Tát HS phải đi viện : Bộ Giáo dục cần hành động ngay!

Tát HS phải đi viện : Bộ Giáo dục cần hành động ngay!
TPO - Rất cám ơn Tiền Phong đã kịp thời phát hiện và đưa vụ việc này cho dư luận được biết. Vì sao Bộ Giáo dục lại để xảy ra liên tiếp hết vụ này đến vụ khác đã được báo chí nêu mà không thấy có động thái gì mang tính hệ thống để ngăn ngừa những vụ việc tương tự diễn ra? Chờ đến bao giờ nữa mới hành động đây?

>> Thái Bình : Một HS phải đi viện vì bị cô giáo bắt cả lớp tát vào mặt

Tát HS phải đi viện : Bộ Giáo dục cần hành động ngay! ảnh 1
Trường tiểu học Minh Quang (huyện Vũ Thư - Thái Bình). Ảnh : XM.

Không biết trong cả nước ta đã có bao nhiêu trường hợp thế này nữa mà chúng ta không biết được. Tôi vô cùng bất bình về những thái độ coi thường phẩm chất nhân cách của học sinh của nhữung thầy cô này.

Mỗi một ngày trôi qua thì đã có bao nhiêu học sinh bị tổn thương, mang theo vết thương tâm lý và cảm giác mặc cảm tự ti suốt đời? 

Tôi đề nghị Bộ Giáo dục cần phải tổ chức quán triệt cho toàn bộ những ai đang là giáo viên, sẽ là giáo viên, những ai đang phụ trách về công tác giáo dục ở tất cả các cấp và yêu cầu cam kết sẽ không để xảy ra những vụ việc này. Dư luận hãy cùng lên tiếng để chấn chỉnh ngành giáo dục và bảo vệ con em chúng ta! (Một người mẹ)

Trần Ngọc Dũng, Email: Ngocdung@bdqnam.vnn.vn

GD&ĐT đã làm gì ?

Kính chuyển đến: Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Từ đầu năm 2007 đến nay ngành Giáo dục đã để ra biết bao nhiêu vụ mang tính cách nghiêm trọng về nhân phẩm, đạo đức lối sống, đặc biệt là sai phạm đến Luật quyền bảo vệ trẻ em.

Tôi kiến nghị với Bộ GD&ĐT trực tiếp là người đứng đầu ngành là Bộ trưởng như sau:

- Thành lập ngay tổ (ban) có nhiệm vụ:

+ Tập hợp toàn bộ các ý kiến của các độc giả trên cả nước và kể cả những người nước ngoài đã gửi bài phản hồi trên các trang Web. Đây là những ý kiến đóng góp rất bổ ích cho Bộ, Bộ cần phải nghiêm túc tôn trọng và lắng nghe các ý kiến đó.

+ Trên cơ sở đó, tổ tập hợp lại và đề xuất với Bộ trưởng hướng giải quyết dứt điểm cho năm học mới 2007-2008 và cho những năm tiếp theo.

 - Bộ phải có trách nhiệm và xử lý nghiêm các trường hợp vừa qua và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để: Một là, những thầy, cô lâu nay cũng đã mắc phải (chưa bị báo chí lên án) tịnh tâm sửa sai cho mình; Hai là, để cho các bậc phụ huynh (Dân số cả nước nếu tính những người hiện làm cha, làm mẹ là chiếm tỷ lệ khá cao) an tâm đến con cái mình đang đi học.

Châu Văn Huệ, Email: huecird@yahoo.com

Cần có một hành động cụ thể hơn...

Tôi nghĩ rằng: Mọi ý kiến của các độc giả quan tâm và góp ý cho nền giáo dục của nước nhà, nhất là nền giáo dục mầm non, một thế hệ tương lai của đất nước là rất quan trọng và bổ ích cho giáo viên các trường trong cả nước.

Nhưng, những ý kiến chia sẽ này có được tiếng nói đích thực và có hiệu quả cần phải được cụ thể bằng các hành động cụ thể ? của ngành giáo dục tại các địa phương, nhất là những vùng cách trở về thông tin. Những vụ việc phi giáo dục của nơi này phải là bài học kinh nghiệm xương máu của nơi khác.

Vậy, những chia sẽ của đọc giả phải có được ở các phòng đọc, thư viện của Nhà trường, hoặc những diễn đàn chia sẻ ở Nhà trường phải được tổ chức. Và nó sẽ có các đầu ra cho giáo viến bằng các hành động cụ thể tại lớp, tại trường.

Trần Thanh Sơn, phóng viên thường trú TTXVN tại New York

Thú thật là tôi không biết dùng từ gì với "cô giáo" này. Tôi vô cùng phẫn nộ. Tuy nhiên điều tôi muốn nói ở đây là trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, gần đây xảy ra liên tục những vụ việc huỷ hoại nhân phẩm của các em học sinh.

Tất nhiên những người được gọi là thầy, là cô đó cũng không còn hai chữ nhân phẩm nữa với những việc họ đã làm.

