Tàu ngầm hạt nhân Borey của Nga nguy hiểm cỡ nào?

Tàu ngầm Borey. Ảnh: Military-today.
Tàu ngầm Borey. Ảnh: Military-today.
Các tàu ngầm thuộc Project 955 Borey của Nga được báo giới quốc gia này quảng bá là "công cụ răn đe hạt nhân hiện đại nhất hành tinh”.

Tạp chí Diplomat đăng bài viết của tác giả Franz-Stefan Gady đánh giá về Dự án 955 lớp Borey (Gió Bắc), loại tàu ngầm hạt nhân chiến lược (SSNB) thế hệ thứ 4.

RT từng nhận định: "Borey là công cụ răn đe hạt nhân hiện đại nhất hành tinh”. Tàu ngầm do Cục thiết kế trung ương Rubit phát triển và chế tạo tại nhà máy đóng tàu Sevmash. Hải quân Nga phát triển Gió Bắc thay thế tàu ngầm Dự án 941 Typhoon và Dự án 667 Delta IV.

Borei là lớp SSBN mới nhất gia nhập hạm đội tàu ngầm Nga từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nói cách khác, nó đại diện cho sự hồi sinh của hạm đội tàu ngầm Liên Xô.

Gió Bắc có chiều dài 170 mét, đường kính thân 13 mét, thủy thủ đoàn 107 người, trong đó có 55 sĩ quan. Nó có thể lặn tới độ sâu tối đa khoảng 450 mét, tốc độ di chuyển trong nước khoảng 30 hải lý/giờ. Tàu ngầm có thiết kế thủy động lực học tối ưu cùng hệ thống động lực bơm phun cho phép nó hoạt động rất êm.

Tàu ngầm hạt nhân Borey của Nga nguy hiểm cỡ nào? ảnh 1

Tàu ngầm Borey sở hữu những công nghệ tàu ngầm tiên tiến nhất thế giới. Ảnh: Military-today.

Hệ thống động lực bơm phun là tính năng quan trọng giúp tàu ngầm cơ động và khó phát hiện hơn. Theo Nava-technology, tổng chí cho tàu ngầm đầu tiên khoảng 713 triệu USD, bao gồm cả chi phí nghiên cứu và phát triển khoảng 280 triệu USD. Trong khi đó, mỗi tàu SSBN lớp Ohio ngốn khoảng 2 tỷ USD.

Borey mang theo từ 12-16 tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm (SLBM) RSM-56 Bulava. Mỗi tên lửa trang bị từ 6-10 đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ từ 100-150 kiloton. Tổng số đầu đạn hạt nhân trên mỗi tàu từ 72-196. SLBM Bulava có tầm bắn trên 8.300 km. Đánh giá về tên lửa RSM-56, trung úy chỉ huy Tom Spahn, sĩ quan dự bị của Hải quân Mỹ kết luận:

“Tên lửa Bulava là bước tiến đáng kể trong công nghệ. RSM-56 là công cụ để ngăn chặn lá chắn tên lửa của phương Tây. Bulava có thể thực hiện một loạt biện pháp đối phó và phóng mồi nhử để qua mặt hệ thống đánh chặn. Đầu đạn hạt nhân độc lập của nó có khả năng chống lại các thiệt hại vật lý và xung điện từ”.

Khả năng tác chiến chống ngầm của tàu rất ấn tượng. Nó có 6 ống phóng ngư lôi có thể phóng tên lửa chống tàu ngầm RPK-2 Viyuga (SS-N-15). Tên lửa mang theo trong nó một ngư lôi Type-40 hoặc bom hạt nhân 90R. Viyaga có thể tấn công tàu ngầm đối phương ở cự ly 45 km với tốc độ khoảng 1.100 km/h.

Tàu ngầm hạt nhân Borey của Nga nguy hiểm cỡ nào? ảnh 2

RSM-56 Bulava được trang bị những công nghệ tinh vi cho phép nó qua mặt hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo của phương Tây. Ảnh: Russianmilitaryphotos.

Hải quân Nga có 3 tàu ngầm lớp Borey trong biên chế. Chiếc đầu tiên mang số hiệu K-535 Yuriy Dolgorukiy hoạt động từ tháng 1/2013 thuộc hạm đội biển Bắc. Tàu thứ 2, K-550 Aleksandr Nevskiy hoạt động trong hạm đội Thái Bình Dương từ tháng 12/2014. K-551 Vladimir Monomakh dự kiến sẽ biên chế cho hạm đội Thái Bình Dương vào cuối năm 2015.

Hải quân Nga có kế hoạch đóng mới 8 tàu ngầm, có thể tùy chọn thêm 2 chiếc sau năm 2020. Biến thể mới bổ sung thêm 4 ống phóng tên lửa (nâng tổng số tên lửa lên 20). Theo RT, tàu ngầm mới có thiết kế thân tàu nhỏ gọn, cải thiện độ ồn khi hoạt động.

Dự án 955 sẽ phục vụ trong Hải quân Nga ít nhất đến năm 2040. Tom Spahn viết trên tạp chí Proceedings rằng: “Borey chứa những công nghệ tàu ngầm tối tân bao gồm: Công nghệ âm thanh, khả năng hoạt động êm, động cơ bơm phun tương tự tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia của Mỹ”.

Một chuyên gia trong lĩnh vực chiến tranh chống ngầm từng nói rằng: “Nga là quốc gia duy nhất trên thế giới có thể phát triển một tàu ngầm hạt nhân qua mặt hệ thống phát hiện tàu ngầm của Mỹ”.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG