Tăng mức phạt vi phạm giao thông, chống 'chung chi' thế nào?

TP - Việc xử lý vi phạm cần được kiểm soát để tránh “chung chi” giữa người vi phạm và cơ quan xử lý.

Việc Chính phủ vừa ban hành Nghị định 100 trong đó có nâng mức xử phạt nhiều hành vi vi phạm an toàn giao thông lên cao nhiều lần với trước đây, được nhiều chuyên gia giao thông ủng hộ. Các ý kiến cho rằng, đây là biện pháp hữu hiệu, mang tính răn đe, vừa đánh mạnh vào túi tiền của người vi phạm để nâng cao ý nghĩa giáo dục.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, việc xử lý vi phạm cần được kiểm soát để tránh “chung chi” giữa người vi phạm và cơ quan xử lý có thể xảy ra. Với mức xử phạt cao gấp nhiều lần trước đây, người vi phạm vì muốn “giải quyết nhanh” khỏi phải đi lại làm thủ tục nhiều lần và cũng được giảm tiền, còn người xử lý vi phạm có tiền bồi dưỡng thêm từ bên ngoài.

Do vậy, việc xử phạt của lực lượng chức năng trên đường cần có sự giám sát thường xuyên của cơ quan chuyên trách như Thanh tra công vụ, Thanh tra nhân dân và cả người dân, người tham gia giao thông.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, việc tăng mức xử phạt vi phạm giao thông trước đây đã từng được thí điểm bằng Nghị định 34 tại 2 thành phố Hà Nội và TPHCM.

Tuy nhiên khi thực hiện nghị định này trong các năm 2009 - 2010 tai nạn, vi phạm và ùn tắc giao thông tại hai thành phố này dường như ít có sự chuyển biến, sau đó Chính phủ đã dừng thí điểm. Nay nghị định 100 áp dụng rộng trên cả nước, ngoài việc thực hiện của lực lượng chức năng cần có thêm sự giám sát, kiểm tra thường xuyên của cơ quan chuyên trách.

Bị tước giấy phép 2 năm,  tài xế phải sát hạch lại

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, với chế tài tước giấy phép 2 năm, tài xế gần như phải thi sát hạch lại để được cấp giấy phép lái xe. “Vì trong quy định cấp, đổi giấy phép lái xe hiện nay, nếu tài xế bị tước bằng 6 tháng, đồng nghĩa trong 6 tháng này tài xế sẽ không được điều khiển phương tiện. Để được lái xe trở lại như trước tài xế buộc phải đi thực hành và sát hạch trở lại”, đại diện Sở GTVT Hà Nội nhấn mạnh.

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 2/1, ông Lê Xuân Tiến, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong thời gian qua Sở GTVT đã có kế hoạch phối hợp với liên ngành kiểm tra chất gây nghiện, qua đó đã phát hiện một số trường hợp tài xế dương tính với chất gây nghiện. Cụ thể, tính đến hết tháng 12 các tổ công tác liên ngành (gồm Thanh tra - Công an - Y tế) đã kiểm tra nồng độ cồn hơn 1.700 lượt lái xe; xét nghiệm kiểm tra ma túy đối với hơn 2.000 lái xe. “Qua công tác này đã phát hiện 12 lái xe sử dụng, dương tính với chất ma túy”, ông Tiến nói.

MỚI - NÓNG