Quay trở lại với vấn đề trách nhiệm của Bộ Giáo dục. Thật ngạc nhiên là cơ quan này chỉ chứng kiến các vụ việc xảy ra, và hết vụ này đến vụ khác. Việc đáng làm nhất là phổ biến trong toàn ngành, thông báo trong toàn ngành, rút kinh nghiệm để những việc đó không bao giờ xảy ra nữa thì tôi chưa thấy họ làm. Vì nếu họ làm thì làm việc đó thì thử hỏi làmg sao các vụ việc lại cứ đến hẹn lại lên như vậy.

Vấn đề thứ 2, tại sao một nền giáo dục của chúng ta được chăm bẵm như vậy lại sản sinh ra bao em học sinh, cả lớp không những không bảo vệ bạn, mà sẵn sàng tát vào mặt bạn, 32 em. 

Tương lai nào đây chờ đợi những sự tàn bạo như vậy, xã hội sẽ như thế nào ? Tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước những dòng tôi viết trên đây. Tôi rất mong Tòa báo lên tiếng và cho tôi được lên tiếng với nỗi đau như vậy.

Hoàng Văn Éng, Email: engthanhtra@ahyoo

Lẽ ra Bộ GD-ĐT phải hành động kịp thời để ngăn chặn

Tôi cũng hoàn toàn đồng ý với ý kiến của đọc giả Trần Thanh Sơn- Phóng viên TTXVN thường trú tại New York. Có lẽ không cần phải đưa ra Luật người thầy hoặc còn phải tìm phương hướng hay biện pháp này nọ mới khắc phục được tình trạng người giáo viên làm nhục học sinh.

Một biện pháp hữu hiệu nhất có lẽ ngành giáo dục nên đưa ra lúc này là chỉ đạo các trường xử lý kỷ luật nghiêm minh những giáo viên có hành vi sai phạm và và cảnh báo toàn ngành được biết đối với mõi vụ việc đã xẩy ra.

Tôi cho rằng nếu ngành giáo dục đã có hành động ngay từ khi mới có một số vụ việc tương tự xẩy ra trước đây thì có lẽ đã ngăn chặn và cảnh tỉnh được như những vụ việc tương tự như vừa qua.

Ngoc Phuong, Email: tnphuong2006@gmail.com

Bộ GD&ĐT cần đưa vào nội dung tập huấn dịp hè cho các giáo viên

Tôi là một phụ huynh và thật sự phẫn nộ về cách thức xử ly của cô giáo Phương, vì nếu không xét về góc độ giáo dục đi nữa thì việc này cũng một hành động thiếu nhân cách và tàn nhẫn. Thực ra tôi cũng không thể lý giải được tại sao cô giáo lại làm như thế? tại sao? và cô Phương không thể đơn giản giải thich lại rằng “.. . không ngờ hậu quả lại lớn như vậy”.

Thực ra phần lớn các thày cô giáo là những người rất đáng trân trọng và bản thân họ rất gương mẫu, có trách nhiệm cao đúng nghĩa của nhà giáo, nhưng bên cạnh đó qua một loạt những vụ việc đáng trách của số ít các thầy cô giáo vừa qua đối với học sinh, tôi thật sự lo lắng, có thể đó là những cá nhân họ thiếu hiểu biết về cuộc sống về pháp luật, hay cá tính hoặc một nguyên nhân nào đó, nhưng chung qui thì tất cả những cá nhân đó nên chấm dứt việc đứng lớp, họ không thể xứng đáng đứng trong hàng ngũ thầy cô giáo.

Bên cạnh đó ngành giáo dục và Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nên đưa vào nội dung tập huấn của các thầy cô giáo trong dịp hè này những chuẩn mực, hay biện pháp có tính giáo dục trong các mối quan hệ và cách thức xử lý chúng cũng như việc quản lý học sinh để tránh hoàn toàn những điều không hay xảy ra trong môi trường giáo dục của chúng ta.

Bùi Tuấn Khanh

Đề nghị Bộ trưởng bộ giáo dục đưa nhưng vụ bạo lực tại nhà trường đế toàn thể hệ thống giáo dục trong toàn quốc để kịp thời ngăn chặn những diễn biến tiếp theo càng nhanh càng tốt.

Sao cho như một đợt học tập chính trị hoặc đưa ra như một tiêu chuẩn của người thầy. Ví dụ: -Không dùng bạo lực đối học sinh -Không lạm dụng tình dục HS. -Không xúc phạm mạt sát HS. -Không sử dụng ma tuý. vv... nếu vi phạm người thầy đó tự xin ra khỏi ngành GD còn tội đến đâu pháp luật xử lý.

Đỗ Thiên Ân, Email: do_thien_an@yahoo.com

Theo tôi, chúng ta cần phải xử lý thật nghiêm theo Pháp luật các Giáo viên có những hành động phản giáo dục ở mọi cấp học, nhất là cấp phổ thông (nơi mà các cháu sẽ hình thành tính cách tôt hay xấu nhờ sự kèm cặp và răn dạy của những Nhà giáo biết tự trọng, có lương tâm với nghề nghiệp, có "lòng nhân" ở sâu thẳm trái tim mình).

