Sở Du lịch Hà Nội, vừa tách khỏi Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hà Nội, chính là một trong ba đơn vị chủ trò. Còn lại là Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội và Công ty Cổ phần Truyền thông DC.
Họp báo sáng 16/12, nhà tổ chức hứa hẹn Hoàng thành Thăng Long trong 5 ngày đó sẽ trở thành không gian đặc biệt, điểm đến xứng đáng của du khách trong và ngoài nước. Họ sẽ có cơ hội thưởng lãm, khám phá tinh hoa của hương đất và hồn người Hà Nội gìn giữ đến hôm nay.
Không gian “Ký ức Hà Nội” được tái hiện qua các hoạt động: Triển lãm, nghệ thuật sắp đặt không gian phố cổ, làng cổ, dấu ấn kiến trúc, nghệ thuật hoa cây cảnh, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ẩm thực, chợ phiên, trình diễn trang phục Hà Nội xưa, nghệ thuật cắm hoa, biểu diễn văn nghệ, lễ hội dân gian. Có cả cuộc đón tiếp vị khách du lịch quốc tế đầu tiên đến Hà Nội năm mới.
Riêng triển lãm và nghệ thuật sắp đặt đã gồm 11 nội dung. Ở chương trình Phố cổ Hà Nội, BTC dựng một số khu phố cổ đầy hơi thở của các phố nghề, rồi gánh hàng hoa, xe đạp hoa, với những nét sinh hoạt đậm dấu ấn trong lòng người Thủ đô: quán nước và quán cắt tóc ven đường, vẽ truyền thần, khắc bút, nặn tò he...
Làng cổ Hà Nội lại là cảnh làng quê yên bình lợp bằng tre, bên trong là không gian thờ cúng đặc trưng, thú vui tao nhã pha trà, thưởng trà... Nét đẹp văn hóa người Hà Nội thì chấm phá về một gia đình Hà Nội với nghệ thuật sắp đặt hoa, cây cảnh cho cổng, hàng rào, bậc thềm hoa…
Đặc biệt, không thể thiếu những chiếc xe tay, xe kéo, xích lô, tàu điện, xe đạp góp phần làm nên Linh hồn của phố phường Hà Nội xưa. Còn trong Chợ phiên đồ xưa Hà Nội, mỗi đồ vật được bày bán giống như những mảnh ghép ký ức.
Trong chủ đề Ẩm thực Hà Nội, ngoài những món ăn quen thuộc, có một không gian gọi là khu vực Bia Hà Nội, điển hình gợi nhớ thời bao cấp. Không gian trải nghiệm ưu ái trẻ em tự làm đồ chơi truyền thống và chơi các trò dân gian: chơi chuyền, ô ăn quan, bắn bi, làm cào cào lá, chuồn chuồn tre, chơi mèo đuổi chuột, thả đỉa ba ba, đá cầu, nhảy dây… Riêng Chủ nhật (3/1/2016), ở chương trình “Ký ức tuổi thơ”, các nghệ nhân làm đồ chơi dân gian và nhóm nghệ nhân làng diều Bá Giang sẽ tự tay hướng dẫn trẻ em làm diều, thả diều.
Tại Không gian trải nghiệm 3D, du khách khám phá Hà Nội một cách hiện đại, ấn tượng. Bằng hội họa, các vật dụng mô phỏng, sắp đặt gồm không gian đường phố, vỉa hè, tiệm sách cũ…
“Dấu ấn Hà Nội xưa” là tên chương trình văn nghệ, khai màn chuỗi hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật xuyên suốt. 31/12 có biểu diễn tại các sân khấu lớn nhỏ. Đúng mồng 1 Tết dương lịch là chương trình chào xuân “Nét xưa Hà Nội”. Suốt 5 ngày, đều có hát xẩm chợ, trình diễn nhạc cụ, nhạc đường phố…