Cũng qua lâu rồi, bây giờ tôi đã là tảng đá rầu rĩ bên đường, đen khăm khẳm màu rong rêu cũ kĩ.
Cơn mưa miên man, mênh mông, bất tận đã đi ngang qua vùng Chư Prông vài tháng trước. Trong hốc cây, người ta đã thấy chùm nắng vàng tươi ngóc đầu hé nụ. Tao wao, tao wao “Ninh Nông thông atâu, Ninh Nông thông atâu” tiếng chim líu ríu trên cành mai già cạnh dòng suối trắng đục. Mùa Ninh Nông đến rồi. Bon làng rục rịch chuẩn bị làm lễ Pơ Thi cho mẹ con tôi. Tôi nhớ Tự. Mẹ con tôi chờ Tự, người con trai da trắng, môi hồng về xây cầu Ia Wy vào mùa Ninh Nông năm nào. Tôi sợ lễ Pơ Thi. Lời cầu khấn, đường diềm vẽ máu lợn trên cây cột, điệu múa xoang,… sẽ làm linh hồn mẹ con tôi tan biến.
Không! Tôi rú lên như heo bị chọc tiết.Chiếc ché trong ngôi nhà mồ vỡ vụn. Chùm rung reng khua mạnh, đứt, văng ra nhiều chỗ. Người dọn nhà mồ vứt cuốc bỏ chạy. Linh hồn bay vút treo ngược cành cây blông, con mắt mở to, mái tóc lòa xòa rũ xuống.
Nói rồi mà. Tôi ghét lễ Pơ Thi. Nhỡ đâu một ngày, Tự từ phương xa tìm về. Tôi gói ghém hình của Tự cẩn thận, dắt khắp nơi, trong hốc đá, trong lá cây và trong bếp củi. Cha giận dữ, nước miếng theo lời nói tung mạnh như bọt thác khi mang cơm trắng cá suối đặt trong nhà mồ trước ngày ăn cơm mới “Ăn đi, cơm còn dẻo, cá còn thơm, ăn xong ngày mai, ngày mốt hãy đi theo mẹ mày ở rừng. Đừng nhớ người nhà gái chưa hỏi đã ăn cơm trong nồi ba, nhà gái chưa cưới đã ăn cơm trong nồi bảy, bụng nổi vú thâm đen rồi đi miết”. Cha ngồi khum, đặt hai tay lên trán, nước mắt dính ướt mặt, nước mũi dính ướt môi. Lời khóc bay xa xa, sương trên hai mắt tượng nhà mồ của bà chảy xuống, sương trên hai mắt tượng nhà mồ của mẹ chảy xuống. Con kiến bò đen bụng con cá trắng. Chân con thằn lằn bơi bơi trên nắm cơm cha đã nặn thành cục. Tao Wao vỗ cánh, chao liệng quanh nghĩa địa. Nó không muốn hót, nó sợ tiếng nấc của cha. Nó chờ cha cầm xà gạc đứng dậy, bụi rậm che khuất lưng, gió mạnh xóa dấu chân to trên đường mòn ngăn bon của người sống và người chết. Bấy giờ miệng nó mới la lớn “tao wao, tao wao, tao wao”, nó kể cho tôi nghe. Lời nó rù rì nhẹ như gió. Tôi lại tức ngực. Cha chưa bao giờ quên tôi.Cha thương tôi, đứa con gái mất mẹ khi còn chưa biết cuốn váy. Vậy mà khi treo mình lơ lửng trên cây m’nút trong rừng Tơ Klơng suy nghĩ tôi không có cha. Tôi giận mình và ghét Tự. Tôi đã níu chân, lè lưỡi trước mặt chục thằng con trai tóc xoăn, da trắng giống Tự lúc nhập nhoạng tối. Ai biểu trái tim tôi đưa hết cho Tự. Bơ So bà già trong bon hay nói với bọn con gái khi kết thúc câu chuyện H’ Bia Lúi “Tình yêu như lá thuốc độc. Chớ có đưa nó cho ai bậy bạ. Con mắt cứ ném về phía trước mà không nhìn phía sau, mang dây cột trâu mà không biết trâu đực hay trâu cái, đo dây bẫy nai không biết nai lớn hay nhỏ, sẽ khổ nhiều, khổ lâu, khổ cho đến chết”. Tôi để lời Bơ So lọt tai này sang tai kia như nước chảy rò rò hai đầu ống nứa. Tiếng xe cày bịch bịch đưa con trai con gái vào rừng. Họ cười nói khi qua tảng đá rong rêu phủ kín. Tôi nhìn con mắt không chớp, nhớ ngày xưa mùa Ninh Nông ghê! Gió thổi nghe mùi lá rừng âm ẩm.Dưới chân mọc nhiều bông hoa trắng nhỏ xíu còn dính sương đêm. Mùa hoa đến rồi, mùa Ninh Nông đến rồi “tao wao, Ninh Nông thông atâu, Ninh Nông thông atâu”.
