Chương trình Thủ tướng gặp mặt và đối thoại với thanh niên:

Tăng cường nguồn lực và năng lực số cho người trẻ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Gửi ý kiến tâm huyết tới chương trình Thủ tướng gặp mặt và đối thoại với thanh niên, về chủ đề “Phát huy vai trò xung kích của thanh niên tham gia chuyển đổi số quốc gia”, các bạn trẻ đang hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, khởi nghiệp kỳ vọng Chính phủ sẽ nới rộng nguồn lực, tạo điều kiện và đặt hàng người trẻ, nâng cao năng lực số cho người dân.

TS Trịnh Văn Chiến - Quả Cầu Vàng 2023:

Nới rộng nguồn lực để thu hẹp khoảng cách số

Tăng cường nguồn lực và năng lực số cho người trẻ ảnh 1

​Trong 4 nhiệm vụ của mục tiêu phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số (thuộc Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030), tôi và cộng sự nghiên cứu đang trực tiếp tham gia vào nhiệm vụ phổ cập dịch vụ mạng di động 5G/6G. Trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu cấp cơ sở về “Tối ưu tài nguyên mạng truyền thông không dây 6G chỉ sử dụng một phần thông tin kênh truyền”, tôi nhận thấy, mạng 5G/6G là các thế hệ mạng mới có tính kế thừa ở mỗi quốc gia. Đặt trong bối cảnh thực tế ở Việt Nam, chúng tôi cần dựa trên hạ tầng của mạng 3G, 4G để nghiên cứu sao cho có hiệu quả ứng dụng cao nhất. Nếu để nhà nghiên cứu tự đi tìm hiểu, hay thu thập dữ liệu thực tế sử dụng của người dân trên cả nước để cải tiến các ứng dụng là một nhiệm vụ bất khả thi.

Muốn thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tôi mong rằng, Chính phủ sẽ nới rộng nguồn lực để thu hẹp khoảng cách số, định hướng thu hẹp khoảng cách của công trình nghiên cứu tới thực tiễn. Thứ nhất, dành nguồn lực, quản lý kênh phản hồi, tiếp nhận trực tiếp ý kiến của người dân để cung cấp dữ liệu đầu vào (dữ liệu khảo sát) cho nhà nghiên cứu làm cơ sở cải tiến và nâng cao hiệu suất sử dụng của hệ thống bằng các giải pháp hoàn thiện hơn.

Thứ hai, dành nguồn lực tập trung cho một số chính sách, tối giản thủ tục, thúc đẩy hành lang pháp lý, quan tâm quá trình hợp tác, chuyển giao công nghệ giữa trường đại học và doanh nghiệp, hoặc bộ phận doanh nghiệp với viện nghiên cứu. Thứ ba, dành nguồn lực đào tạo, phổ cập kiến thức cơ bản về công nghệ cho nhóm cán bộ, công chức - nhóm đối tượng trực tiếp ứng dụng thành tựu nghiên cứu khoa học.

ThS. Đào Mỹ Hằng - Phó Bí thư Đoàn trường, giảng viên khoa Ngân hàng,Học viện Ngân hàng:

Nâng cao năng lực số của lực lượng hạt nhân

Tăng cường nguồn lực và năng lực số cho người trẻ ảnh 2

Trong quá trình công tác, trao đổi và nghiên cứu về chủ đề ngân hàng - tài chính toàn diện Ấn Độ đầu tháng 3 vừa qua, tôi đã trực tiếp được trải nghiệm giao dịch thanh toán xác thực bằng sinh trắc học (quét vân tay) mà không cần sử dụng điện thoại thông minh hay thẻ ngân hàng. Ngay lúc đó, tôi mong muốn đề xuất tới Chính phủ Việt Nam phương án tối ưu hoạt động ngân hàng số, nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

Đó là việc tích hợp tất cả dữ liệu về các giao dịch tài chính - ngân hàng của từng cá nhân vào hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư. Cụ thể, khi người dân thực hiện mỗi giao dịch tài chính (thanh toán, gửi tiết kiệm, chuyển tiền, vay vốn…), các công nghệ xác thực sinh trắc học kèm công nghệ quét dữ liệu và đối chiếu thông tin tại căn cước công dân, hoặc thông tin từ căn cước công dân gắn chip sẽ nhanh chóng nhận diện được “ID” của người dân, lưu trữ trực tiếp các giao dịch này tại cơ sở dữ liệu của ngân hàng thương mại, trung tâm thông tin tín dụng (CIC) và hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ứng dụng công nghệ trên cho phép người dân có thể giao dịch tài chính ngay cả khi không có tài khoản ngân hàng; giúp tổ chức có được cơ sở dữ liệu về giao dịch tài chính để đánh giá, xếp hạng khách hàng ngay cả khi họ không sử dụng tài khoản ngân hàng để nâng cao chất lượng dịch vụ tài chính.

Để làm được điều đó, tôi cho rằng, Chính phủ và các bộ, ban ngành liên quan cần tiếp tục đầu tư nhiều hơn vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực số của lực lượng hạt nhân, tiệm cận với giải pháp thực hiện trong chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Anh Lê Anh Tiến - CEO Chatbot Việt Nam, Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2019:

Tạo môi trường, tăng đặt hàng người trẻ

Tăng cường nguồn lực và năng lực số cho người trẻ ảnh 3

Là một người trẻ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tôi may mắn hòa cùng dòng chảy chuyển đổi số quốc gia trong thời gian qua và cảm nhận được những bước tiến trong việc xây dựng nền kinh tế, xã hội số. Nổi bật, cổng thông tin điện tử quốc gia tích hợp nhiều dịch vụ công trực tuyến, người dân thuận lợi trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ thành công. Ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, du lịch… ngày càng phổ biến.

Bên cạnh những kết quả tích cực, công cuộc chuyển đổi số quốc gia cũng còn một số hạn chế cần được khắc phục. Một bộ phận người dân, nhất là ở khu vực nông thôn, còn gặp khó khăn trong việc sử dụng các dịch vụ số. Nhiều doanh nghiệp chưa có đủ nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số. An ninh mạng và an toàn thông tin còn tiềm ẩn nhiều rủi ro như nguy cơ tấn công mạng, lừa đảo trực tuyến.

Hiện, tôi cùng các cộng sự tiếp tục phát triển các ứng dụng số hữu ích giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công, thương mại điện tử và học tập trực tuyến. Đồng thời, tham gia các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chuyển đổi số cho người dân, nhất là ở khu vực nông thôn; cung cấp dịch vụ tư vấn và hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp mặt và đối thoại với thanh niên năm 2024 dự kiến tổ chức vào ngày 26/3, bằng hình thức trực tiếp, có chủ đề “Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia”. Tham dự chương trình sẽ có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và khoảng 300 đại biểu thanh niên đại diện cho các khối.

Tôi rất kỳ vọng vào chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp mặt và đối thoại với thanh niên. Từ chương trình, Nhà nước sẽ bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Tôi mong Nhà nước đầu tư vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số để mỗi người dân thực sự là “công dân số”. Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong chuyển đổi số như tài chính, công nghệ, nhân lực. Tăng cường an ninh mạng và an toàn thông tin. Nhà nước tiếp tục tạo điều kiện, đặt hàng để tổ chức Đoàn, người trẻ phát huy sức trẻ, sáng tạo tham gia, đảm nhận các công trình, phần việc chuyển đổi số.

MỚI - NÓNG