> Đồng ý tăng lương cơ bản
> Lương tăng, giá vẫn ổn định
Chủ trọ dọa tăng giá
Kim Chung và Vân Nội (huyện Đông Anh-Hà Nội)) là hai xã tập trung nhiều công nhân thuê trọ. Các công nhân thuê trọ ở đây chủ yếu làm việc cho các Cty nước ngoài đóng tại KCN Thăng Long. Chị Lương Thị Hồng (Tam Dương, Phú Thọ) hiện đang làm việc tại Cty Panasonic với mức lương 4,3 triệu đồng/tháng (gồm lương cơ bản và các khoản phụ cấp).
Hồng cho biết, bắt đầu từ tháng 10 này, Cty Panasonic bắt đầu tăng lương cơ bản thêm 400 ngàn đồng/tháng cho công nhân. Hồng và người bạn cùng phòng làm việc theo kíp, mỗi kíp từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối.
“Được tăng lương thì ai cũng mừng nhưng cứ mỗi lần tăng lương, bọn em lại lo âu thắc thỏm. Lo vì tiền thuê nhà, điện, nước, thức ăn, đồ uống... sẽ tăng theo” - Hồng nói.
Hồng cho biết, mấy ngày qua, nghe tin công nhân được tăng lương, bà chủ nhà đã bắt đầu đánh tiếng đòi tăng giá thuê phòng từ 500 nghìn lên 700 nghìn/tháng”.
Khi hỏi đến chuyện Cty đã tăng lương hay chưa, Hà Thị Thương (Tam Nông, Phú Thọ) rầu rĩ nói, mức lương tối thiểu hiện được Cty Daiwa đã cao hơn quy định của Nhà nước nên tổng lương chắc sẽ không thay đổi. Hiện, ngoài lương tối thiểu gần 2,5 triệu đồng/tháng, Cty trả thêm gần 500 nghìn tiền phụ cấp xăng xe, phụ cấp chuyên cần cho công nhân.
“Nói là công nhân được tăng lương nhưng đâu có thấy. Cứ mỗi lần tăng lương là bọn em bị vạ lây vì giá cả leo thang chóng mặt, giá thuê phòng tăng” - Thương nói.
Nghe tin công nhân được tăng lương, sáng 6-10, nhiều thanh niên đổ xô đến tìm hiểu thông tin tuyển dụng tại bảng tin KCN Thăng Long. Tuy nhiên, sau khi xem mức lương, nhiều người thất vọng ra về. Phạm Hồng Tuấn (23 tuổi, Na Hang, Tuyên Quang) cho biết, đã học xong nghề lái xe nhưng ở Na Hang không ai thuê nên khi nghe tin công nhân được tăng lương, vội vàng bắt xe xuống Hà Nội để tìm cơ hội.
“Em đọc mãi nhưng Cty nào cũng thông báo mức lương chỉ nhỉnh hơn lương cơ bản tí xíu. Mức lương đó thì không thể đủ trang trải chi phí thuê nhà, tiền ăn, ở lại Hà Nội” - Tuấn nói.
Tăng lương chưa theo kịp tăng giá
Cty cổ phần May Bắc Giang, hiện có 9 nghìn công nhân cũng đang tính mức lương trung bình 2 triệu đồng/tháng đối với công nhân mới (cao hơn gần 500 nghìn đồng/tháng so với mức lương tối thiểu do nhà nước áp dụng từ 1-10 đối với các DN vùng III), chưa kể các chi phí khác.
Ông Nguyễn Hữu Phải, Giám đốc Cty cổ phần May Bắc Giang cho biết: Nếu không có chế độ lương, thưởng hợp lý sẽ khó giữ chân công nhân nên việc tăng lương tối thiểu đã được DN áp dụng từ lâu. Hiện nay, mức lương tối thiểu do nhà nước áp dụng từ 1-10 vẫn thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và khó có thể bảo đảm đời sống cho người lao động.
Tại Đồng Nai, nơi tập trung lượng công nhân lớn nhất nhì các tỉnh phía Nam, khá nhiều doanh nghiệp đã thực hiện tăng lương cho công nhân. Chị Nguyễn Thị Lý làm việc tại Cty Pouchen nhẩm tính với mức lương 3.66 hiện nay lương chị tăng thêm mỗi tháng hơn 700 ngàn đồng. Chị cho biết: “Dù sao mỗi tháng cũng được thêm ít nuôi con”.
Tuy nhiên phần đông các công nhân đều không có thâm niên cao nên việc tăng lương tính ra cũng chỉ được vài ba trăm ngàn đồng tháng.
Chị Phạm Thị Nam làm việc tại Cty Taiwang VN cho rằng: “Từ hơn 1 năm nay giá cả đã tăng nhiều rồi, nên tăng thêm được mấy trăm ngàn cũng chẳng hơn là bao, chỉ sợ nghe lương tăng một thì giá cả ngoài chợ đã tăng lên mười”.
Theo Sở Lao động và Thương binh xã hội (LĐ-TBXH) Đồng Nai các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đều thực hiện đúng quy định về tăng lương của Chính phủ, thậm chí từ tháng 8, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tăng lương, để giữ chân người lao động.
Ông Trần Ngọc Hoàng, Trưởng phòng Chính sách lao động, Sở LĐ-TBXH Đồng Nai cho biết: “Việc điều chỉnh lương đã thành thói quen trong doanh nghiệp, thậm chí có doanh nghiệp còn tăng cao hơn mức lương tối thiểu quy định.
Tại Đồng Nai mức tính lương được chuyển từ vùng 2 sang vùng 1 nên người lao động cũng được hưởng thêm quyền lợi”. Cũng theo nhận định của ông Hoàng thì việc tăng lương hiện nay đối với người lao động vẫn không cải thiện được nhiều hơn đời sống của công nhân.