Cha bình thản trước tiếng chim Tao Wao. Cha mài dao, vót tre dưới sàn.Sàn nhà thấp, lưng khom khom. Tóc dài rũ rượi xõa trắng vai. Cha không cắt tóc ba năm nay. Phải thôi, ai nhắc cha điều đó chứ. Bóng cha đổ dài theo chiều nắng, gầy và buồn. Con heo ngứa chà mình xàn xạt lên cây cột nhà, ủi ủi dưới đất đòi ăn, rúc dưới chân cha nhai cây chuối rau ráu. Cha đứng loạng choạng, bước chân lên cầu thang không vững. Mây thả mưa hoa li ti phủ khắp mái nhà, lên lưng con heo, lên tán lá chuối, long lanh màu nước suối trong veo. Tao Wao nói “Cha nhớ chị, nhóm bếp mãi chẳng lên lửa”. Tối hôm đó tôi về nhà, cửa khép hờ như mọi khi. Cha luôn để cửa chờ tôi đi chơi chung với Tự về. Tôi sững người khóc nấc. Linh hồn khóc không ra nước mắt chỉ nghe tiếng rên hừ hự. Con mèo đen như nghe thấy, nó trèo ngược lên cột nhà chạy trốn. Ngôi nhà bụi quá, mạng nhện kéo bên này bên kia. Cha nằm nghiêng đầu đặt trên cánh tay phải, tiếng thở nhẹ hơn tiếng dế, nhìn rất thương.
Chiều, cha nói với dì Blơng “Chưa làm lễ Pơ Thi cho mẹ con nó được đâu chị, tui vẫn thường mơ thấy nó mang gùi ra giếng múc nước, nó khóc, nó nói chờ thằng làm cầu trở về, cọp bắt, đá đập bể đầu con người xấu tính ấy đi, gặp nó tui cho một nhát xà gạc lên cổ, nó chết, tui chết”. Dì Blơng chưa già, nhưng lưng còng, miệng móm mém. Dì rít qua kẽ răng mắng nhiếc “Anh rể nó nói vậy là trái với ý Yang, trái với ý bon làng. Người chết không được ở chung, ăn cơm chung, uống nước chung với người sống. Dấu chân của người sống đã mất ba năm nay.Phải làm lễ Pơ Thi đưa tiễn linh hồn nó về với rừng chớ, đâu để nó quấn quýt trong hốc cây, tảng đá người sống được”. Cha lặng im, quay mặt đi nhử con gà vào chuồng. Cha biết mình sai. Cha đâu phải người trong dòng họ này, sợi dây ràng buộc duy nhất giữa cha và dòng họ Siu là mẹ cũng đã đứt. Cha không nên nói lời không trúng ý dì Blơng.
Tiếng thở cha nhẹ hơn tiếng dế.Cha trở mình cựa quậy. Hôm nay miệng trăng chúm chím cười nhỏ, ngày mai nó sẽ cười to múa hát, uống rượu, ăn thịt, nhảy những điệu rậm rịch với bon làng. Tiếng gà trống giục tôi về tảng đá. Tôi ngồi đó ngó những bước chân vội vàng lướt qua. Tôi đã chết và chờ trăng gọi về với ông bà! Tôi không muốn chờ Tự nữa.
Bước chân lạ, giọng nói lạ men theo đường mòn vào buôn Lê. Họ cõng con, cõngcháu, gùi cả gạo và mền, gạo cho chủ nhà làm lễ, mền cho người chết đem theo. Họ ở bon Păh, bon Krăm sang bon Lê uống rượu. Đàn bà đi trước, đàn ông chạm gót đàn bà theo sau như con kiến đi thẳng thành hàng. Mùa Ninh Nông là thế, rước Mẹ Lúa về, đóng cửa để im cho Mẹ Lúa ngủ, rủ nhau đi chơi bon này, bon nọ, say rượu thì ở lại nhảy múa và hát ca.
Đêm nay, trăng cười lớn dưới lớp mây mỏng màu chuối chín. Ai cũng chộn rộn vui mừng. Mùa mưa ở Chư Prông đã gột sạch trí nhớ về người chết khi họ còn sống. Họ không nhớ, nhớ làm gì, Bơ So nói “Đừng để giọt nước mắt kéo chân người chết. Cứ để họ đi, linh hồn họ hóa giọt sương qua bảy lần rồi trở lại làm người họ Siu, Rơchâm, Ksor ấy mà. Hãy trồng nhiều lúa, nhiều thuốc, nuôi con heo chắc thịt, nuôi con bò mập chân đến khi tìm được tiếng nói chung bon làng sẽ làm lễ Pơ Thi mùa Ninh Nông như ông bà đã dạy”. Bơ So nói trúng tai lắm nhưng tôi vẫn buồn Bơ So ơi! Tôi muốn nghe tiếng khóc thật chớ không phải tiếng khóc hờ đặt tay lên trán che đầu. Bởi vậy giữa nhiều tiếng khóc, tôi nhận ra ngay giọng khóc của cha mình. Trầm buồn và u uất. Tôi nhớ miết đôi mắt cha khi người ta đỡ tôi từ trên cây m’nút xuống, đó là dòng K’rông Pa và K’rông Hoa mùa lũ, xối xả, cuốn hết lúa Hkê, lúa Bla, lúa Đrô, cuốn luôn con heo, con bò ra sông lớn. Kẽ tay cha dính đầy phân bò, gấu quần cha dính nhiều cỏ may, cái tay, cái chân chạy đi lung tung không nghe lời cái đầu nói nữa. Cha vơ đồ đạc cạnh gốc cây bỏ hết vào gùi, cả hòn đá và lá khô. Dáng người ngả nghiêng, cha đi theo tiếng khóc của dì Blơng mang người chết về nhà. Chiều bon Lê nhuộm màu vàng cháy, đàn chim Tao Wao ở đâu bay về, chúng xòe cánh che tối vùng đất Chư Prông. Bơ So đang ngồi nhét lá vào tẩu thuốc, nghiêng tai lắng nghe tiếng trống thùng thình, tim Bơ So cũng đập thùng thình “Ai? Ai mới về bên kia núi hả Plưi. Ai không muốn uống nước mẹ, không muốn ăn cơm cha mà đòi đi ăn cơm Mặt Trăng, uống nước Vì Sao thế?”. Thằng cháu Plưi nhỏ thó, mới trèo lên cầu thang đã hét om sòm “Cháu bà Blơng, Bơ So ơi! Nó treo sợi dây quanh cổ nó hồi chiều. Người ta mới khiêng nó như khiêng một con heo. Mắt Bơ So thấy không, tay nó, chân nó nhũn như con rắn bị rút hết xương kia kìa”. Bơ So nghe thấy rồi, Plưi, lấy khăn mới, váy mới, mở cửa cho bà đi nhìn mặt lần cuối cháu bà Blơng.
Tao Wao kêu to đến nỗi ngồi tuốt trên đỉnh Chư Prông còn nghe thấy “tao wao, tao wao, tiếng chiêng đầu tiên đã nổi, lời kêu Yang Atâu đã vang, dậy búi tóc phía sau, đeo vòng bạc phía trước, uống nước trong nồi ba, ăn cơm trong nồi bảy, bỏ dao vào gùi, bỏ hạt lúa vào ống chuẩn bị đi xa ơi linh hồn”. Tôi lượn nhẹ nhàng ra khỏi tảng đá, không muốn đánh thức những bông hoa nhỏ xíu màu trắng đang ngủ quên lỗ tai dưới chân. Trăng treo mình trên cây, xuyên ánh sáng lờ mờ qua kẽ lá, chen hốc đá, trăng dẫn gió đi nhảy xoang với con trai, con gái Jơrai bên khu nhà mồ. “Đến đây nắm tay em nè Tự, bước chân thế này, nhún thế này, đi vòng quanh, vòng quanh”, tôi nhớ lời nói với Tự vào ngày lễ Pơ Thi ba năm trước. Đêm đó Tự thủ thỉ vào tai “Anh yêu hết con người em. Em là người con gái Jơrai đẹp nhất mà anh từng gặp, làm vợ anh nhé, mai mốt anh dẫn em về thấy mặt bố mẹ, dòng họ anh ở bon miền con sông lớn”. Tôi choáng váng say sưa, không phải say rượu cần sóng sánh trong ché, không phải say điệu xoang, xoay xoay nhiều vòng quanh khu nhà mồ. Tôi say lời nói của Tự, có con gái Jơrai nào không say khi nghe lời ngọt hơn con ong mật rót vào tai kia chớ. Tôi nhắm mắt u mê, áo nằm trên váy, váy nằm trên cỏ.Tôi cho Tự len vào người, con chim trong tổ ngóc đầu ngồi dậy, nó che mặt, che luôn nửa con trăng.Mùa gieo hạt, tôi nói với Tự lưng tôi đã cong, núm vú đã chuyển màu đen sẫm, miệng không nói, Tự tức tối ném mạnh cục đá xuống vực. Sáng, Tự leo lên chiếc xe chở mía ở đường cái lớn, bụi chạy theo ánh đèn tù mù. Tôi chới với gọi khàn cả tiếng. Tự bỏ lời nói ngoài tai. Tôi thả mình rơi mạnh xuống đất, nước mắt rớt nhiều vào tay, sợi dây quấn quanh cột và rừng Tơ Klơng thấp thoáng hiện trong đầu.
