Tu chợ

Minh họa: Tuấn Tú.
Minh họa: Tuấn Tú.
TP - Càng ngày, Thi càng thấy mình khó hiểu. Lẽ ra, sau khi học nhiều, đọc nhiều, đi nhiều,  gặp nhiều, trải nhiều, ngấm nhiều thì phải càng tự tin hơn vào những gì mình biết, mình thấy, nhưng hóa ra, càng lúc Thi càng hiểu điều duy nhất có thể hiểu được là con người ta đã chẳng hiểu gì.

Thi không biết mình có mắc căn bệnh làm cho mọi thứ phức tạp lên không?

Sao bỗng dưng Thi chỉ muốn được lên chùa. Đi tu. Ăn chay, niệm Phật. Bỗng dưng Thi thấy sợ ăn thịt một cách không thể lý giải. Cứ nhìn thấy thịt là Thi buồn nôn. Đặc biệt là những món còn tươi rói màu máu như bò bít tết. Nó làm dịch vị trong dạ dày Thi cứ ộc lên cuống họng và cay sộc nơi đầu mũi, muốn ói hết mật xanh mật vàng trong bụng ra ngoài.

Món rau đối với Thi trở nên khá ổn. Thi hài lòng mãn nguyện mỗi buổi trưa chỉ ăn nhẹ bằng một đĩa rau củ luộc hoặc rau xào dầu đơn giản.

Thi bỗng dưng cũng thấy chán và muốn quăng hết tất cả những thứ tiện nghi vật chất quanh mình. Tắt hết cả Iphone, Ipad, laptop cũng ít khi sờ đến. Không check email, ít đọc tin tức trên báo, không lướt mạng. Ti vi nhà Thi đã tắt im ỉm cả năm trời không bật, có một hôm Thi bật lên, chắc vì ẩm quá, đầu dây điện chập luôn, bốc khói nghi ngút và ti vi tắt phụt. Thi mặc kệ, không gọi thợ đến chữa. Thi chẳng có nhu cầu xem những thứ đang lảm nhảm suốt ngày trên truyền hình.

Điều hòa trong phòng khách và phòng ngủ cũng đã cả năm không được bật lần nào. Thi chỉ có nhu cầu hé cửa để gió khẽ lùa vào và đôi khi bật chiếc quạt máy nho nhỏ vẫn để ở cạnh giường mà hồi trước đã sắm dự phòng. Hễ cứ bật điều hòa là Thi thấy lạnh toát cả người, run rẩy, sợ hãi, không thể nào chịu đựng nổi.

Tủ giầy hàng trăm đôi không còn đụng đến. Tủ áo hàng trăm bộ trước đây được thiết kế kỹ lưỡng cho từng dịp xuất hiện trước công chúng nay cũng nằm im lìm trong góc. Thi thờ ơ chẳng còn nhìn vào bộ sưu tập nước hoa, thắt lưng, ví, vòng nhẫn trang sức, phụ kiện các loại, đừng nói là mang ra dùng.

Chuyện làm ăn công việc thực sự bị Thi bỏ lơ. Thi không muốn đến công ty đã đành mà báo cáo chất chồng lên hàng đống cũng không muốn đọc. Kế toán réo rắt, các phòng ban kêu la, đối tác mời gọi, thúc giục, Thi càng không muốn hồi đáp bất cứ ai.

Người giúp việc đã gắn bó với Thi suốt mười lăm năm đã được cho nghỉ. Chị nông dân lực điền khỏe mạnh, chân chất, thật thà, không có gia đình nên chẳng vướng bận gì. Khi cho nghỉ, Thi phải suy nghĩ mất một năm mới dám quyết định. Thi biết chẳng tìm đâu ra người quý như thế để có thể dung dưỡng trong nhà. Trong lúc mà cả xã hội đang loạn lên vì bị ô-sin quát mắng, chửi rủa, dối trá, ăn cắp đồ đạc, bắt con trẻ đòi tiền chuộc, thậm chí tiếp tay cho kẻ cướp giết chủ nhà đoạt tài sản. Nhưng cuối cùng, Thi vẫn không thể thắng được ý nghĩ không cần sự có mặt của chị giúp việc tốt tính bên cạnh mình. Thi thấy vướng víu, không còn thoải mái nữa. Thi cần được ở một mình. Vậy thôi.

Thi nói với chị giúp việc rằng dạo này Thi hết tiền rồi, công việc làm ăn khó quá, nên không trả nổi lương cho chị nữa. Chị giúp việc thật thà thương cảm lắm, trước khi về quê còn nói với Thi, nếu khi nào ốm đau cứ gọi nhé, tôi sẽ lên với cô, đừng ngại, chuyện tiền nong không còn quan trọng đâu, dù sao tôi đã ở với cô mười lăm năm rồi. Tôi không có gia đình, mười lăm năm tiền lương đó vẫn giữ nguyên, đó là số tiền dưỡng già an toàn cho tôi rồi. Nhu cầu ở quê thấp lắm, chả cần gì nhiều. Số tiền đó chỉ để phòng lúc có bệnh mà thôi. Thậm chí- Thi giật mình thấy chị giúp việc chân thành cầu khẩn - nếu quá cần thiết cho chuyện công việc trong lúc này, tôi cho cô vay tạm số tiền đó nhé?

