Tàu du lịch biến thành nhà hàng nổi

0:00 / 0:00
0:00
Thí điểm chuyển đổi 30 tàu du lịch trở thành nhà hàng nổi trên vịnh Hạ Long. Ảnh: Hoàng Dương
Thí điểm chuyển đổi 30 tàu du lịch trở thành nhà hàng nổi trên vịnh Hạ Long. Ảnh: Hoàng Dương
TP - Đứng trước nguy cơ phá sản vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hàng loạt tàu du lịch chở khách tham quan vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) được chuyển đổi thành nhà hàng nổi ngay tại bến cảng.

Chuyển đổi để duy trì

Sau gần 2 năm nằm bờ vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, hàng trăm tàu du lịch ở TP Hạ Long (Quảng Ninh) đang đứng trước nguy cơ phá sản vì không đủ vốn duy trì hoạt động. Nhiều chủ tàu đã bán đi phân nửa tài sản để cố cầm cự chờ tình hình dịch bệnh ổn định.

Mặc dù du lịch Quảng Ninh đã được mở cửa trở lại nhiều ngày nay. Các chương trình kích cầu du lịch cũng được tỉnh Quảng Ninh đưa ra như miễn phí vé tham quan vịnh, giảm giá kịch sàn nhiều dịch vụ, nhưng số lượng du khách thăm vịnh Hạ Long vẫn không bằng một phần nhỏ so với trước đây.

“Những ngày trong tuần chỉ có vài chục khách, mòn mỏi chờ đến cuối tuần cũng chỉ khá hơn một tí. Hiện tại Hạ Long có hơn 500 tàu du lịch, nếu mỗi tàu chỉ phục vụ một khách cũng không thể sử dụng hết số tàu đang nằm bờ. Với tình trạng như hiện nay thì sớm muộn chúng tôi cũng phá sản”, chị L. T. H., chủ của 3 con tàu đang neo đậu tại cảng tàu quốc tế Tuần Châu, nói.

Tàu du lịch biến thành nhà hàng nổi ảnh 1

Khi chuyển đổi thành nhà hàng, tầng nào sẽ được cải tạo để phục vụ thực khách? Ảnh: Hoàng Dương

Trước khó khăn chồng chất của các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch, mới đây, UBND TP Hạ Long phê duyệt Phương án “Triển khai thí điểm dịch vụ ăn uống trên tàu du lịch neo đậu tại bến thuỷ nội địa thuộc Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long” với mục tiêu tạo điểm đến mới cho du khách khi dịch COVID-19 được kiểm soát, giảm tải lượng khách cho các nhà hàng trên bờ vào những mùa, những ngày cao điểm.

Việc triển khai thí điểm phương án này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các chủ tàu du lịch đang nằm bờ. Họ cho rằng đây là một cơ hội mới để duy trì sự sống cho doanh nghiệp khi lượng cung đang vượt quá cầu. Đây cũng là cơ hội để tạo nên một mô hình kinh doanh bền vững trong tương lai, tối ưu hóa khả năng khai thác của tàu thăm vịnh.

Dự kiến phương án được triển khai từ tháng 9 đến hết tháng 12. Tuy nhiên, do tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 nên tùy vào điều kiện thực tế, thành phố sẽ triển khai sau khi các cơ sở du lịch, dịch vụ được phép hoạt động ở trạng thái bình thường mới.

Theo đó, hằng ngày từ 17h 30 đến 23h, du khách được sử dụng dịch vụ trên 30 tàu du lịch được đóng mới từ năm 2015, có dán nhãn sinh thái “Cánh buồm xanh” và theo các quy chuẩn do UBND tỉnh ban hành. Vị trí tại Bến du thuyền Sungroup, có tổng chiều dài hơn 1.355m. Đây là khu vực nằm biệt lập và cách xa khu vực dân cư, do đó các hoạt động kinh doanh ban đêm sẽ không ảnh hưởng đến người dân trong khu vực.

Phương án vận hành xác định rõ mục đích và cách thức triển khai nhằm đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống dịch, đảm bảo vệ sinh môi trường cho khu vực triển khai thí điểm dịch vụ ăn uống.

Nỗi lo nhà hàng nổi

Phương án chuyển đổi tàu du lịch thành nhà hàng trong thời điểm khó khăn do đại dịch là một bước đi đúng và kịp thời. Nhưng không ít vấn đề cần được giải quyết khi biến những con tàu có chức năng chở khách tham quan trở thành những nhà hàng sang trọng.

