Đã có thâm niên trên 40 năm trong nghề phục chế quạt cổ và sở hữu kho quạt cổ “đồ sộ” nhất Việt Nam, ông Trần Công Phúc được nhiều người gọi bằng những cái tên rất “kêu” như “thần gió” hay “vua quạt cổ đất Hà Thành”.
Ông Phúc vốn là một sinh viên khoa Văn, nhưng bỏ dở sự nghiệp học hành vì chiến tranh. Ông vẫn thường nói đùa rằng do “cơm áo không đùa với khách thơ” nên phải lao vào kiếm tiền nuôi con. Nhưng cũng chính vì thế mà ông nên duyên với quạt cổ suốt 40, 50 năm qua.
Trước đây, ông làm công nhân hàn áp lực Xí nghiệp đầu máy xe lửa Hà Nội suốt 15 năm, chuyên sửa chữa băng đa, phụ tùng đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước. Thời ấy, ông thường nhận sửa chữa quạt con cóc, tai voi, điện cơ, quấn mô tơ điện.
Sau đó, khi Khách sạn Metropole Hà Nội, Nhà hát lớn, Thư viện quốc gia, Bách hóa tổng hợp… tháo bỏ quạt cũ để lắp điều hòa thì ông góp nhặt về, thay thế, chỉnh sửa phụ tùng rồi treo lên, ai ưng ý thì mua.
Hiện tại, bộ sưu tập quạt cổ tại ngôi nhà số 2 phố Tạ Hiện của ông Phúc có tổng cộng khoảng hơn 500 chiếc, nhiều nhất là quạt Marelli (Ý), thứ đến là quạt Emi, Phillips (Hà Lan), Éon, Calor (Pháp), quạt tai voi (Nga)… Nhiều chiếc trong số đó có tuổi thọ lên đến hàng trăm năm và có giá hàng chục triệu đồng.
Quạt Marelli (Ý) chiếm đa số trong gia tài bạc vạn của "vua quạt".
Chiếc quạt tai voi hiệu Carlo (Pháp) nằm khiêm tốn trong một góc nhà.
Chiếc quạt trần gần trăm tuổi của Ý này được ông Phúc lặn lội đến tận Cần Thơ mang về. Đây là một trong những chiếc quạt có giá nhất thuộc bộ sưu tập của ông, được một gia đình khá giả sống ở phố Hàng Gai trả 130 triệu đồng nhưng ông Phúc nhất quyết không bán. "Tôi muốn giữ lại vì nó là một thứ dù có tiền cũng không thể mua được", ông Phúc chia sẻ.
Ít ai ngờ rằng chiếc quạt trần được ông treo trong nhà này có giá tới 60 triệu đồng.
"Cái này trông cũ cũ thế thôi chứ nếu làm lại thì có thể bán với giá 40, 50 triệu", ông Phúc cho biết.
Chiếc quạt cây hiệu Marelli của Ý này có tuổi thọ lên đến gần 100 năm, trị giá khoảng 20 triệu đồng.
Sau khi được tân trang, chiếc quạt trăm tuổi này nhìn vẫn như mới.
Những chiếc quạt cũ khi ông Phúc mới mang về sẽ được sửa phần cơ...
... rồi dùng xi Cana lau cho mới, bóng.
Căn nhà ông đang sống cùng vợ rất nhỏ nên mọi chỗ trống đều được tận dụng để xếp các bộ phận của quạt.
Ông Phúc gọi vui gia tài của mình là "đồng nát". Bởi vì khi ông mua về chúng vẫn còn rất cũ và hỏng hóc. Chính bàn tay tài hoa của "thần gió" đã thổi hồn và làm "sống" lại những chiếc quạt tưởng chừng bỏ đi này.