Vâng tôi nhớ hình như trong Bộ luật Hình sự của Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam chúng ta đã có quy định rất rõ về các hành vi phạm tội, như: Hành vi làm nhục người khác, tội cố ý gây thương tích cho người khác hay lạm dụng uy tín+chức vụ khiến người khác phạm tội (là Cô giáo nên nói các cháu Học sinh phải nghe), v.v...

Vâng rất mong các Cơ quan chức năng hãy xử lý vụ việc trên thật nghiêm khắc, như một lời cảnh báo về đạo đức và việc chấp hành Pháp luật cho tất cả những người đang còn đứng trên bục giảng, được Đảng, Nhà Nước và Xã hội tin tưởng gửi gắm tương lai thế hệ trẻ vào sự giáo dục của mình. Xin cám ơn!

Nguyên Huy, Email: huyanh246@yahoo.com

"Tiên học lễ, hậu dạy văn"

Cô Trương Thị Phương nói "không ngờ hậu quả lại lớn như vậy", chứng tỏ cô chỉ sợ cái hậu quả là em Trần Thị Ngọc phải nhập viện, hậu quả về mặt thể xác của em Ngọc. Cô có hiểu rằng, đó không hẳn là hậu quả lớn nhất?

Hậu quả nghiêm trọng hơn đã xảy ra ngay khi cô Phương bắt cả lớp tát em Ngọc, trước đó là tát em Nguyễn Sơn. Không chỉ em Ngọc, em Sơn bị tổn thương tinh thần, tâm lý sau những cuộc "trừng phạt tạp thể ấy", mà tâm hồn thơ trẻ, vốn trong sáng thánh thiện của hơn 30 em học sinh khác trong lớp cũng bị cô làm vấy bẩn! Nhân cách của các em sẽ phát triển thế nào với cách "giáo dục" này?

Bắt học sinh liếm ghế, ngậm giẻ lau, bắt học sinh tát vào mặt hoặc quất roi vào người nhau, khám xét thân thể nữ sinh ngay trên bục giảng, trước cả lớp... Những hành động đó, mọi người lớn có lương tri đều không thể làm, vậy nhưng những người được gọi là "nhà giáo" lại có thể!

"Tiên học lễ, hậu học văn", câu này được kẻ vẽ ở hầu hết các trường, và dành cho học sinh. Có lẽ, ở tường phòng họp giáo viên của các trường nên có câu "Tiên học lễ, hậu dạy văn". Không đủ nhân cách, sao có thể làm việc trong ngành giáo dục! Ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân từng nói, ông rất đau lòng khi một học sinh xâm nhập Website của Bộ và có việc làm được cho là xúc phạm ông.

Vậy, trước những việc làm nêu trên của các "nhà giáo", ông không đau lòng sao? Ông sẽ làm gì để những chuyện tồi bại đó không còn tiếp diễn? Hay ông cho rằng, vấn đề này không đáng quan tâm bằng cuộc vận động "Nói không với gian lận trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục".

Đỗ Quang, Email: quangdo02@hotmail.com

Vẫn lại là căn bệnh thành tích !

Tôi đã xem tất cả cả ý kiến phẫn nộ của các bạn đọc, nhưng không thấy ai nêu rõ lý do tại sao lại xẩy ra sự việc. Tôi đã rời Việt Nam trên 21 năm và xa ghế nhà trường 32 năm qua. Tôi không thể hình dung ra được cách giảng dậy ở Việt Nam bây giờ ra sao.

Tôi chỉ tóm tắt lại sau khi đọc tin tức từ trong nước vài năm qua và nhận thấy nền giáo dục ở VN vẫn mắc chứng bệnh "thành tích".... Tôi chỉ đưa ra dẫn chứng nhỏ: Ông, bà hiệu trưởng nào cũng mong trường mình đạt được "thành tích" khá nên không bỏ qua một cá thể nào làm mất đi tiếng tăm của trường (như vụ hiệu trưởng Lưu Văn Ca ở Đồng Tháp).....

Rồi đến "thành tích" của giáo viên như vụ này (cô Trương Thị Phương từng là giáo viên giỏi cấp cơ sở) và nhồi vào đầu óc các học sinh nhỏ phải thi đua học tập tạo "thành tích" tốt! Thật tột nghiệp cho các em học sinh, nhất là học sinh trong các trường được gọi là "Trường điểm" danh tiếng.....

Sau bao cải cách vẫn không thay đổi và chữa khỏi được căn bệnh "thành tích" đã ngấm sâu, để bây giờ biến thành tích ra "hành tích" cho các em học sinh. Biết bao giờ nền giáo dục Việt Nam mới theo kịp các nước tiên tiến trên thế giới ?

Tên: NGUYỄN VĂN AN

Tôi ngạc nhiên từ vụ em bé tại Đồng tháp bị Công an xã bức cung cho đến vụ bé gái bị cô Phương cho các bạn cùng lớp "tra tấn" mà vẫn không thấy ông Bộ trưởng Nhân lên tiếng.

