Nghỉ việc vì lương thấp
Bà Ngô Hải Yến, Chủ tịch UBND phường Đa Kao (quận 1) nói rất tâm đắc sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 54 (NQ 54) về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM, trong đó cơ chế ủy quyền, nâng thu nhập cán bộ công chức (CBCC) liên quan trực tiếp đến công việc, đặc biệt là đời sống của CBCC cấp phường xã.
“Tăng thu nhập, đòi hỏi chất lượng công việc phải được nâng lên, phải thực hiện tinh giản biên chế, cải cách hành chính… song cán bộ cấp phường xã đang rất mong chờ vì hiện nay thu nhập của CBCC phường xã rất thấp. Một số em vừa tốt nghiệp đại học, có trình độ, năng lực chúng tôi rất cần và đã tuyển dụng được nhưng khi có việc làm mới là nộp đơn xin nghỉ việc. Tôi về phường công tác chưa lâu phải giải quyết cho 5 trường hợp nghỉ việc như vậy”, bà Yến cho hay.
Chủ tịch UBND một số phường cũng phản ánh CBCC đang rất hân hoan với việc tăng thu nhập theo NQ 54. Ông Trương Thái Ngọc, Chủ tịch UBND xã Bình Lợi (huyện Bình Chánh) phản ánh công an viên ở xã nộp đơn xin thôi việc rất nhiều do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân thu nhập quá thấp, trong khi quy định hiện nay chưa cho phép tuyển dụng nên công an viên xã hiện nay rất thiếu, khó đảm bảo an ninh trật tự khu vực vùng ven.
Theo Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan, TPHCM hiện có 322 phường, xã, thị trấn với hơn 12.000 CBCC, trong đó hơn 60% có trình độ đại học, trên đại học. 25% Chủ tịch UBND phường xã là nữ.
“Sắp tới HĐND TPHCM sẽ có kỳ họp bất thường để xem xét việc triển khai NQ 54 về tăng thu nhập cho CBCC. Nhà tôi cũng có bà chủ tịch, công việc có khi nhiều hơn tôi, phải đi sớm, về muộn”, ông Hoan chia sẻ.
Không phải CBCC nào cũng được tăng thu nhập
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, để triển khai thực hiện NQ 54, UBND TPHCM đã xây dựng 21 đề án, trong đó có 4 đề án dự kiến sẽ trình HĐND TPHCM xem xét, quyết định trong kỳ họp tới. Đầu tuần sau, thường trực UBND TPHCM sẽ nghe báo cáo, chuyển dự thảo đề án cho Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM phản biện rồi mới trình HĐND.
“Phí đỗ xe hiện quá thấp, thành phố phải tính toán lại, thu phí đỗ xe theo giờ. Thành phố sẽ tăng phí xử lý nước thải công nghiệp để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý, giảm xả thải ra môi trường. TPHCM cũng đang xem xét việc tăng phí để thu hút nhân tài”, ông Tuyến nói.
Đối với việc tăng thu nhập cho các bộ công chức, ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết TPHCM được phép tăng 1,8 lần so với hiện nay và UBND TPHCM đã tham mưu Thành ủy thực hiện theo lộ trình 3 năm; năm đầu (2018) sẽ tăng thu nhập 0,6 lần, năm kế tiếp (2019) tăng thêm 0,6 và trong năm 2020 tăng 0,6 lần.
“Phải tăng thu được mới đảm bảo chi. TPHCM tăng thu nhập từ các nguồn tiết kiệm được như bỏ xe công, bảo vệ…”, ông Tuyến cho hay.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết năm 2017, văn phòng UBND TPHCM tiết kiệm được 2,3 tỷ đồng nhờ ứng dụng khoa học công nghệ và khi TPHCM triển khai NQ54, không phải CBCC nào cũng được tăng thu nhập.
Ông Phong nói chỉ tiêu trong năm 2018 đặt ra là kinh tế TPHCM phải đạt tốc độ tăng trưởng từ 8,3 – 8,5%. Với chỉ tiêu thu ngân sách được giao là 376.000 tỷ đồng, nếu không kể chủ nhật, mỗi ngày TPHCM phải thu 1.204 tỷ đồng. Đây là một nhiệm vụ rất nặng nề.
“Thành phố đang tập trung thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù theo NQ 54. Nghị quyết cho phép thí điểm trong 5 năm, phải gấp rút triển khai. 21 đề án, công việc phải kết thúc trong tháng 6/2018. Nếu làm trễ, TPHCM sẽ mất cơ hội, chúng ta sẽ có lỗi với người dân thành phố và cả nước”, ông Phong nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định việc nâng cao thu nhập cho đội ngũ CBCC sẽ căn cứ vào hiệu quả công việc. “Công việc không hiệu quả đừng nên nghĩ đến việc tăng thu nhập”, ông Phong nhấn mạnh.