Ùn tắc xe đăng kiểm được dự báo diễn ra từ tháng 12/2023 nếu cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý kịp thời. Ảnh: Như Ý |
Rình rập cảnh ùn tắc từ tháng 12
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Quốc Hoan, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29-03V Hà Nội cho biết, hiện tại, các trung tâm đăng kiểm thưa vắng khách nhưng sẽ có nguy cơ ùn tắc từ tháng 12 khi tới chu kỳ kiểm định của người dân. “Mỗi ngày trung tâm đăng kiểm được 70 ô tô trong khi công suất ước tính lên tới 180 xe/ngày. Từ tháng 12 trở đi khi lượng xe đổ dồn các chu kỳ, trung tâm sẽ quá tải bởi dây chuyền có nhưng thiếu đăng kiểm viên”, ông Hoan nói.
Theo ông Hoan, một số đăng kiểm viên bị khởi tố nhưng đang trong thời gian tại ngoại nên vẫn được huy động làm việc. Tuy nhiên, thời gian tới số lượng đăng kiểm viên này sẽ không còn làm việc tại trung tâm vì phải theo hầu tra. Bên cạnh đó, trung tâm khó tuyển dụng người mới bởi thu nhập đăng kiểm viên hiện nay rất thấp, chỉ 6 triệu đồng/tháng.
Ông Nguyễn Tô An, Cục Phó Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, với việc hàng loạt đăng kiểm viên bị khởi tố, dù Cục liên tục tổ chức các đợt đánh giá, các lớp tập huấn nghiệp vụ, song đến năm 2026 vẫn sẽ chưa thể bù được số đăng kiểm viên bị thiếu hụt.
Theo ông An, nếu không có các giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn, chủ động các giải pháp, nguy cơ tái diễn ùn tắc đăng kiểm xe cơ giới ở các địa phương thời gian tới là hiện hữu.
Thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy, hiện nay trên cả nước có 271/288 trung tâm đăng kiểm với 435/536 dây chuyền kiểm định đang hoạt động. Năng suất kiểm định trung bình một tháng của các trung tâm khoảng 633.600 phương tiện.
Đại diện Cục Đăng kiểm lưu ý, trong 2 tháng cuối năm 2023 sẽ có khoảng 677.802 xe cơ giới đến hạn kiểm định. Cụ thể tháng 11/2023 có 275.853 xe, tháng 12/2023 có 401.949 xe. Tính chung, năng suất kiểm định của hệ thống đăng kiểm vẫn đáp ứng được nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, do việc phân bố mật độ các trung tâm đăng kiểm không đồng đều về mặt địa lý dẫn đến có chỗ thiếu, chỗ thừa nên dự báo trong tháng 12/2023, tại 7 tỉnh, thành phố sẽ xuất hiện nguy cơ ùn tắc tại trung tâm đăng kiểm: Đồng Tháp, Hà Giang, Hà Nội, Kon Tum, Thừa Thiên Huế, TP.HCM và Trà Vinh. Sang năm 2024, liên tiếp các tháng 1, 4, 5, 6, 7, 9, 10, 11 và 12 sẽ có thêm 4 địa phương khác cũng gặp nguy cơ trên.
“Thời gian tới, nhiều trung tâm đăng kiểm sẽ bị tạm dừng hoạt động do các đăng kiểm viên bị khởi tố được đưa ra xét xử. Khi có bản án họ sẽ bị thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên. Cứ một trung tâm đăng kiểm có 2 đăng kiểm viên bị thu hồi chứng chỉ trong 12 tháng sẽ bị tạm dừng hoạt động 3 tháng. Điều này sẽ tạo nguy cơ lớn và khiến 31 tỉnh, thành phố rơi vào tình trạng quá tải đăng kiểm”, ông An nói.
Mức giá dịch vụ đăng kiểm được đề xuất tăng ở mức cao
Ô tô dưới 10 chỗ ngồi: 320.000 đồng/lần đăng kiểm (tăng 70.000 đồng/lần so với hiện hành); Xe từ 10-24 chỗ ngồi và xe tải dưới 2 tấn: 370.000 đồng/lần (tăng 80.000 đồng); Xe từ 25-40 chỗ ngồi, xe tải 2-7 tấn: 420.000 đồng/lần (tăng 90.000 đồng); Xe trên 40 chỗ, xe buýt, xe tải từ 7-20 tấn, đầu kéo dưới 2 tấn: 460.000 đồng/lần (tăng 100.000 đồng); Máy kéo, xe chở hàng 4 bánh gắn động cơ: 240.000 đồng/lần; xe tải và đầu kéo trên 20 tấn là 730.000 đồng/lần (tăng 160.000 đồng).
Đề xuất tăng phí dịch vụ, tăng thu nhập đăng kiểm viên
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội ô tô vận tải Việt Nam kiến nghị: “Để đáp ứng nhu cầu kiểm định xe cơ giới trong thời điểm hiện nay, hiệp hội đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo khẩn trương điều chỉnh giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới trong thời gian sớm nhất để tạo điều kiện thực hiện các giải pháp cơ bản, đáp ứng nhu cầu kiểm định xe cơ giới một cách kịp thời”.
Theo ông Quyền, giá kiểm định xe cơ giới hiện hành đã ban hành từ năm 2013, qua hơn 10 năm áp dụng đến nay không còn phù hợp khi mà chi phí đầu vào đều tăng cao như: tiền lương, tiền điện.
Để đáp ứng nhu cầu kiểm định trong dịp cuối năm, các đơn vị kiểm định cần phải bố trí nhân sự làm thêm giờ, làm thêm ngày thứ Bảy, Chủ nhật và phải trả lương tăng thêm theo quy định. Để khôi phục năng lực kiểm định theo công suất của các trung tâm đăng kiểm, vấn đề nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đồng thời phải có sự cải thiện về thu nhập cho người lao động. Ngoài ra, khi giá kiểm định tăng sẽ thu hút nhiều trung tâm đăng kiểm mở thêm để đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. “Bộ GTVT có thể điều chỉnh giá được ngay thay vì chờ Luật Giá sang năm mới ban hành”, ông Quyền nói.
Về giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới, ông Nguyễn Tô An, Cục phó Cục Đăng kiểm cho biết thêm, hiện tại cục này đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ sớm ban hành nghị định cho phép Bộ GTVT ban hành giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới đang lưu hành ở giá tối đa. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT sẽ ban hành thông tư điều chỉnh mức giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới đang lưu hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho các trung tâm đăng kiểm hiện nay.
Cục cũng đề xuất Bộ GTVT xem xét nội dung dự thảo thông tư quy định giá dịch vụ lập hồ sơ phương tiện được miễn kiểm định lần đầu và dịch vụ in lại giấy chứng nhận và tem kiểm định để sớm được ban hành. “Cơ quan chức năng phải làm sao nâng được mức thu nhập của đăng kiểm viên mới thu hút được nhân lực trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Bài toán nhân lực là bài toán cốt lõi của ngành đăng kiểm”, ông An nói.