Kính mong ông có tiếng nói của mình về những "hành vi phi nhân tính" của một số thầy cô giáo hiện nay. Tôi đề nghị ông phát động phong trào nâng cao đạo đức của giáo viên trước khi nói đến việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Còn hành vi của một số thấy cô giáo vừa qua thì đề nghị vĩnh viễn không được làm giáo viên, vì bản chất của họ không xứng đáng là người "kỹ sư tâm hồn".

Tên: PHAN THỊ THOAN

Cảm ơn báo tiền phong đã đưa thông tin tới bạn đọc. Khi đọc bài này tôi đã bật khóc và nhắm mắt lại để tưởng tượng một bé gái bị 32 bạn học sinh cùng lớp tát lên mặt. Cô giáo đã có tới 2 lần dùng hình phạt này với học sinh và có lẽ em học sinh đó không phải vào viện thì hình phạt làm nhục học sinh còn được cô PHƯƠNG áp dụng vào kỹ năng dạy học của mình đến bao giờ nữa?

Thiết nghĩ ngành giáo dục cần phải loại bỏ những thầy cô giáo không có phẩm chất của người thầy ra khỏi ngành. Có như vậy môi trường giáo dục mói thanh lọc phẩm chất đạo đức của người thầy mới được phát huy.

Tên: Trần Thị Hồng Sen

Không thể để người thiếu nhân cách đi giáo dục những mầm xanh tương lai đươc!

Tôi cũng là một giáo viên đang công tác tại tỉnh Thái Bình, tôi thực sự bất bình trước việc làm của một người mà gọi là " cô giáo" đó . Một người làm giáo dục đầu tiên phải là một người có tấm lòng bao dung, độ lượng, phải có nhân cách thì mới đi giáo dục người khác được.

Tôi mong rằng ngành giáo dục tỉnh nhà nên xem xét lại nhân cách của những con người đó, nếu một cô giáo có nhân cách thực sự thì đã không "giáo dục" được cả 32 học sinh tát bạn chỉ vì những lỗi như thế. Nếu không có hình thức kỉ luật thích đáng với những con người như vậy thì trong tương lai sẽ có bao nhiêu thế hệ học trò có kết cục như trên? 

Tên: Lê Anh, Email: lvduyet89@vnn.vn

Đề nghị các Trường Sư phạm trên cả nước đưa vào giáo trình bắt buộc cho các thày cô giáo tương lai học cách khen thưởng cũng như phạt học sinh như thế nào cho đúng cách và đúng pháp luật.Vì hiện tượng này gần đây khá phổ biến ở nhiều nơi.

Đề nghị Bộ giáo dục & Đào tạo thông báo khẩn cấp và uốn nắn ngay đến tận các tỉnh, huyện, xã, phường , vùng sâu vung xa trên toàn quốc. Mọi cha mẹ học sinh không ai muốn hiện tượng trên tái diễn bất kỳ tại một trường học lớn nhỏ nào.

Tên: Nguyễn Linh Thy, Email: tngoc_bich@yahoo.com

Trong thời gian vừa qua, nhiều những vụ việc xâm hại quyền trẻ em do chính những người giáo viên gây ra đối với học sinh của mình. Dư luận hết sức bất bình với những vụ việc này. Tuy nhiên, có thể thấy rằng các nhà giáo đó không những đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà hơn thế nữa họ đã vi phạm pháp luật trong đó phải kế đến luật bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em, luật giáo dục và cả luật hình sự.

Việc vi phạm pháp luật này sẽ căn cứ những vi phạm để có biện pháp xử lý nếu hậu quả nhẹ thì xử lý phạt theo Pháp lệnh hành chính, nặng hơn thì theo quy định của Bộ luật hình sự và cần xử lý nghiêm khắc chứ không chỉ dừng lại việc kỷ luật cảnh cáo như hiện nay.

Bên cạnh việc tập huấn về chuyên môn cho các thầy cô giáo, thiết nghĩ Bộ giáo dục đào tạo cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về pháp luật cho các giáo viên và cương quyết xử lý những giáo viên có những vi phạm trong quản lý giáo dục học sinh.

Tên: haiha, Email: haiha@yahoo.com,vn

Đọc bài báo về cô giáo Phương ở Thái Bình tôi cũng như nhiều ban đọc khác thây bất bình quá. Tuy nhiên trên thực tế còn rất nhiều giáo viên có hành động không đúng với học sinh mà chưa bị nêu tên. Học sinh với những tâm hồn non nớt cần dạy cho các cháu cách sống làm người chân chính, biết nhận thức sai đúng. Điều này không dễ đòi hỏi người thầy phải có tình yêu trẻ, phải kiên nhẫn. Công của người thầy rất lớn. Chúng ta luôn tôn trọng người thầy.

