Theo báo cáo, con tàu nói trên được cho là tàu của Chính phủ Triều Tiên, thuộc lực lượng hải quân hoặc tuần duyên, và được phát hiện hồi cuối tháng 6 tại ngư trường Yamatotai, ngoài khơi bán đảo Noto (Nhật Bản).
Trước đó, các tàu cá Triều Tiên từng nhiều lần xuất hiện ở khu vực này, nhưng đây là lần đầu tiên thủy thủ đoàn được trang bị vũ khí phòng không. Theo Đài truyền hình NHK, con tàu di chuyển trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Một quan chức giấu tên cho biết: “Chúng tôi thường xuyên thực hiện các cuộc tuần tra bằng tàu và máy bay trong khu vực để bảo vệ các thủy thủ đoàn Nhật Bản.”
Lực lượng tuần duyên từ chối cung cấp thông tin chi tiết về vụ chạm trán, nhưng xác nhận vũ khí trên tàu Triều Tiên là tên lửa đất-đối-không SA-16 do Nga sản xuất, hoặc là bản sao của SA-16 do Triều Tiên tự sản xuất.
SA-16 được thiết kế để bắn hạ máy bay tầm thấp và trực thăng. Vũ khí này sử dụng hệ thống dẫn đường hồng ngoại và có tầm bắn tối đa hơn 5 km.
James Brown, Phó Giáo sư Quan hệ Quốc tế ở Tokyo cho biết Triều Tiên có thể tuyên bố rằng con tàu đang thực hiện quyền đi qua vùng biển Nhật Bản, vì điều này không bị cấm. Nhưng việc phô diễn vũ khí phòng không có thể là một động thái đáng lo ngại.
“Không thể biết chắc rằng con tàu đã làm gì ở khu vực đó. Có thể họ đang thực hiện các hành động do thám hoặc tập trận”, ông Brown nói.
Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản không tiết lộ các động thái đáp trả nhằm vào tàu Triều Tiên, nhưng theo ông Brown, phía Nhật Bản có thể sẽ không làm gì nhiều ngoài việc giám sát hoạt động của con tàu này.
“Họ hầu như sẽ chỉ quan sát và giữ khoảng cách, trừ khi máy bay hoặc tàu Nhật Bản bị tấn công trực diện. Nhật Bản không muốn khơi mào một cuộc đối đầu, và các lực lượng của họ sẽ chỉ đáp trả nếu họ bị tấn công trực tiếp”, ông Brown nhận định.
Hiện Triều Tiên chưa lên tiếng về thông tin trên của Nhật Bản.