TS. Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định cho hay, một thực tế là đa số tàu cá của ngư dân ra khơi đều có thói quen xả thẳng rác thải xuống biển. Ông Vinh ước tính, mỗi tàu phát thải khoảng 8-12kg rác thải nhựa trong một chuyến biển. Với gần 3.500 tàu cá ngư dân Bình Định hoạt động vùng khơi thì mỗi chuyến biển, đại dương hứng chịu hàng chục tấn rác thải.
Từ thực tế nêu trên, ông Vinh đưa ra sáng kiến về quản lý rác thải nhựa, chế tạo giỏ đựng rác trên tàu cá. Mô hình nằm trong khuôn khổ phi dự án “Thí điểm các mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải ngành thủy sản nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại thành phố Quy Nhơn” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ.
Ngư dân Bình Định mang túi rác thải nhựa từ biển vào bờ |
Từ mô hình, ông Vinh cũng nghiên cứu để tạo dụng cụ đựng rác thải, phù hợp với điều kiện thực tế trên biển. Đó là những chiếc túi lưới có dạng hình phễu, tiện lợi với ngư dân, có thể chịu được sóng gió trên biển không bị vỡ hoặc văng mất, có thể xếp gọn lại. Từ cuối tháng 11/2023, trên 200 tàu cá tỉnh Bình Định được đưa vào thí điểm triển khai mô hình trên.
Được xem là một điển hình tiêu biểu, tàu cá BĐ 99146-TS của ông Ngô Minh Châu (50 tuổi, TX Hoài Nhơn, Bình Định) từng mang về bờ lượng rác nhựa rất lớn trên 22kg. Ông Châu chia sẻ, gia đình ông có 4 tàu cá (gần 40 lao động), khi tỉnh vừa phát động thì ông tham gia ngay.
Tại Cảng cá Quy Nhơn, nhà thu gom rác thải nhựa tàu cá hiện đã được xây dựng với các hạng mục như khu nhà kho thu gom, phân loại, đóng gói rác thải nhựa. Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Bình Định cho biết, thời gian qua có rất nhiều tàu cá khi đánh bắt trở về và mang theo những túi rác thải. Khi tàu cá cập cảng, qua báo cáo của ngư dân thì Tổ thu gom rác thải nhựa Cảng cá Quy Nhơn sẽ xuống tiếp nhận, tiến hành cân ký để thu mua cho ngư dân. Sau đó đem về phân loại, ép lại và bán cho các cơ sở sản xuất vật liệu nhựa để tái chế.
Mới đây, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đã ban hành quy trình kiểm soát, quản lý rác thải nhựa đại dương của tàu cá trong chuyến biển trên địa bàn. Theo đó, giai đoạn đến 2025, có 70% ngư dân hoạt động khai thác thủy sản trên các tàu cá được phổ biến tuyên truyền, tập huấn về quản lý, hành động giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; từ 50% trở lên tàu khai thác thủy sản thu gom rác thải nhựa (sinh hoạt, sản xuất) của tàu cá mang về bờ, tập trung tại các điểm thu gom tại cảng cá, chuyển các đơn vị có chức năng xử lý; từ 70% trở lên các cảng cá tổ chức thu gom, phân loại rác thải nhựa sinh hoạt phát sinh từ tàu cá chuyển cho các đơn vị chức năng xử lý; xây dựng cơ sở dữ liệu về rác thải nhựa đại dương của tàu cá. Đến năm 2030, 100% tàu khai thác thủy sản thu gom rác thải nhựa của tàu mang về bờ.