Vậy mà có một số người đứng trong hàng ngũ ấy đã làm ảnh hưởng đên sự trong sáng của nhà giáo. Tôi xin gọi những người ấy là những thợ dạy học. Vì họ chỉ dạy mà không biết diễn biến việc họ làm ảnh hưởng ra sao. Đào tạo học sinh chính là gánh trách nhiệm cho tương lai đất nước. Tôi thấy có rất nhiều giáo viên có hành động lăng mạ học sinh. Hay xé sách vở của học sinh khi các cháu không đạt được kết quả như cô mong muốn. Hay ném bút của học sinh. Theo tôi đấy là hành động phi sư phạm.

Là giáo viên ai cũng mong học sinh mình giỏi, chăm ngoan.Nhưng các nhà giáo cũng nên hiểu không phải lúc nào cũng đạt được điều mình muốn. Vì điều ấy phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Tư chất của đứa trẻ, sự giáo dục của gia đình, nhà trường. Là một phụ huynh tôi cũng mong con mình chăm ngoan học giỏi. Nhưng nếu con tôi bị điểm kém tôi cũng không bao giờ đánh con. Tôi cần tìm hiểu nguyên nhân và dạy con từ từ. Hãy thổi vào tâm hồn trẻ sự đam mê tìm tòi khá phá. Niềm vui khi đọc sách. Điều đấy khó nhưng hãy kiên nhẫn.

Đừng vì thành tích của mình mà các nhà giáo tìm mọi cách để bắt học sinh đạt được ý muốn của mình bằng mọi cách. Điều đó lý giải tại sao các nhà giáo khi có hành động tiêu cực bị đưa lên báo hầu hết là những giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở hoặc cấp ngành bởi vì họ chỉ là những thợ dạy học chứ họ không phải là người thầy chân chính.

Họ tìm mọi cách bắt học sinh đạt được ý mình cho dù hành động của họ là sai là tiêu cực. Họ không cần quan tâm. Họ chỉ hả hê với thành tícg bao nhiêu học sinh giỏi, bao nhiêu học sinh xuất sắc mà quên rằng họ đã làm tổn thương bao nhiêu tâm hồn trẻ thơ trước hành động phi giáo dục của mình.

Rất nhiều phụ huynh không dám lên tiếng vì sợ họ trù úm con mình dù họ biết đấy là sai. Nên sai lầm giẫm lên sai lầm trong thời gian qua chúng ta được biết đến rất nhiều. Những thợ dạy học cần phải loại khỏi môi trường sư phạm nhất là với cấp học tiểu học.

Tên: Đào Xuân ước

Chuộc lỗi bằng cách nào thưa cô ?

Không thể tin được, sang thế kỷ 21 rồi mà còn có những giáo viên có cách hành xử học sinh như vậy. Tôi thực sự xót xa cho cháu bé, chỉ vì chút thành tích thi đua vớ vẩn đó mà bị cô giáo làm nhục đến như vậy.

Thử hỏi cô rằng nếu có ai để 32 học sinh thay nhau tát vào má con cô, cô có thấy xót xa không, cô có trái tim của người mẹ không? Chúng tôi không thể tin l à sau này cô còn đủ tư cách để dạy con chúng tôi nên người. Đề nghị nghành giáo dục xử lý nghiêm, không thể để những người như thế này tiếp tục đứng lớp.

Email: vanlong01@yahoo.de

Tôi cho rằng đây là vi phạm luật hình sự chứ không còn đơn thuần là khuyết điểm hành chính. Một người không có một chút ý thức gì về sư phạm như vậy không thể đi làm thầy, cô để làm hại cho những thế hệ sau này.

Tôi cực kỳ phẫn nộ với hình thức tra tấn thể xác và tinh thần học sinh như vậy. Việc em HS phải đi viện vì vết thương cơ thể có thể chóng lành, nhưng vết thương tinh thần thì hàng chục năm nữa cũng không thể lành được. Tôi từng bị thầy giáo dùng thước kẻ sắt đánh vào ngón tay cách đây gân 50 năm mà tôi không thể quên! Nguyễn Văn Long

Nguyễn Thế Khoa, Email: thekhoa.anhp@gmail.com

Vụ cô giáo Trương Thị Phương lại dấy lên sự lo ngại về một quan niệm giáo dục đã lỗi thời " thương cho roi cho vọt". Qua việc này, phụ huynh chúng tôi kính mong các thầy cô giáo hãy nhìn nhận nó một cách thật nghiêm túc để không còn xảy ra những vụ việc tương tự, góp phần để các thế hệ học sinh lưu giữ được lòng biết ơn và hình ảnh tốt đẹp về thầy cô giáo! Cảm ơn Báo Tiền Phong đã phản ánh vụ việc trên công luận.

Phạm Kim Ngân, Email: nguoixaytoam@vtv.org.vn

Cám ơn Báo Tiền phong  !

Tôi vô cùng phẫn nộ với hành vi của " cô giáo " ở Vũ Thư. Chuyên mục Người xây tổ ấm sẽ tổ chức diễn đàn " Thương cho roi cho vọt???" vào 18g00 ngày 23/5 tại trường quay S10 , số 844 Đê la Thành HN. Xin mời bạn đọc của diễn đàn này tới dự nếu quan tâm.

Cám ơn Báo Tiền phong luôn kịp thời xông pha vào các vụ việc tiêu cực như thế này.

