Đây là một phần nỗ lực của Nhật Bản nhằm thúc đẩy một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, một quan chức Nhật nói. Theo Reuters, vị quan chức này “có hiểu biết trực tiếp” về hải trình kéo dài hai tháng của chiếc tàu sân bay, bắt đầu từ tháng chín năm nay.
Tàu sân bay Kaga, thuộc lớp tàu Izumo, dài 248m, có thể đảm bảo cho nhiều trực thăng hoạt động cùng lúc. Tàu sẽ ghé thăm một số nước Đông Nam Á, Ấn Độ và Sri Lanka. Tàu Kaga, được một tàu chiến khác hộ tống, có thể sẽ tiến hành một số cuộc tập trận chung “không có trong kế hoạch” với tàu hải quân của một số nước trong khu vực, theo lời quan chức Nhật Bản giấu tên. Năm ngoái, Nhật Bản phái một tàu cũng thuộc lớp Izumo thực hiện hải trình tương tự vào các khu vực tranh chấp ở biển Đông và Ấn Độ Dương.
Một người phát ngôn của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) nói ông chưa thể bình luận về các hoạt động chưa diễn ra của tàu sân bay Nhật. Tuy nhiên, sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc tại biển Đông và Ấn Độ Dương là mối quan ngại lớn của Tokyo, khi các vùng biển này nằm trên hải trình thương mại cốt tử đối với nền kinh tế Nhật Bản và Mỹ.
Trong khi nói ý đồ hiện diện quân sự ở biển Đông là nhằm mục đích hòa bình, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn vùng biển này và đã xây dựng nhiều căn cứ trên các bãi đá và dải san hô mà họ cải tạo phi pháp. Bắc Kinh cũng tăng cường các hoạt động trên Ấn Độ Dương. Mỹ thường xuyên tuần tra trên biển và trên không tại biển Đông với lý do đảm bảo tự do hàng hải.
Hồi tháng Năm, Mỹ đổi tên Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, có trụ sở tại Hawaii, thành Bộ tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương để dọn đường cho một chiến lược khu vực rộng mở hơn, điều vốn được Nhật Bản và Australia ủng hộ. Phạm vi hoạt động của lực lượng này nay mở rộng hơn, kéo dài từ tây Thái Bình Dương cho tới Ấn Độ Dương.
Trước đây, Nhật Bản chưa tham gia các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải tại biển Đông bởi vì làm vậy có thể chọc tức Trung Quốc và dẫn đến việc Bắc Kinh tăng cường hiện diện tại biển Hoa Đông, nơi Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh chấp quần đảo phía Nhật gọi là Senkaku, phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Căng thẳng
Trong lúc căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang leo thang, khi Trung Quốc nghi ngờ Mỹ ủng hộ một Đài Loan độc lập, hồi tháng Sáu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ rằng nước này sẽ “không nhượng bộ về chuyện lãnh thổ”. Tranh chấp tại biển Đông đang diễn ra giữa 5 nước, 6 bên. Còn tại Ấn Độ Dương, căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ cũng gia tăng sau khi Trung Quốc củng cố sự hiện diện của họ tại Maldives, cho dù quốc đảo này có mối quan hệ chính trị - an ninh lâu dài với Ấn Độ. Gần đây, Maldives đồng ý tham gia Sáng kiến Vành đai - Con đường của Trung Quốc. Theo chương trình này, các con đường sẽ được xây dựng để kết nối thương mại và vận tải ở châu Á và có thể vươn ra các châu lục khác.
Nhằm để Nhật Bản có vai trò lớn hơn trong khu vực, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã mở rộng giới hạn của hiến pháp, có từ hậu Thế chiến II, để phái tàu chiến, máy bay và quân lính thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài.
Tàu Kaga mới được phiên chế vào JMSDF từ tháng 3/2017 với nhiệm vụ chính là chống tàu ngầm. Chuyến hải hành tới biển Đông và Ấn Độ Dương của tàu Kaga diễn ra sau khi hồi tháng Năm vừa rồi, Nhật phái tàu vận tải đổ bộ Osumi thực hiện lộ trình tương tự. Chuyến đi của tàu Osumi cũng diễn ra trong 2 tháng.
Sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc tại biển Ðông và Ấn Ðộ Dương là mối quan ngại lớn của Tokyo, khi các vùng biển này nằm trên hải trình thương mại cốt tử đối với nền kinh tế Nhật Bản và Mỹ.