Giảm năm đóng BHXH để có lương vẫn tăng tuổi nghỉ hưu có mâu thuẫn?

0:00 / 0:00
0:00
Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đề xuất giảm năm đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) để có lương hưu từ 20 năm đóng xuống 15 năm, và định hướng còn 10 năm, nhưng tuổi nghỉ hưu lại tăng lên 62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ. Một số ý kiến cho rằng, các phương án trên đang mâu thuẫn nhau, cơ quan soạn thảo luật đã có những giải trình về nội dung này.

Góp ý cho Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, giảm điều kiện năm đóng BHXH để có lương hưu xuống 15 năm, thậm chí 10 năm là phù hợp, tốt cho người lao động. Tuy nhiên, giảm năm đóng sẽ có nhiều người nhận lương hưu mức thấp, nên cần xem xét kỹ nội dung này trong dự luật, bổ sung trợ cấp, phụ cấp để người nhận lương hưu thấp đảm bảo cuộc sống.

Cũng có đại biểu đề nghị xem xét sự mâu thuẫn giữa việc giảm điều kiện hưởng lương hưu xuống 15 năm, nhưng tuổi nghỉ hưu tăng lên 60 tuổi với nữ và 62 tuổi với nam. Cùng đó, bổ sung quy định cho phép người đóng BHXH vượt trần nhận lương hưu tối đa (trên 30 năm đóng BHXH với nữ và 35 năm đóng với nam) nếu còn tuổi làm việc nhưng có yêu cầu được nghỉ hưu sớm và không bị trì tỷ lệ hưởng lương hưu.

Giảm năm đóng BHXH để có lương vẫn tăng tuổi nghỉ hưu có mâu thuẫn? ảnh 1

Bộ LĐ-TB&XH bảo lưu quan điểm nghỉ hưu trước tuổi phải bị giảm trừ tỷ lệ nhận lương hưu. Ảnh minh hoạ.

Giải trình làm rõ hơn các ý kiến góp ý trên, Bộ LĐ-TB&XH (cơ quan chủ trì soạn thảo luật) cho rằng: Theo pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế, để hưởng lương hưu hằng tháng, người lao động phải đạt 2 điều kiện là tới tuổi nghỉ hưu và đủ thời gian đóng BHXH tối thiểu.

Riêng điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu, Luật BHXH hiện hành phải đủ 20 năm đóng. Quy định hiện hành đã gây khó khăn, giảm cơ hội được hưởng lương hưu của những người đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng thời gian đóng chưa đủ 20 năm.

Quá trình thực hiện Luật BHXH năm 2014 cho thấy, có trên 476.000 người hưởng BHXH một lần đã có thời gian tham gia BHXH trên 10 năm với độ tuổi từ 40 tuổi trở lên; trên 53.000 người đến tuổi nghỉ hưu chưa đủ 20 năm đóng BHXH đã chọn hưởng BHXH một lần; có trên 20.000 người đến tuổi nghỉ hưu, chưa đủ thời gian đóng BHXH phải đóng một lần cho thời gian còn thiếu để hưởng lương hưu.

Với thực tế trên, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, việc quy định giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm nhằm: Tạo điều kiện cho người lao động có thời gian đóng BHXH ngắn nêu trên từ chỗ không có lương hưu, không có bảo hiểm y tế cũng có cơ hội được hưởng khu đủ tuổi. Quy định này cũng góp phần giảm số người hưởng BHXH một lần do không đủ điều kiện hưởng lương hưu. Đối với người lao động có thời gian đóng BHXH dài hơn thì vẫn được hưởng lương hưu cao hơn.

Về giảm năm đóng tối thiểu sẽ có những người nhận lương hưu thấp, cơ quan soạn thảo dự luật nêu quan điểm, nguyên tắc của BHXH là mức hưởng được tính trên cơ sở mức đóng và thời gian đóng, có tính tới sự chia sẻ của những người tham gia. Do đó, mức đóng thấp, thời gian ngắn sẽ có mức hưởng thấp và ngược lại.

Thời gian qua, cùng với các đợt tăng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng, Chính phủ đều áp dụng tăng thêm mức hưởng cho người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp.

Một số đại biểu cũng kiến nghị áp dụng nghỉ hưu sớm với giáo viên mầm non, nhóm lao động nặng nhọc; không bắt buộc phải giám định sức khoẻ do thủ tục phức tạp và nghỉ sớm đều đã bị trừ tỷ lệ hưởng; cho phép người lao động có thời gian đóng BHXH từ 30 năm trở lên với nữ và từ 35 năm trở lên với nam khi có yêu cầu được nghỉ hưu sớm và không bị trừ tỷ lệ hưởng…

Bộ LĐ-TB&XH cho rằng: Thông lệ quốc tế và quy định hiện hành đều áp dụng điều kiện nhận chế độ hưu trí là đủ tuổi nghỉ hưu và số năm đóng BHXH. Thông thường, người nghỉ hưu sớm có thời gian hưởng chế độ dài hơn những người nghỉ đúng tuổi, nên giảm tỷ lệ hưởng. Quy định này đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa thời gian đóng góp và thời gian thụ hưởng chế độ BHXH của người lao động, từ đó đảm bảo an toàn và cân đối quỹ BHXH trong dài hạn; công bằng giữa người nghỉ trước và người nghỉ đúng tuổi.

Với quy định tăng tuổi nghỉ hưu đã được định hướng trong Nghị quyết 28 của Trung ương năm 2018, sau đó được thể chế hoá trong Bộ Luật Lao động năm 2019. Khi xây dựng Bộ Luật Lao động, tuổi nghỉ hưu đã được trao đổi, thảo luận và đánh giá một cách kỹ lưỡng, tổng thể các mặt có liên quan. Chính vì vậy, quan điểm chung trong lần sửa đổi Luật BHXH lần này là kế thừa từ quy định về tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động năm 2019 để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.

Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, luật hiện hành cho phép một số nhóm lao động được nghỉ hưu sớm hơn từ 5-10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung, như: Người lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; hoặc những người lao động sức khỏe yếu (bị suy giảm khả năng lao động).

MỚI - NÓNG