Hải Hà

Đọc tin này tôi phải bật khóc...

Trước đây tôi cũng là một học sinh cấp I, tôi thấy cô giáo của tôi thật hiền và yêu quý chúng tôi những học sinh của cô. Và bây giờ thì con gái của chúng tôi cũng đang học lớp 1.

Vậy mà khi nghe tin này tôi phải bật khóc, tôi không hiểu một cô giáo thời "nay" lại có những hành động "thiếu suy nghĩ như vậy". Tôi đề nghị Bộ giáo dục đào tạo cần lên tiếng trước hành động xử phạt học sinh của mình như vậy và nếu tôi là Bộ trưởng thì tôi không bao giờ chấp nhận một "cô giáo" như vậy.

Bùi Bá Thắng, Email: buibathang1011@yahoo.com

Không thể tin vào mắt mình !

Tôi thật không tin vào những gì đã đọc được trên TP hôm nay nữa. Một nhà sư phạm đã từng là giáo viên giỏi cấp cơ sở mà lại có cách dạy dỗ những mầm non của đất nước như vậy.

Và không thể chấp nhận cho những người như vậy, phải kỷ luật thật nặng thôi không cho dứng lớp và có thể nghỉ việc vĩnh viễn vì không phải hình phạt này cô đã dành cho em ý mà cô đã từng dùng hình phat đó với một em khác rồi.

Giả sử nếu em đó không phải vào bệnh viện thì chắc không ai biết cô đã dùng một hình phạt thật là điên dại vậy. Tôi không chấp nhận được việc cô chỉ đến nhà và xin lỗi là có thể thoát tội được. Cần phải loại bỏ những nhà giáo thiếu nghiệp vụ sư phạm như vậy.

Nguyễn Văn Bảy, Email: nvbay@spqnam.edu.vn

Cũng là một giáo viên, tôi thật sự không tin nổi rằng đã có nhiều trường hợp xúc phạm thân thể và phẩm hạnh học sinh đã được báo chí nêu ra. Vậy mà lại có một cô giáo tiếp tục tái diễn hành động phản giáo dục này.

Tôi lại càng ngạc nhiên hơn, khi được biết rằng cô giáo TrươngThị Phương là giáo viên giỏi (!?). Tôi nghĩ rằng, cô Phương (xin không dám gọi là cô giáo nữa !) cần phải được loại ngay ra khỏi ngành giáo dục chúng ta- cũng như các trường hợp tương tự đã có.

Còn chần chừ gì nữa mà còn đề nghị hình thức kỉ luật này hay khác. Nhân việc này, tôi cũng thiết tha mong mọi người đồng tình lên án và loại bỏ ngay những người quá kém cỏi đang đứng trên bục giảng hiện nay.

Tên: Một bạn đọc từ CHLB Nga

Thật ra để xảy ra như vậy cũng một phần do nhận thức của giáo viên, họ chưa hiểu được sự phát triển về tâm lý của từng lứa tuổi. Chỉ cần mỗi giáo viên chịu bỏ ra một chút thời gian nghiên cứu về tâm lý của từng lứa tuổi và tìm ra sự khác biệt của từng em học sinh, cộng với môi trường mà các em đang sống, như vậy có thể dùng tâm lý để dạy dỗ các em học sinh.

Lứa tuổi học sinh là lứa tuổi rất dễ bị kích động, chính vì vậy các em rất cần một sự nhẹ nhàng, quan tâm. Làm giáo viên đâu có nghĩa là bạn chỉ việc truyền đạt cho các em kiến thức, mà còn phải giúp các em phát huy sáng tạo của mình và hỗ trợ gia đình dạy cho các em biết nhận thức về bản thân, về gia đình và xã hội.

Qua đây tôi cũng muốn nói một điều nền giáo dục của Việt Nam mình vẫn mang tính cổ điển. Nhiều giáo trình của các giáo viên được lặp đi lặp lại thậm chí đến 10 năm, giáo viên không chịu tìm tòi thêm, không chiụ sáng tạo thêm, trong khi đó sự phát triển của khoa học thay đổi theo thời gian, gắn liền với sự phát triển của xã hội.

Thời gian hiện nay đang phát triển rất mạnh về công nghệ thông tin, rất nhiều thông tin mới nhất, các nghiên cứu mới nhật được cập nhật. Nếu so sánh với sinh viên nước ngoài thì phần lớn sinh viên Việt Nam học một các bị động. Điều này cũng một phần do lỗi của thầy cô giáo đã không tạo cho các em một cách học chủ động hơn.

Thiết nghĩ các thầy cô giáo nên xem lại mình trước, vì là giáo viên điều quan trọng nữa là bản thân mình phải yêu nghề của mình, chứ đừng nghĩ ngành sư phạm bây gờ đang được đánh giá cao. Bất kể nghề nào cũng vậy chỉ cần mình có năng lực, quyết tâm và lòng yêu nghề thì mình sẽ thành công.

Tôi đang học tại LB Nga, ở nơi đây tôi cảm nhận được sự gần gũi của thầy cô giáo, họ đã tạo cho sinh viên một môi trường học và nghiên cứu có tính chủ động.

