Tàu cá ở Nghệ An nằm bờ vì không đủ bạn thuyền

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thu nhập bấp bênh, nhiều lao động nghề biển ở Nghệ An chọn hướng đi xuất khẩu lao động và chuyển sang ngành nghề khác. Do đó, tình trạng thiếu hụt lao động đi biển ở địa phương này đang diễn ra khá phổ biến.
Tàu cá ở Nghệ An nằm bờ vì không đủ bạn thuyền ảnh 1
Tàu NA 94668 TS của ông Lê Bá Kiểu (trú xóm Ðồng Tiết, xã Quỳnh Lập, TX Hoàng Mai, Nghệ An) đã nằm bờ gần một năm nay

Con tàu vỏ gỗ NA 94668 TS của ông Lê Bá Kiểu (trú xóm Đồng Tiết, xã Quỳnh Lập, TX Hoàng Mai, Nghệ An) đã nằm bờ gần một năm nay. Hỏi ra mới biết lý do là ngư trường dần cạn kiệt, dịch bệnh, chi phí mỗi chuyến biển tăng cao, việc đánh bắt không hiệu quả và quan trọng là không tìm được bạn thuyền.

Mỗi chuyến đi biển, con tàu của ông cần 12 - 14 lao động, ít quá không được. Để "hút" bạn đi biển, ông đã áp dụng cách trả công mới, hậu hĩnh hơn. Trước mỗi chuyến biển ông đều cho mỗi lao động ứng trước từ 10 - 20 triệu đồng nhưng vẫn khó giữ chân bạn tàu.

“Để đi được chuyến biển lấy ngày cũng khó vô cùng vì tìm bạn biển không ra. Ngày trước, ai cũng muốn có tàu to, máy khỏe để yên tâm vươn khơi, giờ có cả rồi thì tìm đỏ mắt không ra lao động. Nhiều chuyến biển dù đã chuẩn bị nhiên liệu sẵn sàng nhưng không thể liên lạc được với bạn tàu và do không đủ lao động, tàu đành phải nằm bờ. Nghề này chỉ hợp đồng lao động với nhau bằng miệng nên nhiều lúc tiền ứng trước cũng đi theo bạn tàu không thể lấy lại”, ông Kiểu chia sẻ.

Cũng rơi vào hoàn cảnh không tìm được lao động, nên từ đầu năm đến nay, đối với tàu cá NA 93622 TS, công suất 420 CV của ông Hồ Sỹ Thảo (trú xóm Tân Hải, xã Quỳnh Lập), các chuyến vươn khơi chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Tàu tôi đánh bắt bằng nghề lưới chụp 4 sào ở vùng biển khơi. Trước đây mỗi chuyến ra khơi, trên tàu sử dụng 12 lao động.

Năm nay, nhiều người bỏ nghề, chuyển nghề nên số lao động đi tàu chỉ còn được 7 người. Do thiếu lao động nên có các chuyến tàu thường hoạt động không hết công suất. Chẳng hạn trước đây mỗi chuyến tàu đánh 13 mẻ, nhưng nay giảm xuống 7 - 8 mẻ, khiến sản lượng đánh bắt giảm, trong khi mức tiêu hao dầu không giảm”, ông Thảo nói.

Ông Lê Bá Kỷ, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập cho biết, từ đầu năm đến nay trên địa bàn đã có 310 con em đi xuất khẩu lao động, hơn 100 lao động chuyển sang nghề khác như đi làm ở các khu công nghiệp, công trình. Trong số này phần lớn trước đây là lao động nghề biển trên tàu cá của địa phương. Hiện toàn xã đang thiếu khoảng 300 lao động nghề biển.

“Có nhiều nguyên nhân dẫn tới nhiều lao động nghề biển bỏ nghề như ảnh hưởng của dịch bệnh, giá dầu tăng cao... Nghề biển thu nhập bấp bênh nên người trẻ cũng không mặn mà, nhiều người chọn cách đi xuất khẩu nước ngoài hoặc đi làm công ty trong Nam, ngoài Bắc dẫn tới thiếu hụt lao động đi biển”, ông Kỷ thông tin.

Tàu cá ở Nghệ An nằm bờ vì không đủ bạn thuyền ảnh 2
Dù tỉnh Nghệ An đã có chính sách hỗ trợ nhưng ngư dân vẫn gặp khó

Có chính sách, ngư dân vẫn gặp khó

Với 207 chiếc tàu cá, xã Quỳnh Lập, TX Hoàng Mai là một trong những địa phương có số lượng tàu cá nhiều nhất ở Nghệ An, trong đó số lượng tàu có chiều dài trên 15m là 171 chiếc.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, rất nhiều chủ tàu lâm cảnh thiếu hụt lao động trầm trọng. Trước tình trạng này, các chủ tàu phải thuê bạn tàu từ các địa phương khác, hoặc giảm số lượng lao động trên tàu để duy trì hoạt động. Những con tàu công suất lớn, trước đây sử dụng 13 - 15 người, nay giảm xuống 7 - 8 người, ảnh hưởng đến tần suất khai thác trong mỗi chuyến biển, các thuyền viên cũng phải lao động vất vả hơn.

Tỉnh Nghệ An hiện có trên 3.400 tàu cá, trong đó có 1.221 tàu cá hoạt động vùng khơi, chuyên đánh bắt bằng các nghề: lưới vây, lưới kéo, lưới chụp, lưới rê và nghề câu. Ðể đảm bảo cho tàu thuyền hoạt động nghề khai thác cá, toàn tỉnh cần khoảng 15 nghìn lao động trực tiếp trên biển.

Hiện HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ nông nghiệp, trong đó có hỗ trợ ngư dân lắp đặt hệ thống tời thủy lực.

Tuy nhiên, do kinh phí để đầu tư hệ thống tời thủy lực lên đến 400 triệu đồng/hệ thống, trong khi mức hỗ trợ chỉ tương đương 30% chi phí nên ngư dân chưa mấy “mặn mà”.

“Thực trạng thiếu hụt lao động nghề biển xảy ra tại các xã ven biển diễn ra phổ biến, khiến nghề khai thác biển gặp khó. Về lâu dài, cần lắp đặt hệ thống tời thủy lực trên tàu cá. Nhưng kinh phí đầu tư hệ thống này khá cao khiến ngư dân khó có điều kiện để đầu tư. Dịp đầu năm đã có vài chủ tàu đăng ký lắp đặt, nhưng sau đó nghề cá gặp khó và thấy giá cao nên họ không lắp đặt nữa”, ông Hoàng Ngọc Thủy, Trưởng phòng kinh tế thị xã Hoàng Mai cho hay.

Ông Trần Như Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An cho biết, nghề biển thu nhập bấp bênh, khá nhiều rủi ro nên lao động trẻ không còn mặn mà, dần dà bỏ nghề. Trong khi đó, số lao động đi biển còn lại thì ngày càng già, không còn đủ sức tiếp tục bám trụ với nghề nên dẫn tới thiếu hụt lao động.

“Chính sách hỗ trợ 30% chi phí lắp đặt hệ thống tời thủy lực cho ngư dân là một nỗ lực của tỉnh. Tuy nhiên chi phí lắp đặt khá cao. Đến nay, trên địa bàn vẫn chưa có ngư dân nào tiếp cận để mua sắm tời thủy lực”, ông Long cho hay.

MỚI - NÓNG