte cũng giống như một lưỡi gươm tuốt trần. Nếu không phải là De Gea đã có một ngày xuất thần, thì có lẽ kết cục trận đấu đã được định đoạt ngay sau hiệp một.
Điều đó một lần nữa khẳng định: Cầm vũ khí là chưa đủ. Sử dụng vũ khí như thế nào mới là điểm quyết định. Song, đây lại không hoàn toàn chỉ là vấn đề trí xảo.
Hãy nhìn cách Azzurri chắt chiu mài giũa từng đường chuyền. Hãy nhìn sự nỗ lực của họ, để luôn chiếm số đông kể cả khi có bóng lẫn khi mất bóng. Hãy nhìn cỗ máy pressing được vận hành miệt mài bởi những “ông già” như thế, trong gần như cả trận đấu. Và hãy nhìn Conte. Cơn giận dữ của ông, trong khoảng thời gian mà các học trò chùng lại, có giá trị hơn bất cứ hồi trống thúc quân nào.
Sau đó mới là những kỹ xảo về việc chiếm quyền điều tiết nhịp độ trận đấu, hay sự lạnh lùng đến lọc lõi trong cách xiết chặt sợi dây thòng lọng quanh cổ con mồi.
Tuy nhiên, song song và đối diện với quá trình ấy, Tây Ban Nha phản ứng như thế nào?
Chẳng thế nào cả! Chẳng có gì khác biệt, so với khi họ để Croatia lật ngược thế cờ.
Khi Chiellini lập công, có tới 4 cái bóng áo xanh “quây” De Gea, người trở nên cô đơn đến tội nghiệp trong sự hờ hững của một dàn đồng đội.
Và với 60-70% thời lượng bóng, sự bế tắc lại càng trở nên rõ rệt ở tuyến đầu. Không còn điểu phối viên thiên tài như Xavi là một chuyện. Không hề pressing, và vô cùng thụ động trong di chuyển không bóng lại là chuyện khác.
Tiki – taka trở thành một câu chuyện tầm phào với những khiếm khuyết không thể san lấp ấy. Sinh khí chỉ trở lại khi Tây Ban Nha chơi bóng trực diện hơn, tốc độ hơn, đặc biệt là giàu nỗ lực hơn trong nửa cuối hiệp hai.
Hãy trở lại với sự cáu kỉnh của Conte. Nói một cách công bằng, vào thời điểm đó, nếu may mắn mỉm cười chỉ một lần, La Furia đích thực hoàn toàn có thể tái sinh trong bão giông chớp giật. Buffon và đội vệ binh của mình đã không để điều đó trở thành hiện thực. Nhưng, nếu Tây Ban Nha thực sự muốn trả mọi giá cho chiến thắng ngay từ đầu?
Khi Chiellini lập công, có tới 4 cái bóng áo xanh “quây” De Gea, người trở nên cô đơn đến tội nghiệp trong sự hờ hững của một dàn đồng đội.
Tiếc là họ đã không tiếp cận trận đấu với một ngọn lửa trong tâm trí như thế. Mà Del Bosque thì cũng không giỏi biến báo trong việc dùng binh. Khi những ngôi sao của ông đã đánh mất quá nhiều động lực, đã chỉ còn rất ít khao khát, đã khá là mệt mỏi với vàng son thời cực thịnh, ông chỉ có thể ngồi yên, chiêm nghiệm thất bại đến mỗi lúc một gần. Như những gì đã diễn ra ở mùa hè Brazil, hai năm về trước.
Từ quân đến tướng, ý chí là điểm khác biệt lớn nhất giữa người thắng và kẻ bại. Khi trong tâm không còn kiếm, chuyện “chặt vàng chém ngọc” còn là gì khác, ngoài những mơ mộng liêu trai?