Những lưu ý với ngư dân khi tham gia khai thác trên các vùng biển

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Cục Kiểm ngư, Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT), tàu cá khi khai thác trên các vùng biển phải tuân thủ các quy định của Luật Thuỷ sản 2017 của Việt Nam và các quy định của quốc tế, nhất là vấn đề khai thác bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (khai thác IUU).

Theo đó, tàu cá dài 12 mét trở lên phải thực hiện đăng kiểm, ghi và nộp nhật ký khai thác thuỷ sản theo quy định. Tàu cá từ 6 mét đến dưới 12 mét phải ghi báo cáo khai thác thuỷ sản theo quy định.

Đối với tàu cá từ 15 mét trở lên phải lắp thiết bị giám sát hành trình và duy trì thiết bị hoạt động liên tục 24/24 giờ sau khi rời cảng. Trong trường hợp thiết bị giám sát hành trình bị hỏng, phải sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc khác, báo cáo vị trí tàu cá về Trung tâm giám sát tàu cá Trung ương và 28 tỉnh, thành phố ven biển 6 giờ/lần, và phải đưa tàu cá về cảng sửa chữa trong 10 ngày.

Những lưu ý với ngư dân khi tham gia khai thác trên các vùng biển ảnh 1
Cục Kiểm ngư phối hợp với các đơn vị tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân

Đáng lưu ý, ngư dân phải mang theo chứng nhận đăng ký tàu cá, giấy chứng nhận an toàn tàu cá, giấy khai thác thuỷ sản, sổ danh bạ thuyền viên và văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy và thẻ căn cước công dân. Tàu đánh khai thác thuỷ sản phải treo cờ Việt Nam khi hoạt động.

Cục Kiểm ngư cũng lưu ý, tàu cá Việt Nam không được vi phạm khai thác trái phép ở vùng biển quốc gia và lãnh thổ khác; không khai thác các loại thuỷ sản nguy cấp, quý hiếm.

Với tàu cá khai thác ngoài vùng biển Việt Nam, nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, nêu rõ: tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên, không vi phạm khai thác bất hợp pháp; có mã số của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO).

Việc quản lý hoạt động của tàu cá trên các vùng biển Việt Nam, đối với tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản:

- Tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên hoạt động tại vùng khơi, không được hoạt động tại vùng ven bờ và vùng lộng.

- Tàu có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét hoạt động tại vùng lộng, không được hoạt động tại vùng khơi và vùng ven bờ.

- Tàu có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét hoạt động tại vùng ven bờ không được hoạt động tại vùng lộng và vùng khơi; tàu đăng ký tại tỉnh nào thì chỉ được hoạt động tại vùng ven bờ của tỉnh đó; trừ trường hợp có thỏa thuận về hoạt động tàu cá ở vùng ven bờ của Ủy ban nhân dân hai tỉnh.

Đối với tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản:

- Tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên hoạt động tại vùng ven bờ, vùng lộng và vùng khơi.

- Tàu có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét hoạt động tại vùng ven bờ và vùng lộng, không được hoạt động tại vùng khơi.

- Tàu có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét hoạt động tại vùng ven bờ không được hoạt động tại vùng lộng và vùng khơi.

Có quan sát viên theo quy định của Tổ chức quản lý nghề cá khu vực hoặc quốc gia ven biển. Thuyền viên và người làm việc trên tàu cá phải có giấy chứng nhận đã qua lớp bồi dưỡng quản lý nghề cá tại vùng biển quốc tế đối với trường hợp cấp giấy phép đi khai thác tại vùng biển do Tổ chức quản lý nghề cá khu vực quản lý.

Trên tàu cá phải trang bị, lắp đặt thiết bị thông tin liên lạc, hàng hải trên tàu cá bao gồm: Máy thu phát vô tuyến điện thoại sóng cực ngắn (VHF) có bộ phận gọi, chọn số và thu trực canh (DCS) trên kênh 70 hoặc 16; máy thu phát vô tuyến điện (MF/HF); máy thu tự động thông báo hàng hải và thời tiết (NAVTEX), phao chỉ báo vị trí khẩn cấp (EPIRB), thiết bị định vị vệ tinh (GPS). Tàu cá phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tự động truyền qua hệ thống thông tin vệ tinh.

Những lưu ý với ngư dân khi tham gia khai thác trên các vùng biển ảnh 2

Ngư dân khai thác trên biển phải tuân thủ các quy định của pháp luật, trong đó quy định IUU về đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định.

Bên cạnh đó, ngư dân khi khai thác trên biển, cần lưu ý, thông báo tới tổng đài điện thoại quốc gia về bảo vệ trẻ em (số 111) khi phát hiện, chứng kiến các trường hợp người chưa thành niên tham gia lao động trái quy định của pháp luật, bị bóc lột, xâm hại dưới mọi hình thức. Tuân thủ việc kiểm tra, thanh tra của cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài ra, các tàu khai thác hải sản cùng tham gia bảo vệ đường ống dẫn khí, tham gia cứu hộ, bảo vệ chủ quyền an ninh trên biển. Không được thả neo trong phạm vi 2 hải lý từ hai bên dọc các đường ống dẫn khí. Tàu phải thông báo cho cảng cá ít nhất 1 giờ trước khi cập và rời cảng.

Về quy định treo cờ Tổ quốc, tàu cá Việt Nam phải treo Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (viết tắt là Quốc kỳ) ở đỉnh cột phía lái; đối với tàu không có cột phía lái thì Quốc kỳ được treo ở đỉnh cột chính. Trường hợp tổ chức, cá nhân Việt Nam thuê tàu cá của nước ngoài phải thực hiện treo cờ của Việt Nam theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 43 Nghị định 26/2019.

Quy định của một số nước về xử phạt ngư dân nước ngoài đánh bắt cá trái phép:

Đối với Phillippines: Tàu khai thác trái phép trên vùng biển Philippines, trong trường hợp xử phạt hành chính (không bị kết án), có thể bị phạt 600 nghìn đến 1 triệu USD hoặc tương đương bằng tiền Philippines. Trong trường hợp bị toà kết án, người vi phạm sẽ bị phạt 1,2 triệu USD hoặc tương đương bằng tiền Philippines và bị tịch thu sản phẩm đánh bắt, ngư cụ và tàu cá.

Nếu người vi phạm bị bắt giữ trong vùng nước nội thuỷ của Philippines, sẽ bị phạt tù thêm 6 tháng 1 ngày đến 26 tháng. Nếu bị bắt giữ lần thứ 2 trong vùng nội thuỷ, người vi phạm sẽ bị phạt tù 3 năm và phạt tiền 2,4 triệu USD hoặc tương đương bằng tiền Philippines. Ngư dân nước ngoài sẽ không được trục xuất khỏi Philippines nếu chưa thanh toán các khoản phạt hành chính và hoàn thành các hình phạt tù (nếu có).

Đối với Indonesia: Các tàu cá nước ngoài vi phạm khai thác trái phép trong khu vực biển của Indonesia có thể bị bắn cháy; sẽ bị phạt tù lên đến 7 năm và phạt tiền lên 20 tỷ Rupiah Indonesia, tương đương gần 32 tỷ đồng. Bên cạnh đó, sẽ tịch thu tàu cá cùng toàn bộ ngư cụ hoặc phá hủy toàn bộ tàu khai thác trái phép.

MỚI - NÓNG