Thi xấu hổ cám ơn rồi dặn dò chị giúp việc cứ về quê an dưỡng, và nhớ giấu kỹ số tiền tiết kiệm mười lăm năm, đừng hở ra người khác biết lại vay, xin, chiếm đoạt mất thì khổ. Tốt nhất là cứ gửi vào ngân hàng nhé. Khi nào cần, tôi sẽ gọi chị ngay.

Chị giúp việc đi rồi, Thi cũng ngơ ngẩn mất một tuần, nhưng không thể nào nhấc điện thoại lên gọi chị trở lại. Thi vẫn không thắng được ý nghĩ cần ở một mình.

Thi chỉ xuất hiện mỗi khi có người bấm chuông tới thu tiền điện, tiền nước, tiền vệ sinh, tiền bảo vệ… Hễ có việc phải đi ra khỏi nhà, bỗng dưng Thi thấy ngại ngần kinh khủng.  Thi chẳng còn biết phải mặc gì cho đúng, phải đi xe riêng hay đi taxi, có nên gặp gỡ nhân vật này hay không, hoặc có thật sự cần phải xúc tiến hợp đồng đang dang dở với đối tác? Loanh quanh một hồi lại quyết định từ chối không đi.

Thi không biết mình thật sự muốn gì nữa. Ở mọi việc và trong mọi lúc.

Liệu lên chùa, ăn chay, niệm Phật, đối với Thi có thật là giải thoát?

Thi đã tìm hiểu nhiều ngôi chùa từ rất lâu, đặc biệt lưu ý những vùng còn hoang sơ, vắng vẻ, ít cư dân. Thi biết nhiều vị đại đức, quen nhiều sư thầy, ni cô, chú tiểu, và cũng đã thử hình dung nhiều lần về đời sống của mình sau khi xuống tóc.

Nghĩ đi rồi nghĩ lại, nghĩ lại rồi lại nghĩ đi, lòng vòng loanh quanh một hồi rồi không còn biết đâu là đường quang, chỗ nào đâm quàng vào bụi rậm nữa. Thuở bé, Thi được bà nội dạy dỗ: “Thứ nhất là tu tại gia. Thứ nhì tu chợ. Thứ ba tu chùa”.

Nội giảng giải cho Thi rằng tu tại gia mới là đức độ cao nhất; tu chợ cũng được, cuộc đời vốn dĩ là cái chợ mà, nên nói thế cũng được hiểu là ở chỗ nào cũng vẫn phải giữ đường tu. Còn thì lên chùa không khó đâu, đến lúc đã lên chùa, thì tức là chạy trốn thế giới bình thường rồi. Ăn chay sạch bụng, ở chùa tĩnh tâm, chỉ có học kinh với đọc sách thì tất nhiên là tu được rồi. Chứ ở cái chợ đời kia kìa, giữa đủ thứ cám dỗ ấy, tu được mới khó.

Từ lâu, Thi vẫn biết rằng Thi không lập gia đình tức là chưa đạt đức độ tu tại gia. Thi đi nhiều, gặp nhiều, quen nhiều, yêu nhiều, thử cũng nhiều cách, nhiều kiểu, nhiều trường hợp mà vẫn không dám lập gia đình.

Hồi còn sinh viên, Thi yêu toàn những thủ khoa, quấn quít với nhau thế, nhưng một thời gian sau là chán, vì giống nhau quá chăng? Lúc thành danh rồi, Thi chợt thấy trên mái tóc có lẫn một hai sợi bạc, vội vàng nhổ đi, bàng hoàng nhận ra đàn ông tử tế có lứa có thì chẳng khác gì đàn bà. Chẳng đàn ông nào ngồi đợi để gặp người phụ nữ đích thực của đời mình đến khi trên đầu đã có hai thứ tóc. Mà làm lại từ sự đổ vỡ của người khác thì Thi ngại ngần lắm, ngại cả thẩm định lẫn xúc tiến.

Tình nhân của Thi lúc đó có người là quan chức, là giảng viên các học viện nổi tiếng, là sếp báo chí, truyền hình, tổng giám đốc các tổng công ty cỡ bự…  nhưng với ai, Thi cũng nhanh chóng chán họ. Tất nhiên, họ chỉ là tình nhân mà thôi, không ai đợi Thi đến lúc đó để mới bắt đầu yêu. Và Thi cũng không hề muốn gắn bó cả đời với một ai trong số họ.

Thi sợ sự gắn bó đó hơn nhiều so với nỗi sợ một mình. Vậy nên cho dù học hành đỗ đạt, thành danh, mở công ty to, ký hợp đồng lớn, Thi biết mình vẫn chỉ là đang tu giữa chợ mà thôi.

