Tăng lương tối thiểu 6%: Nơi bảo phù hợp, chỗ nói chưa hài lòng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau khi Hội đồng Tiền lương quốc gia bỏ phiếu thông qua phương án khuyến nghị Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% từ ngày 1/7/2024, các bên đại diện cho người lao động, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước đã có những đánh giá về kết quả này.

Đại diện cho người lao động trong Hội đồng Tiền lương quốc gia là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại diện cho doanh nghiệp là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện cơ quan nhà nước có Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Tăng lương tối thiểu 6%: Nơi bảo phù hợp, chỗ nói chưa hài lòng ảnh 1

Hội đồng Tiền lương quốc gia thông qua phương án tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2024 thêm 6% so với hiện hành.

Về phía đại diện người lao động, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - nhìn nhận: Mức tăng lương tối thiểu thêm 6% vào năm tới là phù hợp bối cảnh, có sự chia sẻ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Mức tăng này cũng cơ bản đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

Theo ông Hiểu, năm 2024 kinh tế - xã hội còn khó khăn và khó đoán định. Sau tăng lương, tổ chức công đoàn sẽ tiếp tục động viên người lao động tăng năng suất, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó. Các doanh nghiệp cũng cần nỗ lực vượt khó, tạo thêm việc làm cho người lao động.

Phía đại diện doanh nghiệp, Phó Chủ tịch VCCI - Hoàng Quang Phòng - lại chưa “hài lòng” với mức tăng này, bởi doanh nghiệp đang rất khó khăn, mức tăng 6% còn hơi cao. Tuy nhiên, Hội đồng Tiền lương hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận đa số nên mức tăng vẫn được thông qua.

“Chúng tôi cũng sẽ yêu cầu doanh nghiệp tuân thủ và chấp hành nghiêm mức tăng lương đã được thông qua. Đây cũng là sự cảm thông, chia sẻ giữa người sử dụng lao động với người lao động, trên tình thần lợi ích hài hòa và rủi ro chia sẻ”, ông Phòng nói.

Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh - Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia - cho biết, tại phiên họp, các thành viên hội đồng đánh giá, năm 2024, tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, biến động khó lường. Tác động của kinh tế thế giới tới Việt Nam là không nhỏ.

“Trên cơ sở chia sẻ khó khăn giữa người sử dụng lao động và người lao động, hội đồng thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% để khuyến nghị Chính phủ. Đây là mức tăng hài hoà giữa các bên, có sự chia sẻ, được tất cả thành viên hội đồng thông qua”, ông Thanh nói.

Được biết, tại phiên họp lần thứ 2 của Hội đồng Tiền lương, phía Tổng Liên đoàn Lao động kiến nghị mức tăng lương tối thiểu từ 4,8 - 7,3%; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề xuất tăng 4 - 5%; bộ phận kỹ thuật của hội đồng đưa ra 3 phương án là tăng 4%, 5% hoặc 6%. Sau nửa ngày thảo luận, hội đồng thông qua phương án tăng 6% cho cả lương tối thiểu áp dụng theo tháng và theo giờ.

Nếu được Chính phủ thông qua, lương tối thiểu vùng sẽ tăng 6% từ ngày 1/7/2024. Sau điều chỉnh, mức lương tối thiểu Vùng I tăng lên 4,96 triệu đồng/tháng (tăng 280.000 đồng/tháng so với lương hiện hành); Vùng II tăng lên 4,41 triệu đồng/tháng (tăng 250.000 đồng); Vùng III tăng lên 3,86 triệu đồng/tháng (tăng 220.000 đồng); Vùng IV lên 3,45 triệu đồng/tháng (tăng 200.000 đồng).

Lương tối thiểu vùng theo giờ cũng được Hội đồng thống nhất khuyến nghị tăng 6% vào cùng thời điểm. Cụ thể, vùng I tăng từ 22.500 đồng/giờ lên 23.800 đồng/giờ; Vùng II tăng từ 20.000 đồng lên 21.200 đồng/giờ; Vùng III tăng từ 17.500 đồng lên 18.600 đồng/giờ; Vùng IV tăng từ 15.600 đồng lên 16.600 đồng/giờ.

MỚI - NÓNG