Tàu ngầm siêu nhỏ - đàn sói ẩn mình của hải quân Triều Tiên

Nhà lãnh đạo Triều Tiên lên kiểm tra chiếc tàu ngầm mang số hiệu 748. Ảnh: AFP
Nhà lãnh đạo Triều Tiên lên kiểm tra chiếc tàu ngầm mang số hiệu 748. Ảnh: AFP
Dù có kích thước nhỏ và công nghệ đơn giản, những chiếc tàu ngầm siêu nhỏ của hải quân Triều Tiên vẫn có thể giáng những đòn tấn công bất ngờ cho đối phương.

Ngày 13/3, quân đội Hàn Quốc và Mỹ cho hay họ vẫn theo dõi chặt chẽ dấu tích của một chiếc tàu ngầm Triều Tiên mất tích ở vùng biển phía đông nước này từ hồi đầu tuần trước, theo Reuters.

Theo đó, chiếc tàu ngầm đột nhiên biến mất khi đang thực hiện nhiệm vụ trên biển, trong bối cảnh quân đội Mỹ và Hàn Quốc chuẩn bị tổ chức cuộc tập trận thường niên quy mô lớn mang tên Giải pháp Then chốt và Đại bàng Non. Theo các nguồn tin, đây là tàu ngầm lớp Yugo, một trong 70 chiếc trong hạm đội tàu ngầm đang hoạt động của hải quân Triều Tiên.

Tàu ngầm Yugo là một loại tàu ngầm cỡ nhỏ, chỉ dài 21 mét, rộng 2,75 mét, chủ yếu được Triều Tiên sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ trinh sát và xâm nhập. Nhờ sử dụng động cơ điện – diesel ít gây tiếng ồn, tàu ngầm này có thể bí mật luồn sâu vào vùng biển đối phương.

Tàu ngầm lớp Yugo được Tiệp Khắc cũ (Yugolasvia) thiết kế, sản xuất và cung cấp cho Triều Tiên từ năm 1965. Là một tàu ngầm siêu nhỏ, nó có lượng giãn nước tiêu chuẩn khoảng 90-110 tấn, được trang bị hai ống phóng ngư lôi 400 mm. Tàu ngầm Yugo có tầm hoạt động 550 hải lý (1.020 km) ở vận tốc 19 km/h khi nổi và 50 hải lý (93 km) ở vận tốc 7,4 km/h khi lặn.

Đây không phải là lần đầu tiên một chiếc tàu ngầm lớp Yugo của Triều Tiên gặp sự cố. Tháng 6/1998, một chiếc tàu ngầm siêu nhỏ kiểu này của Triều Tiên bị mắc kẹt vào lưới của ngư dân Hàn Quốc ở vùng biển gần bờ nước này và bị chìm. Khi quân đội Hàn Quốc tìm thấy chiếc tàu ngầm, họ phát hiện 9 thủy thủ bên trong đã chết. Nhiều khả năng những người lính này đã không phát tín hiệu cầu cứu, chấp nhận chết chung cùng với con tàu chứ không để bị bắt sống. Chiếc tàu ngầm này được cho là đang thực hiện một nhiệm vụ xâm nhập sâu vào lãnh hải Hàn Quốc.

Những vụ việc trên chứng tỏ tàu ngầm vẫn là một lực lượng rất quan trọng đối với quân đội Triều Tiên, và là công cụ chủ yếu để nước này thực hiện chiến lược mà chuyên gia Koh Swee Lean Collins thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), gọi là "chiến lược tàu ngầm phi đối xứng".

Kỷ nguyên vàng

Năm 2014, Triều Tiên lần đầu tiên công khai hình ảnh hạm đội tàu ngầm của mình, khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới thăm Hải đội 167 thuộc hạm đội Đông Hải của Triều Tiên. Những bức ảnh được Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố cho thấy ông Kim đã lên thăm chiếc tàu ngầm sơn xanh mang số hiệu 748 và sử dụng kính tiềm vọng bên trong tàu. KCNA cho hay ông Kim đã đích thân chỉ đạo một cuộc diễn tập từ phòng điều khiển của chiếc tàu ngầm trông có vẻ han rỉ này.

Ngay lập tức, truyền thông và nhiều quan chức quân sự Hàn Quốc đã lên tiếng chê bai lực lượng tàu ngầm của Triều Tiên và khả năng thực sự của hạm đội này. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok tuyên bố: "Có vẻ như Bình Nhưỡng muốn khoe khoang sức mạnh tàu ngầm, nhưng những tàu ngầm của hải quân chúng tôi ưu việt hơn nhiều, chúng không gây ra nhiều tiếng ồn và có thể hoạt động dưới nước lâu hơn".

Tàu ngầm siêu nhỏ - đàn sói ẩn mình của hải quân Triều Tiên ảnh 1

Hai chiếc tàu ngầm lớp Yugo được Triều Tiên chuyển giao cho Iran. Ảnh: IRNA

Tuyên bố của ông Kim Min-seok không phải là không có cơ sở. Trong thập niên 1960 và 1970, Triều Tiên từng sở hữu một trong những lực lượng hải quân mạnh nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương với một hạm đội đồ sộ tàu chiến, tàu ngầm chuyên thực hiện các nhiệm vụ tuần tra duyên hải và tấn công đối phương.

Trong "kỷ nguyên vàng" này, hải quân Triều Tiên hoàn toàn áp đảo so với Hàn Quốc, khi quân đội Hàn Quốc chủ yếu phải dựa vào những khí tài cũ mà Mỹ đã sử dụng trong Thế chiến II. Mãi tới năm 1993, Hàn Quốc mới được trang bị chiếc tàu ngầm có khả năng chiến đấu thực sự đầu tiên mang tên Chang Bogo, trong khi Triều Tiên đã vận hành tàu ngầm lớp Romeo được hai thập kỷ và bắt đầu được cấp phép tự sản xuất tàu ngầm này.

Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã, hải quân Triều Tiên mất đi nguồn hậu thuẫn lớn và bắt đầu bước vào thời kỳ suy thoái. Cùng thời điểm đó, kinh tế Hàn Quốc bùng nổ, và nước này đầu tư rất nhiều tiền của cho quốc phòng, xây dựng một trong những lực lượng hải quân hiện đại nhất thế giới. Cán cân sức mạnh trên biển giữa hai miền Triều Tiên được đảo chiều chóng vánh.

Theo ông Collins, chiếc tàu ngầm 748 được coi là hiện đại nhất Triều Tiên hiện nay lại rất lạc hậu so với những tiêu chuẩn của tàu ngầm ngày nay. Hầu hết tàu ngầm Triều Tiên đều không phóng được tên lửa, mà chỉ có thể sử dụng những quả ngư lôi đời cũ có từ thời Thế chiến 2. Trong khi đó, tàu ngầm Hàn Quốc được trang bị tên lửa diệt hạm UGM-84C Sub-Harpoon, có thể tiêu diệt tàu chiến đối phương từ khoảng cách gần 100 km. Ngoài ra, tàu ngầm Hàn Quốc còn được trang bị các loại ngư lôi dẫn đường hạng nặng kiểu mới do Đức sản xuất, có năng lực săn ngầm cực mạnh.

Điều làm nên sự khác biệt rõ ràng nhất của hạm đội tàu ngầm Hàn Quốc chính là các hệ thống tác chiến tối tân, bao gồm các thiết bị chỉ huy kỹ thuật số, thủy âm và tác chiến điện tử tích hợp cùng với các tính năng hiện đại tạo độ ồn thấp. Theo ông Collins, khoảng cách về công nghệ giữa hải quân hai nước sẽ ngày càng nới rộng khi Hàn Quốc đưa tàu ngầm mới KSS-3 vào hoạt động.

Ẩn mình

Chuyên gia Collins chỉ ra rằng dù không sở hữu các công nghệ hiện đại, sự đáng sợ của hải quân Triều Tiên không đến từ những chiếc tàu ngầm đồ sộ như 748, mà từ những chiếc tàu ngầm siêu nhỏ dễ dàng luồn lách trong lòng biển.

Năm 2010, chiếc khu trục hạm hiện đại Cheonan của Hàn Quốc bị đắm sau khi trúng một quả ngư lôi, được cho là do một chiếc tàu ngầm siêu nhỏ của Triều Tiên phóng ra. Nhiều nhà quan sát cho hay tàu ngầm siêu nhỏ Triều Tiên cũng đã nhiều lần tới được bờ biển Hàn Quốc mà không hề bị phát hiện.

Tàu ngầm siêu nhỏ - đàn sói ẩn mình của hải quân Triều Tiên ảnh 2

Chiến hạm Cheonan vỡ làm đôi và chìm xuống biển sau khi trúng ngư lôi. Ảnh: KoreanTV

Năm 1996, một tàu ngầm siêu nhỏ lớp Song-O của Triều Tiên đã đưa một tổ lính đặc công vũ trang đổ bộ thành công lên bờ biển Geungneung của Hàn Quốc. Theo lời kể của một đặc công, con tàu này đã né tránh sự theo dõi của một tàu chiến Hàn Quốc trang bị hệ thống thủy âm để có thể tiến vào gần bờ biển.

Các chuyên gia phân tích quân sự cho rằng khi nhận thấy không thể bắt kịp được Hàn Quốc về công nghệ hải quân, Triều Tiên đã tìm cách đối phó bằng học thuyết chiến tranh phi đối xứng trên biển, và hạm đội tàu ngầm siêu nhỏ chính là chìa khóa để thực hiện chiến lược này.

Không chỉ thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, đưa quân đổ bộ vào sâu trong lãnh hải đối phương, tàu ngầm siêu nhỏ Triều Tiên còn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược chống tiếp cận, ngăn chặn tàu đổ bộ của liên quân Mỹ - Hàn áp sát bờ biển nước này.

Với kích thước rất nhỏ, những chiếc tàu ngầm siêu nhỏ Triều Tiên rất dễ ngụy trang, có khả năng cơ động linh hoạt giữa các luồng lạch, đảo nhỏ ven biển. Với công nghệ đơn giản và chi phí thấp, những chiếc tàu ngầm siêu nhỏ này có thể được chế tạo với số lượng lớn, tạo thành "đàn sói" có thể xông vào tấn công bất cứ tàu chiến, tàu ngầm nào của đối phương.

Được điều khiển bởi những thủy thủ thông thuộc địa hình, luồng lạch, những tàu ngầm siêu nhỏ này thực sự là một đội quân đáng sợ và hiệu quả khi sử dụng chiến thuật "đánh và chạy" chống lại lực lượng đổ bộ Mỹ - Hàn.

Sự mất tích của chiếc tàu ngầm lớp Yugo cho thấy dù ngày càng bị lạc hậu về công nghệ, hạm đội tàu ngầm siêu nhỏ của Triều Tiên vẫn được hải quân nước này sử dụng rộng rãi để thực hiện các nhiệm vụ chống lại Hàn Quốc và Mỹ. Những lợi thế về chiến thuật của đội tàu ngầm này là động lực để Bình Nhưỡng tiếp tục đầu tư vào chúng, và sẽ cố gắng che giấu sức mạnh thực sự của "đàn sói" này. Bởi vậy, những thảm kịch như vụ tàu chiến Cheonan có thể lặp lại bất cứ lúc nào, chuyên gia Collins nhấn mạnh.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.