Tàu ngầm Komsomolets - nấm mồ titan khổng lồ của hải quân Nga

Tàu ngầm Komsomolets K-278 của hải quân Liên Xô. Ảnh: FAS.
Tàu ngầm Komsomolets K-278 của hải quân Liên Xô. Ảnh: FAS.
Một sự cố nhỏ đã biến chiếc tàu ngầm titan lớn nhất thế giới thành cỗ quan tài khổng lồ của các thủy thủ nằm lại dưới đáy biển sâu.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, với tham vọng chế tạo chiếc tàu ngầm quân sự lặn sâu nhất thế giới, Liên Xô đã cho ra đời Komsomolets K-278, tàu ngầm lớp Plavnik thuộc dự án 685 duy nhất từng được đóng, theo FAS.

Tàu ngầm Komsomolets có chiều dài 122 m, cao 11,2 m, nặng 8.000 tấn, được trang bị hai lò phản ứng hạt nhân và được cho là có thiết kế mang tính cách mạng khi có phần vỏ chịu lực bên trong làm bằng titan nhẹ và cứng, giúp tàu có thể lặn sâu tới 914,4 m, sâu hơn những loại tàu ngầm tốt nhất của Mỹ.

Nhờ khả năng lặn sâu nhất thế giới này, tàu ngầm Komsomolets được mệnh danh là "bất khả xâm phạm", bởi các tàu ngầm hay tàu săn ngầm đối phương không đủ khả năng đe dọa nó. Tàu có thủy thủ đoàn 70 người và được trang bị 22 tên lửa hành trình và ngư lôi cả thông thường lẫn mang đầu đạn hạt nhân.

Sau khi được hạ thủy vào tháng 5/1983, tàu ngầm Komsomolets bắt đầu thực hiện các chuyến tuần tra dưới lòng biển và được biên chế vào đơn vị tác chiến chống ngầm của hạm đội Phương Bắc Liên Xô. Tuy nhiên vào ngày 7/4/1989, một ngọn lửa bùng phát trên khoang đã biến tàu ngầm hạt nhân này thành cỗ quan tài titan khổng lồ dưới đáy biển Na Uy.

Hỏa hoạn từ tia dầu

Lúc đó, tàu Komsomolets đang hoạt động ở độ sâu 381m dưới lòng biển Na Uy, cách đất liền Na Uy 514,9 km về phía bắc. Tính đến hôm đó, tàu đã tiến hành chuyến tuần tra được 39 ngày.

Lúc 11 giờ trưa, thủy thủ Nodari Bukhnikashvili báo cáo mọi thứ vẫn ổn trong khoang số 7, vốn là khoang lái nằm gần phía đuôi tàu. Nhưng một lúc sau, đoạn đường ống dẫn khí áp suất cao kết nối với các bể dằn ở khoang số 7 bất ngờ bị bục. Bằng cách nào đó, một tia dầu đã xịt vào bề mặt nóng trong khoang, làm bùng lên ngọn lửa tại nơi đang tràn ngập khí ô xy áp suất cao này.

Ba phút sau, thượng úy Vyacheslav Yudin, sĩ quan giám sát tàu Komsomolets ở phòng điều khiển phát hiện thấy nhiệt độ gia tăng nhanh chóng ở đuôi tàu. Anh liên lạc với Bukhnikashvili qua bộ đàm nhưng không thấy trả lời, anh báo cáo với hạm trưởng, và lệnh báo động được ban ra.

Igor Kalinim, một kỹ sư thủy âm trên tàu Komsomlets khi đó, sau này hồi tưởng lại: "Khi tôi đang nghỉ ngơi trong cabin thì còi báo động vang lên. Tôi lao tới vị trí và cùng tham gia cứu con tàu với các thành viên khác".

Kỹ sư trưởng Valentin Babenko đề xuất với hạm trưởng Yevgenity Vanin đã có phương án dập lửa bằng khí freon, một loại khí làm lạnh không bắt cháy nhưng có thể gây tử vong khi tiếp xúc với con người. Vanin chần chừ bởi các thủy thủ vẫn còn trong khoang số 7.

Sau đó hạm trưởng miễn cưỡng ra lệnh xả khí freon vào khoang số 7, đồng nghĩa với việc Bukhnikashvili là thủy thủ đầu tiên hy sinh. Tuy nhiên khí freon đã không dập tắt được ngọn lửa, bởi đường ống khí nén bị thủng liên tục cấp nguyên liệu cháy cho nó, biến khoang số 7 thành một lò nung. Ngọn lửa giờ đây đã nằm ngoài tầm khống chế.

