Tàu Trung Quốc vây ép, đâm va tàu ngư dân Việt Nam

Ngư dân Đà Nẵng đồng loạt ra khơi chiều 15/5. Ảnh: Hoài Văn
Ngư dân Đà Nẵng đồng loạt ra khơi chiều 15/5. Ảnh: Hoài Văn
TP - Hôm qua, Trung Quốc duy trì quanh khu vực giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam gần 120 tàu, trong đó có tàu chiến, tàu khu trục tên lửa, tàu tuần tiễu tấn công nhanh, tàu dầu khí, tàu cá vỏ sắt. Đáng chú ý nhất là 2 tàu tên lửa tấn công nhanh. Hai ngư dân Quảng Ngãi đã bị đánh đập và bị phá tàu ở khu vực đảo Phú Lâm.

Đánh ngư dân, phá tài sản, giữ tàu

Chiều qua, Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết: 2 tàu quân sự mới là tàu tên lửa tấn công nhanh có số hiệu 755, và tàu tuần tiễu tấn công nhanh số hiệu 789 đến khu vực giàn khoan Hải Dương 981 để cản phá, đe dọa lực lượng chấp pháp của ta.

Các tàu quân sự của Trung Quốc bảo vệ vòng ngoài đã tháo bạt che vũ khí nhằm đe dọa tàu cá, khiêu khích lực lượng chấp pháp của Việt Nam xung quanh giàn khoan Hải Dương 981.

Trong khi đó, tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc vẫn chủ động vây ép, đâm va tàu cá ngư dân ta, tuy nhiên, ngư dân Việt Nam vẫn vững vàng bám trụ, đấu tranh giữ ngư trường.

Hôm qua, khi lực lượng Kiểm ngư Việt Nam đang làm nhiệm vụ cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 7 hải lý, liền bị tàu Hải cảnh của Trung Quốc đâm va, làm 1 tàu kiểm ngư bị móp mạn. Tuy nhiên, tàu Kiểm ngư không ảnh hưởng đến khả năng cơ động, vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.

Cục Kiểm ngư cho biết, ngoài diễn biến tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981, ở khu vực đảo Phú Lâm (phía đông bắc quần đảo Hoàng Sa, cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 110 hải lý), lúc 23 giờ ngày 16/5, tàu Ngư chính 306 của Trung Quốc đã khống chế tàu cá QNg-90205-TS của ngư dân Quảng Ngãi.

Đồng thời, họ đánh đập thuyền viên, phá hoại tài sản trên tàu cá QNg-90205-TS khi đang khai thác ở khu vực này. Hai thuyền viên của tàu cá Quảng Ngãi bị thương nặng, còn tàu hiện vẫn bị Trung Quốc giữ ở đảo Phú Lâm.

Tàu Trung Quốc tiếp tục ép chặt tàu CSBVN 8003

Tin từ tàu CSBVN 8003 (Vùng 1), ngày 17/5, các tàu chấp pháp Trung Quốc tiếp tục giăng đội hình dày đặc, quyết liệt ngăn cản các biên đội tàu CSB Việt Nam.

8 giờ sáng ngày 17/5, tàu CSBVN 8003 cơ động cùng các biên đội tàu CSB Việt Nam tiếp cận giàn khoan. Ở khoảng cách giàn khoan Hải Dương 981 gần 10 hải lý, các biên đội tàu CSB Việt Nam bị các lớp tàu chấp pháp Trung Quốc túa ra ngăn cản, rất khó tiếp cận gần vị trí giàn khoan. Vẫn như mọi ngày, tàu Trung Quốc 3411 nhận nhiệm vụ kèm chặt tàu CSBVN 8003.

Tàu này liên tục ép sát, cùng tàu Trung Quốc 44001 chặn mũi tiến và lượn vòng về phía đuôi, hai bên mạn, sát tàu CSBVN 8003. Theo chỉ huy tàu CSBVN 8003, những ngày trước, tàu Trung Quốc 3411, lúc ép sâu nhất cách tàu CSB 8003 chừng 80-100m.

Hôm nay, tàu này ép sát mạn, chỉ cách tàu CSBVN 8003 chừng 30m, uy hiếp, đe dọa đâm va. Tàu CSBVN 8003 cơ động, lùi tránh không để xảy ra va chạm. 10 giờ cùng ngày, 6 tàu Trung Quốc rồ máy, triển khai đội hình theo kèm tàu CSBVN 2016.

Sẽ có chính sách hỗ trợ cao nhất cho ngư dân

Ngày 17/5, tại hội nghị về tái cơ cấu ngành, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, Bộ đã hoàn tất dự thảo nghị định về các chính sách hỗ trợ cao nhất cho ngư dân theo chỉ đạo Thủ tướng. Hiện dự thảo trên đang xin ý kiến các bộ ngành, địa phương trước khi trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt trong tháng 5 này.

Theo ông Phát, trong các chính sách cho thủy sản, sẽ đặc biệt ưu tiên, hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt ở vùng xa bờ. Ngư dân sẽ có những ưu tiên đặc biệt về tín dụng để hiện đại hóa tàu cá, áp dụng phương tiện, công nghệ hiện đại hơn để nâng cao hiệu quả. Cùng đó, sẽ tăng cường đầu tư ngân sách xây dựng hạ tầng nghề cá, phục vụ ngư dân đánh bắt trên biển.

Trước việc tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc đâm tàu cá của ngư dân ta hư hại khi đang đánh bắt trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam, ông Phát cho biết, chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt đang được thí điểm ở Quảng Ngãi.

Việc thời gian qua triển khai chậm trễ đang được khẩn trương rút kinh nghiệm, điều chỉnh các giải pháp cho phù hợp. Cụ thể, chính sách hỗ trợ tín dụng sẽ sát hơn với thực tiễn đóng tàu vỏ sắt, vì tùy từng loại tàu phục vụ nghề khác nhau ở trên biển, sẽ có hỗ trợ khác nhau.

Bộ trưởng Phát cũng cho hay, thời gian tới, sẽ tập trung nâng cao giá trị sản phẩm cá ngừ đại đương. “Tôi đã đề nghị địa phương và tự liên hệ với phía Nhật Bản gửi chuyên gia sang giúp, đồng thời Việt Nam sẽ gửi ngư dân sang Nhật học tập, nâng cao hiệu quả với nghề khai thác cá ngừ đại dương” - ông Phát nói.

Sáng 17/5, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản phối hợp với Sở NN& PTNT Đà Nẵng tổ chức tập huấn về biển đảo và các quy định khai thác thủy sản cho hơn 150 ngư dân.

Tại đây, các ngư dân cập nhật thông tin chính thống về tình hình trên biển, quy định pháp luật, cơ sở pháp lý về chủ quyền và chủ quyền của Việt Nam trên biển. Đồng thời nghe phổ biến các vấn đề liên quan đến khai thác thủy sản, chính sách hỗ trợ tàu, thuyền ngư dân…

Hỗ trợ cảnh sát biển và kiểm ngư 500 triệu đồng

Ngày 17/5, Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) trao 500 triệu đồng cho Bộ tư lệnh Cảnh sát Biển và Cục Kiểm ngư Việt Nam, mỗi đơn vị 250 triệu đồng. Cienco 4 cũng phát động phong trào Vì chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Sỹ Lực

MỚI - NÓNG