Tạo môi trường cho doanh nghiệp làm ăn chân chính

Tạo môi trường cho doanh nghiệp làm ăn chân chính
TP - Nói về việc thanh kiểm tra thuế, hải quan với doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh ngân sách nhà nước ngày càng khó khăn, sức ép tăng thu lớn, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, việc tăng cường thanh kiểm tra DN không chỉ giúp tăng thu ngân sách, còn nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng.
Tạo môi trường cho doanh nghiệp làm ăn chân chính ảnh 1

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Vì môi trường kinh doanh lành mạnh

Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, việc tăng cường thanh kiểm tra tài chính với DN vô cùng quan trọng. Qua thanh kiểm tra để phát hiện, xử lý các sai phạm nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng. Tránh tình trạng DN gian lận, trốn thuế vẫn tham gia thị trường và cạnh tranh với DN làm ăn chân chính, gây bất bình đẳng. Đồng thời, qua thanh kiểm tra cũng huy động đóng góp của DN đúng pháp luật cho ngân sách nhà nước.

Cùng với đó, để hỗ trợ DN, người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất Chính phủ và trình Quốc hội giải pháp tiết giảm chi phí cho DN. Theo đó, sẽ rà soát lại hết các chính sách huy động đóng góp của DN vào ngân sách nhà nước, kể cả về thuế, bảo hiểm, phí, chi phí khác liên quan tới DN. Đồng thời thực thi các cải cách hành chính cắt giảm thời gian thực thi cho DN. Qua đó tạo điều kiện phát triển kinh tế tìm nguồn thu lâu dài cho ngân sách nhà nước. “Cùng với thanh kiểm tra, cải cách hành chính cũng nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và tạo thuận lợi cho DN”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, bộ sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường chứng khoán, để thúc đẩy DN tiếp cận được với thị trường vốn, thị trường bảo hiểm. Thúc đẩy để DN bảo hiểm như bà đỡ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và phần nào đó cũng là bà đỡ cho nền kinh tế.

Ông đánh giá như thế nào về thu ngân sách nửa đầu năm 2017?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Trong nửa đầu năm nay, dù kinh tế còn khó khăn, tăng trưởng kinh tế chưa đạt yêu cầu, nhưng thu ngân sách nhà nước vẫn đạt 47% so với dự toán quốc hội giao (tăng trên 13% so với cùng kỳ năm 2016). Nếu loại trừ một số nhóm thu ngân sách, như thu tiền cổ tức, lợi nhuận còn lại của DN nhà nước, đất đai và xổ số kiến thiết, thì thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế tăng trên 10,5% so với năm trước. Như vậy, mức tăng thu từ nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với tăng trưởng kinh tế và lạm pháp nửa đầu năm nay.

Điều đáng mừng là các địa phương trọng điểm về phát triển kinh tế và thu ngân sách nhà nước đều đạt và vượt dự toán đặt ra, như Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi… Hết 6 tháng, có 54/62 địa phương thu ngân sách đạt và vượt dự toán. Điều này phản ánh thực chất sức khỏe nền kinh tế.

Những khó khăn về thu ngân sách thì sao, thưa ông?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Trong nửa đầu năm, thu cân đối ngân sách trung ương còn nhiều khó khăn. Để giải quyết, ngành tài chính từ đầu năm đã triển khai nhiều biện pháp chống thất thu, như tăng cường thanh kiểm tra, chống chuyển giá, thu hồi nợ đọng thuế… Dư địa tăng thu ngân sách từ thu hồi nợ đọng thuế, thanh kiểm tra để xử lý sai phạm và tăng thu ngân sách nhà nước, đặc biệt tăng thu ngân sách trung ương vẫn còn lớn. Trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan Bộ Tài chính đã thanh kiểm tra hơn 40,6 nghìn cuộc. Trong đó, Thanh tra bộ kiến nghị xử lý về tài chính 1.496 tỷ đồng; cơ quan Thuế kiến nghị thu vào ngân sách trên 7,6 nghìn tỷ đồng; Hải quan thu vào ngân sách 861 tỷ đồng…

Tạo môi trường cho doanh nghiệp làm ăn chân chính ảnh 2 Người dân và doanh nghiệp đến làm thủ tục hải quan.

Nghiên cứu sửa đổi hàng loạt sắc thuế

Những tháng cuối năm, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính xác định là gì?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Những tháng cuối năm chúng tôi trình Chính phủ, Quốc hội một số dự án luật mới, như Luật về thuế bảo vệ môi trường, Luật sửa đổi 5 luật về thuế, Luật thuế tài sản... Đây là một trong những giải pháp quan trọng tái cơ cấu lại ngân sách nhà nước, đặc biệt trong điều kiện chúng ta hội nhập, cắt giảm thuế quan xuất nhập khẩu, giá dầu giảm sâu.

Cùng đó là tiếp tục hoàn thiện chính sách chi, quản lý, siết chặt chi tiêu ngân sách đảm bảo hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn, như tăng cường cơ chế khoán, khoán chi thường xuyên, khoán xe công… Đồng thời, đẩy mạnh sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, để giảm chi, đặc biệt chi thường xuyên, dành nhiều nguồn hơn cho tăng chi đầu tư phát triển. Bộ Tài chính sẽ tham gia tích cực vào tiến trình đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công, giá dịch vụ công.

Ngoài ra, tiếp tục đổi mới phương thức quản lý về tài chính, như trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc... Chuyển phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Cùng đó là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong 3 lĩnh vực trên. Hiện đại hóa để đưa công nghệ thông tin vào trong quản lý.

Xin cảm ơn ông!

“Cùng với thanh kiểm tra, cải cách hành chính cũng nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và tạo thuận lợi cho DN”.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng

Theo Bộ Tài chính, để tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí giao dịch hành chính cho doanh nghiệp, bộ tiếp tục mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử hóa trong lĩnh vực thuế, hải quan. Trong đó, tiếp tục rà soát để ban hành mới và sửa đổi các quy trình nghiệp vụ liên quan đến người nộp thuế, như: Quy trình bán lẻ, cấp lẻ hóa đơn; Quy trình đăng ký thuế, kê khai và nộp thuế. Đồng thời, đẩy mạnh nộp thuế qua mạng, mở rộng thực hiện hoàn thuế điện tử. Tới nay, hệ thống khai thuế qua mạng đã triển khai trên toàn quốc, với 99,8% số doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai thuế qua mạng. Ngoài ra, cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối chính thức 11 bộ, ngành với 39 thủ tục hành chính được thông qua cơ chế một cửa quốc gia.

MỚI - NÓNG
Phát hiện một tiệm vàng vi phạm
Phát hiện một tiệm vàng vi phạm
TPO - Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau vừa kiểm tra và phát hiện một doanh nghiệp treo biển hiệu tiệm vàng kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là trang sức kim loại màu vàng (vàng nữ trang).