Thậm chí gặp Giáo sư, tiến sỹ khoa học, họ cũng rất gần gũi với sinh viên, thậm chí cũng chào hỏi rất thân thiện, còn Việt Nam mình? Thậm chí ở một số vùng quê, các giáo viên trẻ, có cả cấp 1, 2, khi đi ra đường với nét mặt đầy tự cao. Điều này là do họ tự đánh giá quá cao về cái nghề mà họ đang có.

Nguyễn Xuân Hải, Email: nxhai@moet.gov.vn

Về hình phạt đối với học sinh

Giáo viên cần ý thức một điều: Họ không được phép tự cho mình "quyền" phạt học sinh dưới bất kỳ hình thức nào. Khi phạt học sinh họ đã vi phạm quyền trẻ em và do đó họ phải bị xử lý.

Ban Giám hiệu nhà trường, Phòng Giáo dục và Sở GD&ĐT cần thường xuyên phổ biến tuyên truyền thông tin về quyền trẻ em để giáo viên biết và thực hiện. Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm còn có trách nhiệm tư vấn cho cha mẹ học sinh, tránh để các em bị đánh đập hoặc bị phạt ở gia đình do không hoàn thành bài tập hoặc bị điểm kém, ...

Tôi được biết nhiều bậc cha mẹ hay đánh đập con cái mình khi chúng mắc khuyết điểm. Khi có ai đó can thiệp thì họ đưa ra lý luận rằng "yêu cho roi cho vọt" hoặc "dạy con từ thuở còn thơ". Thật đáng tiếc chính việc làm của họ đã khiến cho đứa trẻ dần dần trở nên chai lì, cáu bẳn và bắt chước trong cư xử với bạn bè và thậm chí, chúng còn cằn nhằn với cha mẹ chúng.

Mong sao các cấp các ngành quan tâm nhiều hơn nữa, có các phong trào tuyên truyền việc thực hiện quyền trẻ em để các em có tuổi thơ hồn nhiên, vui chơi và học tập mà không bị phạt dưới bất kỳ hình thức nào, bất kỳ ở đâu và không bị đánh đập.

Xuân Bình, Email: xuanbinh@yahoo.com.vn

Không xứng đáng với hai tiếng "Cô giáo"

Tôi thật sự bức xúc khi đọc sự việc trên. Tôi quê cũng ở Thái Bình. Hàng năm tôi thường về quê, thỉnh thoảng tôi cũng hay tới trường đón cháu. Tôi cũng đã từng chứng kiến giáo viên trừng mắt lên quát các bậc phụ huynh khi đi đón các cháu đứng ở cổng trường không đúng theo quy định. Thay những lời nho nhã của giáo viên là những tiếng xé xé mà tôi đang tưởng mình đứng ở hàng tôm hàng cá.

Tôi về hỏi mọi người thì còn được biết thêm nếu mà biết phụ huynh của em đứng sai quy định thì em đó sẽ phải chịu hình phạt trước lớp và truớc toàn trường vào ngày thứ hai đầu tuần...và nếu biết phụ huynh nào phản kháng thì hỡi ôi con mình sẽ bị trù dập ....

Thật sợ khi thời đại này ngành giáo dục luôn đổi mới về mọi phương diện . Thế còn văn hóa Đạo đức giáo viên cũng đổi mới như vậy sao? Khi cắp sách tới trường chúng ta ai cũng được hát "...Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền...". Vậy là hình ảnh của "mẹ hiền" ngày nay nay được các giáo viên khắc hoạ như vậy sao?

Võ Trần Nguyễn (Phan Thiết, Bình Thuận), Email: vodinhtien@yahoo.com

Cần sớm có giải pháp

Thời gian gần đây, tôi thấy rộ lên tình trạng các thầy cô giáo bạo hành, khủng bố học sinh của mình, thậm chí đáng ghê tởm như trường hợp thầy giáo hãm hiếp học sinh tiểu học. Báo chí trong nước đưa tin nhiều, lãnh đạo các trường đã xử lý nghiêm khắc nhưng nạn bạo hành trong trường học vẫn không giảm, có lẻ nhiều thầy cô không đọc báo , không tiếp nhận được thông tin để lấy đó làm gương.

Đã đến lúc Bộ GDĐT cần có văn bản tổng hợp các trường hợp bạo hành đã xảy ra và chỉ thị nghiêm cấm nạn bạo hành của thầy cô giáo đối với học sinh, đồng thời có quy định hình thức xử lý nếu giáo viên xảy ra sai phạm.

Cần làm cho toàn thể thầy cô giáo hiểu rằng : xã hội ta là xã hội dân chủ, văn minh, tôn trọng quyền con người, dù đó là những người trẻ tuổi, học sinh của mình.

Phạm Thị Hải Yến, Email: yenvit@yahoo.com

Cô giáo như mẹ hiền đâu rồi? Cô này không nên cho đứng lớp nữa, nhà tôi cũng ở Vũ Thư, tôi rất phẫn nộ. Hiện tại tôi đang công tác tại Hà Nội, con tôi cũng đang học tại trường tiểu học Minh Quang, may không phải lớp của cô giáo Phương.