Ngay khi phương án được phê duyệt, không ít người đã đặt câu hỏi về vấn đề chất lượng dịch vụ, mức độ an toàn và đặc biệt là vấn đề môi trường của vịnh Hạ Long. 30 con tàu sẽ biến thành 30 nhà hàng nổi ngay tại bến cảng Sungroup. Bến cảng này nằm ngay cửa ra vào của vịnh Cửa Lục và là vùng bảo vệ nghiêm ngặt của vịnh Hạ Long.

“Tàu du lịch có chức năng chở khách tham quan đều có kết cấu một tầng bố trí bàn ghế và một sân thượng để du khách ngắm cảnh. Khi chuyển đổi thành nhà hàng, tầng nào sẽ được cải tạo để phục vụ thực khách? Nếu sử dụng sân thượng của tàu để phục vụ sẽ rất nguy hiểm vì độ cân bằng của con tàu không được đảm bảo. Đã có nhiều vụ đắm tàu vì du khách lên hết tầng thượng để ngắm cảnh khiến con tàu mất cân bằng”, anh N. H. N., một lái tàu có nhiều năm kinh nghiệm đưa khách tham quan vịnh Hạ Long, nói.

Trước đó, năm 2016, UBND TP Hạ Long ra văn bản “Cấm du khách lên sân thượng của tàu để ngắm cảnh khi tàu đang di chuyển” để tránh nguy cơ lật tàu.

“Để làm một nhà hàng không phải chuyện dễ, nhất là cải tạo một con tàu chở khách thành nhà hàng nổi là việc cần cân nhắc kỹ càng. Hệ thống phòng cháy chữa cháy, điện, nước, vệ sinh đều phải thay đổi hoàn toàn để phù hợp với nhà hàng nổi. Không phải được làm là cứ làm ào ào mà bỏ qua các quy chuẩn”, ông P. N. T., người có nhiều năm nghiên cứu văn hóa Quảng Ninh, nói.

Điều đáng lo ngại nhất là vấn đề vệ sinh môi trường. Lượng rác thải, nước thải của một nhà hàng là rất lớn, cần có các phương án, quy định nghiêm ngặt khi đưa các nhà hàng này vào hoạt động. Nhiều người cho rằng, thí điểm là 30 tàu nhưng khi đi vào hoạt động chính thức thì con số này sẽ tăng cao vì thời điểm này gần như doanh nghiệp kinh doanh tàu nào cũng muốn chuyển đổi.

Môi trường của di sản vịnh Hạ Long đang bị quá nhiều tác động của con người đe dọa. Ngoài vấn nạn bê tông hóa di sản, vấn đề môi trường của di sản luôn hiện hữu bởi tác động của việc đô thị hóa quá nhanh những năm gần đây. Để phát triển lâu dài và bảo vệ di sản, Quảng Ninh cần cân nhắc kỹ và đưa ra nhiều hơn các quy chuẩn khi sử dụng di sản để làm bàn đạp phát triển kinh tế, các chuyên gia đề xuất.

Quảng Bình mở tua khép kín

Từ 1/10, Quảng Bình cho phép doanh nghiệp đón khách du lịch đã tiêm vắc-xin COVID-19 tham gia các tua khép kín. Khách du lịch nếu đã tiêm 2 mũi sẽ được cấp thẻ xanh, nếu mới tiêm một mũi được cấp thẻ vàng, kèm theo xét nghiệm nhanh hoặc RT-PCR âm tính. Khách sẽ lưu trú và tham gia các tua khép kín, không tự do hoạt động bên ngoài. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho du khách, nhân viên tiếp xúc trực tiếp với khách cũng phải có thẻ xanh. Người lao động ở các bộ phận còn lại phải có thẻ xanh hoặc vàng. Tất cả sẽ được xét nghiệm định kỳ 7 ngày một lần. Người chưa tiêm vắc-xin chỉ được làm trực tuyến. Ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết, tỉnh cũng sẽ tạo “hành lang xanh” giữa Quảng Bình và các điểm du lịch thuộc các tỉnh, thành phố trong cả nước. Oxalis, đơn vị kinh doanh du lịch mạo hiểm lớn nhất Quảng Bình, cho biết, ngày 2/10 tái khởi động các tua khám phá hang động khu vực Tú Làn.

Hoàng Nam

MỚI - NÓNG
Tấm biển đá có lỗi kỹ thuật đã được cơ quan chức năng di dời.
Ngành chức năng thông tin về tấm biển ghi 'Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá'
TPO - Ngày 20/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan đến tấm biển đá ghi "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa" ở di tích lịch sử Quốc gia nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.