Pơ Thi năm nay không to, trận lụt mang nhiều của cải đem cho sông lớn.Váy con gái bon Lê bàng bạc, áo con trai bon Lê sứt chỉ, đã lâu không nghe tiếng xe cày chở người ra chợ. Nhịn ăn được, nhịn mặc được nhưng không nhịn được chơi lễ Pơ Thi. Pơ Thi vui rộn ràng, gieo hạt trên rẫy mà đôi tai cứ nghĩ đến nó miết, miệng muốn hát, chân muốn múa múa theo điệu xoang.
Nửa đêm, tiếng nói lẫn tiếng khóc, tiếng khóc lẫn tiếng chiêng, tiếng chiêng hòa mình vào ngọn lửa đưa lời nói con người đến tai các Yang Atâu. Cha mệt mỏi nhóm bếp lửa nhỏ bên cạnh bếp lửa lớn. Nhìn tượng nhà mồ và lầm rầm nói chuyện. Bốn tượng khỉ mặt sầu héo quắt, mủ cây còn dính trên mặt, trên mũi như nước mắt quẹt ngang, như nước mũi quẹt dọc. Bốn tượng nhà mồ được Kjan đẽo hồi chiều. Kjan yêu lén tôi, hay đưa con mắt nhìn tôi thật lâu khi hai đứa ngồi chung trên xe cày. Hôm trước tôi chặn lối, khóc tỉ tê đòi chàng tạc tượng nhà mồ cho mình. Kjan thương tôi lắm, chàng sẽ gửi linh hồn của chàng trong bốn tượng nhà mồ để bảo vệ tôi khi người nhà vĩnh viễn không đoái hoài nữa. Đêm nay thấy cha không muốn vô đám đông để ngồi một mình, Kjan kéo khúc cây bla ngồi bên cạnh. Đất trời hôm nay sao mênh mang quá, gió thổi tiếng chiêng đi xa, Pơ Thi dập dềnh trong nỗi nhớ dài vô tận.
Ba lần con trăng lên. Trong suy nghĩ của tôi không còn Tự nữa. Hình ảnh của cha, dì Blơng, Bơ So, Kjan nhạt nhòa dần theo tiếng trống thùng thình tiễn biệt. Pơ Thi đóng cửa chuẩn bị cho một mùa gieo hạt mới. Từ phía núi, tôi thấy dáng bà nhỏ khom lưng, dáng mẹ cao đứng thẳng, chúng tôi nắm lấy tay nhau đi qua nhiều thung lũng và quả đồi. Tao Wao đã ngừng hót, nó bay khỏi vùng Chư Prông, không hẹn bon Lê ngày trở về…
H’ Siêu Byă sử dụng một lối diễn giải phi tuyến tính, không theo trình tự thời gian. Bên cạnh đó, tình tiết truyện dựa trên phong tục đặc trưng của người Ê đê. Nên câu chuyện, thoạt đầu có vẻ khó tiếp cận. Thật ra, đây mới chính là sự dụng công của tác giả - một cô gái trẻ người dân tộc Ê đê, một cây viết trẻ đầy tiềm năng của núi rừng Đăk Lăk.L.A.H