Áp suất ở khoang số 7 đẩy dầu lọt vào khoang số 6, và ngọn lửa tiếp tục lan qua khoang này thông qua các dây cáp điện, dù cửa chống lửa giữa hai khoang đã được đóng. Các thủy thủ trong khoang số 6 thậm chí không có thời gian để đeo mặt nạ phòng độc và nhanh chóng tử vong trong biển lửa.

Máy phát điện tuốc bin trong khoang này ngừng hoạt động, hệ thống khẩn cấp bảo vệ các lò phản ứng hạt nhân khỏi bị quá tải được kích hoạt và chân vịt ngừng quay. Lo sợ lò phản ứng tan chảy, sĩ quan điều hành quyết định cắt nguồn điện chính của tàu ngầm. Cả con tàu đột ngột đứng im ở độ sâu 152,4 m và bắt đầu mất sức nâng, trong khi hệ thống liên lạc bên trong tàu bị ngắt.

Andrey Makhota, một kỹ sư điều khiển từ xa nhớ lại: "Tôi ở gần ngay lò phản ứng và nghe được tiếng hệ thống khẩn cấp kích hoạt. Tôi có thể xác nhận rằng hệ thống này được ngắt hoàn toàn để ngăn chặn bất kỳ rò rỉ phóng xạ nào".

Lúc 11:13, hệ thống bơm dầu bị ngắt, tàu mất kiểm soát hệ thống áp suất thủy lực để nổi lên mặt nước. Các bánh lái thẳng đứng bị kẹt và bánh lái ngang ở đuôi tàu mất kiểm soát. Cực chẳng đã, hạm trưởng Vanin ra lệnh thực hiện quy trình nổi khẩn cấp, đó là cho nổ các bể nước dằn để tạo phản lực đẩy tàu lên, đồng thời phát tín hiệu cầu cứu về sở chỉ huy.

Sau tiếng nổ đầu tiên, tàu Komsomolets nổi lên được gần 91,4 m. Quá trình này được lặp lại với các bể nước dằn khác, và cuối cùng tàu ngầm cũng nổi được lên mặt nước.

Thảm kịch mới bắt đầu

Tuy nhiên, nổi lên được mặt nước không có nghĩa là tàu Komsomolets đã hết nguy hiểm. Lúc 11:21, ngọn lửa đã theo hệ thống dây cáp lan đến tất cả các khoang, khiến nhiệt độ trong tàu tăng lên hơn 1.000 độ C. Các lớp cao su bọc bên ngoài thân tàu bắt đầu bong ra từng mảng.

Hạm trưởng Vanin ra lệnh tất cả mọi người tham gia cứu tàu, và họ đều phải đeo mặt nạ dưỡng khí nối với hệ thống cung cấp không khí khẩn cấp. Tuy nhiên, khí CO, loại khí độc không mùi, bắt đầu nhiễm vào hệ thống dưỡng khí từ khoang số 7, khiến các thủy thủ cảm thấy chóng mặt.

Vanin tiếp tục đánh tín hiệu cầu cứu về sở chỉ huy Hạm đội phương Bắc. Vào lúc 11:41, sở chỉ huy nhận được bức điện mật không đầy đủ, họ chỉ biết rằng là một tàu ngầm Liên Xô bị mắc kẹt ở đâu đó và không quân được báo động.

Lúc 12:19 chiều, hạm trưởng Vanin bỏ qua giao thức bảo mật và gửi bức điện thông báo rõ tên, địa điểm và tình hình khẩn cấp trên tàu. Tư lệnh hạm đội Phương Bắc ra lệnh áp dụng mọi biện pháp để cứu các thủy thủ, kể cả kêu gọi hỗ trợ từ Na Uy, đồng thời điều động ba tàu đang hoạt động cách Komsomolets hơn 100 km đến ứng cứu.

Lúc 14:40, máy bay cứu hộ đến nơi và phát hiện chiếc tàu ngầm đang nổi lập lờ trên mặt nước. Nhìn thấy máy bay cứu hộ, các thủy thủ cho rằng họ sẽ sớm được cứu, nên nhiều người đã không mặc áo giữ nhiệt, dù nước biển lạnh hai độ C có thể khiến họ tử vong trong vòng 15 phút.

Một lúc sau, gió bắt đầu thổi và sóng biển cao tới 1,2 m, buộc các thủy thủ đứng trên boong tàu phải tìm cách bám vào bề mặt trơn trượt. Dù đội cứu hộ chỉ có thể đến lúc 18h, hầu hết các thủy thủ đều trèo ra bên ngoài, vì không chịu nổi khói bên trong tàu, chỉ có một số thủy thủ bên trong để gắng cứu tàu.

