Tăng nợ xấu ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nợ xấu ngân hàng được đánh giá tăng nhanh. Chuyên gia cho rằng, nhiều ngân hàng vẫn gặp vướng trong quá trình xử lý tài sản làm ảnh hưởng đến quá trình khắc phục nợ xấu.

Theo kết quả công bố kết quả kinh doanh quý III năm nay của một số ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu có nhiều biến động.

Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng thương mại cổ phần Kiên Long (KienlongBank) tăng từ mức 1,93% hồi đầu năm lên 1,94% vào cuối tháng 9. Tại ACB, tổng nợ xấu đã tăng lên 8.274 tỷ đồng vào cuối quý III. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ vay của ngân hàng theo đó tăng từ mức 1,22% đầu năm lên 1,5% vào cuối tháng 9. Với SaigonBank, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9 ở mức 2,2%.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng là 4,55%, gần bằng mức cuối năm 2023 nhưng tăng so với mức 2% của năm 2022.

Tăng nợ xấu ngân hàng ảnh 1

Nợ xấu nhiều ngân hàng tăng cao.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - cho biết, ngành ngân hàng còn đối diện nhiều thách thức, trong đó nổi lên là vấn đề nợ xấu. Theo đó, các tổ chức tín dụng đang phải đối diện với nợ xấu tiềm ẩn rủi ro trong bối cảnh Nghị quyết 42 hết hiệu lực (cuối năm 2023), công tác thu hồi nợ xấu gặp nhiều khó khăn.

“Nhiều khách hàng thiếu hợp tác, tổ chức tín dụng không được quyền thu giữ tài sản, cá biệt có khách hàng cố tình không trả nợ… điều này ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng”, ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Hữu Huân - chuyên gia kinh tế Trường đại học Kinh tế TP HCM - nhìn nhận, đến ngày 7/12, tín dụng tăng 12,5% và để đạt được mục tiêu 15% không quá khó, song việc giải ngân ồ ạt trong thời gian ngắn cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo ông Huân, không thể tính chính xác nợ xấu thực tế tại các ngân hàng hiện nay, nhưng chắc chắn cao hơn số liệu công bố. Khi Thông tư 02 về cơ cấu nợ hết hiệu lực (ngày 30/6/2024) thì nợ xấu tăng cao, buộc các ngân hàng phải gia tăng trích dự phòng rủi ro.

Một chuyên gia tài chính khác cũng cho hay, nếu để chạy đua chỉ tiêu mà các ngân hàng nới lỏng tiêu chuẩn cấp tín dụng, các khoản vay có thể tiềm ẩn rủi ro, nhất là trong các lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản, chứng khoán...

Hoặc nếu dòng vốn tín dụng tập trung quá mức vào các lĩnh vực tiêu dùng hoặc đầu cơ, có thể đẩy giá cả leo thang, gây áp lực lên mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ. Để tín dụng thực sự trở thành động lực, điều cần nhất là chất lượng tín dụng và kiểm soát nợ xấu.

Trong báo cáo vừa công bố của Chứng khoán ACBS cho rằng, nợ xấu đã đạt đỉnh và dự báo giảm vào năm sau. Về nợ xấu, mặc dù vẫn tăng nhẹ trong 2 quý liên tiếp, có dấu hiệu cho thấy nợ xấu dường như đã tạo đỉnh và có thể cải thiện trong năm 2025.

Nhìn chung, thời điểm khó khăn nhất đã qua và tỷ lệ nợ xấu năm 2025 của các ngân hàng trong danh mục phân tích dự báo giảm xuống 1,5% từ mức 1,6% năm 2024. Tuy nhiên, việc trích lập dự phòng ở mức tương đối thấp trong giai đoạn 2023 - 2024 khiến áp lực trích lập dự phòng trong năm 2025 vẫn sẽ ở mức cao.

MỚI - NÓNG