Tất cả CSGT ra đường - Đà Nẵng hết kẹt xe?

CSGT Đà Nẵng đang điều tiết giao thông. Ảnh: Nam Cường
CSGT Đà Nẵng đang điều tiết giao thông. Ảnh: Nam Cường
TP - Sau khi tân Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh chỉ đạo ngành Công an Đà Nẵng quyết liệt trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn giao thông trên địa bàn, lực lượng CSGT đã phải rời phòng làm việc ra mọi ngả đường.

Bí thư Nguyễn Xuân Anh ngày 6/11, thông báo sẽ xem xét 3 tháng mà không có chuyển biến thì đề nghị điều chuyển Trưởng phòng CSGT và Trưởng phòng CSTT; sáu tháng không chuyển biến thì điều chuyển Phó giám đốc Công an thành phố; 1 năm không có chuyển biến thì xem xét trách nhiệm của lãnh đạo Công an thành phố…

Sẽ huy động cả đoàn viên thanh niên

Theo đại tá Lê Ngọc,  Trưởng phòng CSGT, ngoài việc thực hiện chỉ đạo trên, chiến dịch chấn chỉnh lại trật tự an toàn giao thông những ngày qua cũng nằm trong hai đợt ra quân lớn mà lãnh đạo Công an thành phố đã có kế hoạch từ trước. Theo đó, đợt 1 từ ngày 10/10 đến 15/12; sau khi sơ kết, xem xét hiệu quả và báo cáo, sẽ tiếp tục triển khai đợt 2 từ ngày 16/12/2015 đến 16/2/2016.

Lực lượng CSGT thành phố đã được huy động gần như tất cả ra đường làm nhiệm vụ phân luồng, tuần tra… Theo đó, có 7 chốt giao thông, mỗi chốt 2 - 4 cán bộ, chiến sĩ. Ngoài ra, có 2 tổ tuần tra cơ động trên mọi nẻo đường, đặc biệt trên QL1A mỗi ca 45 - 50 cán bộ, chiến sĩ làm việc từ 7h sáng đến 23h cùng ngày. Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều điểm nút giao thông thường xuyên kẹt xe trong giờ cao điểm đã ổn định hơn trước. 

Nút giao thông ở vòng xoay Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương chưa có hệ thống đèn hiệu, thường xuyên ùn ứ. Kể từ khi có 3 - 4 cán bộ CSGT trực thường xuyên, cảnh kẹt xe đã không còn. Một số điểm khác như nút Lê Duẩn - Trần Phú, ngã 6 Nguyễn Văn Linh - Hoàng Diệu - Ông Ích Khiêm - Triệu Nữ Vương… cũng đã giảm thiểu tình trạng tắc đường. 

Đại tá Ngọc cho hay, sắp tới sẽ tham mưu cho Ban Giám đốc Công an làm việc với Thành Đoàn Đà Nẵng nhằm triển khai quy chế phối hợp giữa hai đơn vị. Bên phía Thành Đoàn sẽ cắt cử cả ĐVTN, chủ yếu là thanh niên tình nguyện hỗ trợ CSGT trong việc phân luồng, điều tiết giao thông.

Sau khi triển khai hai đợt ra quân, lực lượng CSGT sẽ còn phải ra đường tuần tra, điều tiết thay cho hệ thống đèn hiệu bao lâu? Đại tá Ngọc không trả lời câu hỏi mà cho rằng, CSGT đương nhiên phải xuống đường điều tiết, tuần tra. Tuy nhiên, đó chỉ là cách tạm thời, không phải giải pháp căn cơ. “Với tình hình hiện nay thì chỉ giảm chứ không thể nào hết kẹt xe”, ông nói.

Theo lãnh đạo CSGT Đà Nẵng, nguyên nhân kẹt xe chủ yếu là do tổ chức giao thông, ý thức của người tham gia giao thông, phương tiện tăng vọt và quan trọng nhất là hạ tầng cơ sở giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại. 

“Trên địa bàn các tuyến đường của Đà Nẵng có 2.800 nút giao thông thì chỉ có 2 nút giao thông khác mức là ngã ba Huế và ngã tư Hòa Cầm. Còn lại là nút đồng mức, như thế thì không cách nào không kẹt xe được” ông nói. 

Đà Nẵng hiện có gần 60.000 ô tô và hơn 700.000 mô tô lưu thông trên địa bàn, chưa kể số phương tiện của người ngoại tỉnh sống, làm việc ở Đà Nẵng. Nếu như một mình ngành CSGT ra quân từng đợt như hiện nay thì không thể nào giải quyết triệt để tình trạng kẹt xe, đại tá Ngọc nói.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.