Khoảng 16:30, Vanin ra lệnh kích nổ tiếp hai bể dằn để cân bằng tàu nhưng thất bại và khiến tàu chìm nhanh hơn đến mức không thể cứu vãn. Vanin ra lệnh cho thủy thủ đoàn rời tàu vài phút sau khi gửi tín hiệu radio lần cuối.

Tàu ngầm Komsomolets - nấm mồ titan khổng lồ của hải quân Nga ảnh 1

Đài tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh trong thảm họa tàu ngầm Komsomolets. Ảnh: RT.

Chết cóng

Lúc 17h, hai xuồng cứu hộ được bơm hơi và giải phóng ở mũi tàu để các thủy thủ trèo lên, còn hạm trưởng Vanin quyết định trở lại tàu để tìm kiếm những người còn lại.

"Khi tàu vẫn còn nổi, hạm trưởng trèo lên boong và có thể dễ dàng nhảy xuống nước như chúng tôi. Nhưng ông ấy nhìn lên trời và trèo xuống trở lại để hỗ trợ những người vẫn còn mắc kẹt trong con tàu đang chìm", Igor Kalinin nhớ lại.

Tàu ngầm Komsomolets chìm xuống rất nhanh, buộc người lính cuối cùng trên boong phải đóng nắp tháp điều khiển để ngăn nước tràn vào khoang, dìm chết những người vẫn còn bên trong. Những người mắc kẹt vẫn còn tia hy vọng cuối cùng, đó là các kén thoát hiểm có thể giúp họ thoát ra và nổi lên mặt nước.

Một giờ trước khi tàu cứu hộ đến nơi, phần đuôi tàu ngầm chìm xuống trước. Bên trong con tàu vẫn còn 6 thủy thủ sống sót, trong đó có hạm trưởng Vanin. Vanin dẫn những người còn lại tới khoang đựng kén thoát hiểm, và sau một vụ nổ trong khoang, những chiếc kén này được giải phóng, vọt lên phía trên.

Khi lên mặt nước, nắp của những chiếc kén này bung ra, và sóng biển lập tức tràn vào nhấn chìm nó. Chỉ có duy nhất thủy thủ Slyusarenko thoát kịp ra ngoài, còn hạm trưởng Vanin và 4 người khác đã chìm theo con tàu xuống đáy biển sâu.

Với các thủy thủ khác, nỗ lực tự cứu diễn ra không thuận lợi. Một xuồng cứu sinh bị lật, nhiều người gắng trèo lên đáy xuồng, nhưng một số phải ngâm mình trong làn nước biển lạnh buốt và bám vào mạn xuồng. Chiếc xuồng cứu sinh thứ hai bị bục và chìm cùng tàu ngầm. Máy bay cứu hộ sau đó thả thêm nhiều xuồng nhỏ xuống nhưng không đủ cho 50 người chơi vơi trên biển.

Trên chiếc xuồng lớn, bàn tay của các người thủy thủ dần tê cóng, khiến họ phải dùng răng cắn chặt vào dây thừng ở mạn xuồng để khỏi bị cuốn trôi. Một số thành công, nhưng trong một giờ kế tiếp, hơn nửa số thủy thủ bị hạ thân nhiệt và chìm xuống biển.

Khoảng hơn 18h, một tàu cá đến và cứu được 30 thủy thủ, 39 thành viên còn lại trên chiếc tàu ngầm thiệt mạng. Ngoài ra, có thêm ba người nữa tử vong sau đó do hít phải khói độc trong tàu.

Sau này, Nga có kế hoạch trục vớt tàu Komsomolets, nhưng phải từ bỏ khi các cuộc khảo sát cho thấy nguy cơ xảy ra thảm họa do tàu va chạm vào đáy biển là quá lớn.

Tính đến năm 2009, nhà chức trách Nga đã khảo sát, kiểm tra tàu Komsomolets hơn 70 lần. Tàu được phát hiện bị hư hại nghiêm trọng, nhưng các ngư lôi và lò phản ứng hạt nhân trên tàu không gây nguy hại đáng kể cho môi trường, dù thảm họa hạt nhân có thể diễn ra nếu thân tàu bị ăn mòn.

Nga đã dùng các biện pháp đặc biệt để bao kín con tàu, biến nó thành một nấm mồ titan khổng lồ nằm lại ở độ sâu 1,6 km dưới đáy biển Na Uy cùng các thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng trong thảm kịch.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.