Bây giờ, Thi chán tất cả mọi thứ rồi. Cái chợ này tụ tập quá nhiều kẻ cắp, buôn gian bán lận thượng vàng hạ cám đủ thứ trên đời. Thậm chí, quá nhiều kẻ trá hình đeo mặt nạ để cho vay nặng lãi tình thương, bán tấm lòng từ thiện. Thì lên chùa cũng được, đâu có gì cản trở Thi? Nhưng, nghĩ đi thì thế, nghĩ lại thì không lẽ Thi thụt lùi? Không lên được đức độ cao hơn, lại còn tụt hạng xuống mức thấp hơn?

Liệu lên chùa, ăn chay, niệm Phật, đối với Thi có thật là giải thoát? Lại quay trở lại câu hỏi cũ. Thi không tự trả lời được, không dám hỏi Thầy, mà cũng không muốn tâm sự với bất kỳ ai. Thi không hiểu sao cuối cùng chỉ còn mỗi suy nghĩ này là hiện diện trong đầu óc mình. Và nó làm cho Thi mất ăn, mất ngủ, gầy gò, xơ xác, tiều tụy dần.

Ba mươi sáu ngày liền Thi chỉ nghĩ được mỗi một ý nghĩ đó. Cầm cuốn sách nào lên cũng bỏ xuống. Mở bản nhạc nào ra cũng lại tắt đi, kể cả khi đó là những bản nhạc Thiền mà bình thường Thi thích nhất và đã kỳ công sưu tầm từ nhiều nơi trên thế giới.

Thi không còn được bình an, cho dù đã cố gắng hết sức để có thể thiền định. Thỉnh thoảng, Thi bất chợt nhìn thấy những linh ảnh hiện ra rõ mồn một ngay trước mắt. Thi không hề nhắm mắt mà mở to, trân trối nhìn thẳng vào linh ảnh. Một nguồn sáng vô biên, rực rỡ nhưng không chói lòa. Từ đó tỏa ra sự dịu dàng quá đỗi. Lẫn trong luồng sáng nổi bật lên những biểu tự rất đẹp nhưng Thi không đọc được. Nhìn rõ, mà Thi vẫn nghi ngờ. Hay là Thi đang bị ảo giác trở về? Bởi vì, thật ra, dù đã được gặp gỡ và giác ngộ nhiều lần, nhưng những gì mà Thi có thể học được dường như quá ít, và Thầy vẫn chưa điểm đạo truyền pháp, chứng nghiệm tâm linh cho Thi. Làm sao Thi có thể cảm nhận được những nguồn  lực thần bí uyên nguyên cao quý?

Thi hoàn toàn biết rõ, mình mới chỉ đang tu chợ mà thôi.

Ngày thứ ba mươi sáu, có tiếng bấm chuông cửa khá rụt rè. Thi cũng lưỡng lự không muốn ra mở. Hay là cứ coi như mình đi vắng? Nhưng rồi, chuông liên tục reo, sau hồi  chuông thứ mười ba, đầy thúc giục, lo lắng, gấp gáp, Thi đành mở cửa.

Gương mặt hoảng hốt của chị giúp việc ló ra ngoài cửa khiến Thi cảm động cười xòa.

- Chị vào đi, sao đi đâu lại lên thành phố thế này?

- Chẳng đi đâu cả, đi tìm cô đấy thôi.

- Sao lại đi tìm tôi?

- Thì tôi về quê, thấy nhớ cô quá, lo cho cô, sợ không có ai chăm sóc, nhỡ cô ốm thì sao. Gọi cho cô nhiều lắm mà gọi số nào cũng không được, hồi trước, kể cả cô đi nước ngoài cũng vẫn nhận điện của tôi mà. Thế chắc là cô bệnh rồi. Tôi sợ lắm. Có khi bệnh liệt giường ấy chứ. Thế nên tôi phải ra.

- Ôi, chị lo xa quá, tôi bình thường mà- Thi chống chế.

- Bình thường đâu mà bình thường - Chị giúp việc soi một vòng quanh nhà và chằm chặp nhìn Thi kỹ lưỡng - Nhà cửa thì bẩn thỉu, lộn xộn hết cả lên. Cô thì gầy thế này, xanh quá đi, biết ngay mà. Thôi! - Chị đứng lên, xăm xắn ra lệnh - Cô không được phép tự đày ải mình như thế nữa nhé. Tôi bắt đầu đi dọn nhà đây. Và sẽ nấu ngay cho cô một bữa trưa tử tế. Tôi có mang theo rau ở dưới quê đây này. Rau xanh của nhà người quen trồng hẳn hoi để phục vụ riêng cho nhà đấy. Không sợ bị đầu độc bằng thuốc trừ sâu với lại thuốc tăng trưởng đâu. 

Tu chợ ảnh 1Truyện ngắn dưới đây của Hòa Bình như một khảo luận bằng văn chương về một mệnh đề tư tưởng và tinh thần có từ lâu trong tâm thức tôn giáo Việt: Tu chợ. Thứ hành vi được coi là hơn cả tu hành chính thức tại chùa.

Nói nghe quan trọng vậy nhưng thực chất đây là một truyện ngắn dựa trên tự sự của một người đàn bà từng trải. Và do đó, đã hiểu chân giá trị nằm ở đâu trong cõi thế.

L.A.H

MỚI - NÓNG