Tăng năng suất cà phê lên gấp đôi, nhiều hộ ở Tân Thượng thoát nghèo

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Việc tái canh cà phê khiến năng suất tăng cao, nhờ vậy mà một xã có hơn 76% cư dân là đồng bào dân tộc thiếu số như Tân Thượng vẫn đảm bảo chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm từ 2%-3%.
Tăng năng suất cà phê lên gấp đôi, nhiều hộ ở Tân Thượng thoát nghèo ảnh 1

Cà phê giống mới cho quả trĩu cành

Số liệu thống kê của UBND xã Tân Thượng (huyện Di Linh, Lâm Đồng) cho thấy hiện xã có khoảng 1.350 hộ với hơn 5.800 nhân khẩu, đa số là người K’Ho.

Trong tổng số diện tích hơn 3.200 ha cà phê của xã, đến nay, Tân Thượng đã tái canh được gần 1.500 ha. Sau khi tái canh, năng suất cà phê tăng vọt từ 2 tấn/ha lên từ 3 - 5 tấn/ha. Tiêu biểu như các hộ K’Jổi, K’Năm… thu hàng chục tấn cà phê/năm.

Để khuyến khích các hộ nghèo và cận nghèo tái canh cà phê, các cơ quan chức năng ở địa phương đã tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, kiểm soát dịch bệnh gây hại; đồng thời hướng dẫn các nông hộ chọn lựa những giống cà phê có năng suất cao.

Ông Vũ Văn Ninh, Bí thư Đảng ủy xã Tân Thượng cho biết xã cũng khuyến khích các hộ xây dựng mô hình kinh tế mới theo hướng chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng bền vững: Đa cây, đa con thay vì độc canh cây cà phê. Các hộ nghèo chuyển diện tích cà phê già cỗi sang trồng những loại cây khác như chè, dâu tằm sẽ được địa phương hỗ trợ từ 5 - 7 triệu đồng/hộ.

Từ số tiền 5 triệu đồng được hỗ trợ, gia đình ông K’Xéo (Thôn 3) đã đầu tư cây giống để trồng dâu tằm; mua, nong, né để nuôi tằm. "Gần 2 năm nay, chúng tôi có thêm nguồn thu ổn định hàng tháng từ việc nuôi tằm, không phải đi vay tiền nữa”, ông tâm sự.

Xã còn khảo sát nhu cầu hỗ trợ sinh kế của người dân, đề nghị huyện Di Linh và tỉnh Lâm Đồng trích nguồn vốn từ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số… để hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.

Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể trong xã cũng phối hợp triển khai các mô hình phát triển kinh tế do hội cấp trên phát động, hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, hộ khó khăn về vốn, nhà ở, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp…

Hiệu quả của các chương trình hỗ trợ nói trên đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm; một số hộ cận nghèo vươn lên cuộc sống khá giả.

MỚI - NÓNG