> Cần làm thiết thực hơn trong cải cách hành chính
Người dân làm thủ tục tại Chi cục thuế. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố về xây dựng Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011-2020, tổ chức ngày 5-4.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn, mặc dù đã có kết quả tiến bộ trong CCHC 10 năm qua, nhưng tốc độ CCHC còn chậm, chưa đạt được mục tiêu chung đặt ra là: “Đến năm 2010 xây dựng được một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại”. Đó là, hệ thống thể chế còn thiếu đồng bộ, thống nhất, vẫn còn chồng chéo, nhiều về số lượng nhưng chất lượng còn hạn chế.
"Tệ cửa quyền, quan liêu, tham nhũng vẫn còn, tính công khai, minh bạch của nền hành chính còn nhiều thách thức, một bộ phận cán bộ, công chức suy giảm lý tưởng, lối sống và vi phạm đạo đức công vụ, gây bất bình trong nhân dân." - Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn. |
Sau 10 năm cải cách, số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ từ 48 đã giảm xuống còn 30, các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh từ 19-27 đầu mối xuống còn 17-20 và cơ quan chuyên môn cấp huyện từ 12-15 đầu mối xuống chỉ còn 12-13.
Tuy nhiên, “giảm đầu mối trực thuộc Chính phủ, nhưng bộ máy bên trong các bộ lại chưa giảm. Bộ máy chính quyền địa phương chưa ổn định, chưa có quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp. Công tác kiểm tra sau phân cấp còn buông lỏng”- Ông Tuấn nói.
Bộ trưởng Trần Văn Tuấn cho biết, mục tiêu đến năm 2020, cơ cấu tổ chức của Chính phủ và các bộ, ngành sẽ gọn nhẹ, hợp lý, hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.
Chính quyền địa phương các cấp được tổ chức hợp lý, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và tổ chức bộ máy chính quyền ở đô thị và nông thôn. Mục tiêu là giảm hợp lý số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ, số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện so với hiện nay.
Đặc biệt, sẽ tiếp tục đổi mới phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước; sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính phải đạt mức trên 80% vào năm 2020; sự hài lòng của cá nhân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trên các lĩnh vực giáo dục, y tế phải đạt mức trên 70%.
Nhà nước sẽ tập trung nguồn lực ưu tiên cho cải cách tiền lương, chế độ bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công. “Đến năm 2020, tiền lương của cán bộ, công chức được cải cách cơ bản, bảo đảm được cuộc sống của cán bộ, công chức và gia đình ở mức trung bình khá trong xã hội” - Ông Tuấn cho biết.
Giải quyết vướng mắc về đất đai
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng kiến nghị, phải chuyển nền hành chính từ “cai trị” sang “phục vụ”. Chính bởi suy nghĩ “cai trị” nên mới có những cán bộ quan liêu, hách dịch. Muốn thay đổi thì, đầu tiên người cán bộ phải là công bộc của dân. Đi liền đó, cuộc sống của cán bộ, công chức và gia đình phải ở mức khá trong xã hội, chứ không nên để là “trung bình khá” như đề xuất của Bộ Nội vụ.
Thứ trưởng Nội vụ Trần Hữu Thắng đồng tình phải cải cách mạnh mẽ chính sách tiền lương, nếu không người giỏi sẽ rời bỏ khu vực nhà nước. Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Hiếu cũng cho biết, chính sách tiền lương chưa tạo được động lực, nên cán bộ dao động, có xu hướng dịch chuyển về những thành phố lớn.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, 10 năm qua, công tác CCHC đã đạt kết quả tích cực, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước. Tuy nhiên, so với mục tiêu tổng quát đề ra, chương trình chưa đạt yêu cầu.
Về nhiệm vụ sắp tới, Thủ tướng lưu ý, cải cách thể chế là rất quan trọng. Trong điều hành của Chính phủ đang vướng vấn đề đất đai. Do vậy, cần rà lại Luật Đất đai, các nghị định của Chính phủ, làm rõ vấn đề sở hữu, quyền của người sử dụng đất, của nhà nước... Hay vấn đề hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, phải xem thể chế vướng ở đâu để khắc phục.
Thủ tướng cho rằng, thủ tục đầu tư xây dưng cơ bản còn vướng mắc. “Một dự án bất động sản từ khi xin phép đến khi làm được nhanh cũng phải 3 năm, có nơi mất 5 năm”- Thủ tướng nói. Ngoài ra, tổ chức bộ máy phải thông suốt, kỷ luật, kỷ cương. Làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của tất cả các tổ chức trong hệ thống từ trung ương tới cơ sở.
Thủ tướng yêu cầu làm rõ tiêu chuẩn, chức danh của từng vị trí, từng cán bộ. Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành cần xây dựng Bộ Tiêu chuẩn về chức danh cán bộ cho từng lĩnh vực, cơ quan. Thủ tướng cho biết, trong thời gian tới, nhà nước sẽ giảm chi đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư cho doanh nghiệp nhà nước để dành nguồn ngân sách thỏa đáng đầu tư cho con người...
Quá nhiều thứ trưởng “Số lượng thứ trưởng thuộc các bộ hiện quá nhiều so với quy định của Chính phủ. Mỗi bộ, cơ quan ngang bộ không quá 4 thứ trưởng và tương đương, nhưng thực tế có những bộ như: NN&PTNT, Công Thương có tới 10 thứ trưởng; Bộ TN&MT, Ngoại giao, Tài chính có tới 7 thứ trưởng; Bộ Xây dựng, Nội vụ, Văn phòng Chính phủ có 6 thứ trưởng”. |