Trường, Email: phieudu132002@yahoo.com

Đạo đức nhà giáo ở đâu?

Thời gian gần đây đã có rất nhiều chuyện liên quan đến phẩm chất, đạo đức của Nhà giáo mà dư luận đã nhiều lần bức xúc, vậy mà vẫn còn những hành động như của cô giáo Trương Thị Phương, thật không thể chấp nhận được.

Kết quả như thế nào thì còn chờ, nhưng tôi nghĩ, ngành giáo dục nên xem lại đạo đức của người giáo viên. Ngày xưa chúng tôi đi học được các thầy cô giáo dạy môn đạo đức công dân, vậy nên chăng bây giờ các nhà trường cũng thường xuyên có buổi sinh hoạt về đạo đức nhà giáo?

Phong Lan, Email: hoangyendo2004@yahoo.com

Cần nghiêm khắc xử lý cô giáo có hành vi phản giáo dục

Đọc thông tin về sự việc cô giáo phạt học sinh bằng cách cho 32 em tát vào mặt bạn vì lỗi quên sổ chấm điểm thi đua tôi rất bất bình về phương pháp giáo dục học sinh phản giáo dục như vậy.

Đề nghị nhà trường và Phòng Giáo dục nghiêm khắc xử lý trường hợp này, không nên cho cô giáo này tiếp tục đứng lớp để làm gương cho người khác. Đây là việc làm cần thiết để góp phần chấn hưng nền giáo dục nước nhà đang rất nhiều vấn đề hiện nay.

Lê Công Hoà, Email: leconghoa@gmail.com

Thời gian vừa qua, báo chí đã đưa tin về nhiều trường hợp giáo viên lăng mạ, xâm phạm học sinh và hôm nay lại thêm vụ này. Một lần nữa, vấn đề đạo đức, tư cách của giáo viên, nhất là giáo viên đứng lớp ở các lớp học sinh còn nhỏ như: tiểu học, mẫu giáo,... cần được xã hội quan tâm một cách đúng mực và không quá khi đề nghị rằng cần phải được đặt lên bàn của các vị đại biểu Quốc hội.

Chúng ta đang sống trong một xã hội tự do, Đảng và Nhà nước đang cùng nhân dân xây dựng một xã hội văn minh, dân chủ thì không có lý do gì những "con sâu" trong ngành Giáo dục này lại tồn tại.

Nguyễn văn Hiếu, Email: hieuhanghanghieu@yahoo.com

Hình phạt phản giáo dục !

Tôi là một người dân sống tại Thái Bình. Tôi cho rằng phải có một quyết định xử lý thạt nghiêm đối với trường hợp như thế này để cho thấy hệ thống giáo dục của tỉnh ta không bao giờ dung tha những vi phạm mang lại hậu quả nghiêm trọng như vậy.

Nguyễn Thanh Hải, Email: langtupc78@yahoo.com.vn

Tại sao vẫn còn những giáo viên như vậy nhỉ ? Nên đưa ngay những cô giáo như vậy ra khỏi nhành giáo dục!

Phan Hoa Mi, Email: phanhoami111@yahoo.com

Không cho cô giáo Thủy được đứng trên bục giảng vì hành vi phản giáo dục này !

Nguyễn Đức Hùng, Email: airimex@hn.vnn.vn

Tôi không thể hiểu vì sao cô Phương lại xử sự thiếu suy nghĩ như vậy, cháu mới học lớp 4, trẻ con ham chơi quên việc là chuyện bình thường. Có lẽ cô giáo Phương không nên tiếp tục đứng lớp.

Quốc Anh, Email: anhnq@gmail.com

Đọc bài này tôi thấy quá buồn cho văn hoá giáo dục nước nhà. Việc làm của cô Phương này sẽ để lại hậu quả tàn bạo trong đầu óc trẻ thơ. Vì sao những tội xâm phạm trẻ em bị khởi tố hình sự còn tội này lại không?

Hoa

Nên đưa các vụ án giáo viên xâm hại đến quyền lợi của trẻ em ra pháp luật, không nên dùng hình thức cảnh cáo toàn ngành (rút kinh nghiệm).

Nguyen Binh, Email: nbinh55@gmail.com

Sau bao nhiêu những Scandal trong ngành giáo dục, đặc biệt là những vụ "phạt" và "tra tấn" học sinh gần đây, tôi thực sự không hiểu nổi sao còn có những giáo viên như cô Phượng không tự rút kinh nghiệm, mà còn tiếp tục vi phạm.

Vi phạm này mang tính coi thường, thách thức dư luận và ngành giáo dục. Vì tất cả những hậu quả đối với nạn nhân trong vụ này và tiếng xấu cho ngành giáo dục, tôi thấy cô Phượng không được làm giáo viên nữa. Và tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu kết quả xử lý vụ này sẽ không phải là như vậy.

Tiếp tục cập nhật...

MỚI - NÓNG