Tận thấy hiện trường vụ phá rừng Phong Nha - Kẻ Bàng

Con đường được cho là do lâm tặc khai thông còn in vết bánh xe ô tô, nhưng Thượng tá Nguyễn Hữu Trung nói rằng đó là đường dân đi làm rẫy
Con đường được cho là do lâm tặc khai thông còn in vết bánh xe ô tô, nhưng Thượng tá Nguyễn Hữu Trung nói rằng đó là đường dân đi làm rẫy
TP - Rừng gỗ mun quý hiếm nằm trong vùng lõi của Di sản Thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng bị đốn hạ, chỉ cách Đồn Biên phòng Cồn Roàng chừng 1km. Tuy nhiên, ở đây lâm tặc đã ngang nhiên mở một con đường nối với đường tuần tra biên giới, do biên phòng quản lí để cho xe ô tô vào vận chuyển gỗ.

Dân bản đã sớm báo với biên phòng

Người dẫn đường giúp chúng tôi tiếp cận hiện trường vụ phá rừng gỗ mun nghiêm trọng vừa bị phát hiện trong vùng lõi của Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng là một thanh niên bản địa tên Đinh K thuộc tộc người Ma Coong, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch.

K nói: “Vụ phá rừng này không phải do dân bản, dân bản đã báo cáo với đồn biên phòng Cồn Roàng từ mấy tháng trước. Dân bản cũng báo cáo có người ở xã Sơn Trạch lên trú tại bản Cóc thu mua gỗ mun rất ngang nhiên”.

Hiện trường vụ phá rừng nằm cách Đồn Biên phòng Cồn Roàng chừng 1km đường chim bay. Ở đây dân bản địa gọi là hung Máy Bay và hung Chuối, thuộc hai tiểu khu 649 và 650, nằm trong vùng lõi của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Từ đường tuần tra biên giới, K dẫn chúng tôi rẽ qua một nhánh đường khác còn hằn vết bánh xe ô tô, len lỏi dưới tán rừng săng lẻ do cộng đồng người bản địa quản lí. K cho biết đây là con đường do lâm tặc mở để vận chuyển gỗ từ hiện trường khai thác ra.

Để mở được con đường này, nhiều cây săng lẻ cổ thụ đã bị đốn hạ, thậm chí nhiều đoạn lâm tặc còn bạt cả núi để có đường đi. Đường dài chừng 4km, dẫn đến gần hung Máy Bay. Từ đây vào hiện trường khai thác gỗ, chúng tôi tiếp tục men theo đường mòn do lâm tặc mở để gùi gỗ ra tập kết lên ô tô. Cũng khá công phu, lâm tặc đã đào đất tạo thành nhiều bậc tam cấp mỗi khi lên xuống dốc. Gặp khu vực có đá tai mèo, họ đóng nhiều cọc gỗ, lát thành sàn để đi lại thuận tiện.

Tại hiện trường vẫn còn nguyên dấu vết lán trại của lâm tặc, thậm chí họ đã dựng cả bàn thờ để hương khói. Xung quanh lán trại, một số áo quần, giày dép, xích cưa máy, can đựng dầu mỡ... bị vứt vương vãi. Cạnh đó là những gốc cây mun sọc cổ thụ còn ứa nhựa, nhiều gốc to có đường kính đến cả mét. Xung quanh những gốc mun cổ thụ này là mùn cưa, bìa gỗ và cành cây vương vãi khắp nơi. “Chỉ có lâm tặc chuyên phá rừng mới cưa được cây mọc trên núi đá và xẻ thành từng phác để vận chuyển ra khỏi rừng. Chúng phá một thời gian rất dài rồi. Nếu biên phòng và kiểm lâm nói không biết thì dân bản không phục” - K nói.

Tận thấy hiện trường vụ phá rừng Phong Nha - Kẻ Bàng ảnh 1 Cây mun sọc cổ thụ bị lâm tặc cưa ngang vẫn còn ứa nhựa

Lộ diện nhóm lâm tặc lộng hành

Theo Đinh K, ông Mai Văn D (SN 1970) trước là người xã Sơn Trạch, chuyển lên sinh sống ở bản Cóc là nhằm buôn bán gỗ lậu. Sau khi vụ phá rừng bị phát giác, ông D sợ nên đã trốn về Sơn Trạch, nói là về chữa bệnh. Chính dân bản đã báo cho lực lượng chức năng kiểm tra nhà lán của ông D và phát hiện hơn 40 thanh gỗ mun sọc (báo Tiền Phong ra ngày 14/3 đã thông tin)

Đinh K khẳng định, ông D là một mắt xích quan trọng trong vụ phá rừng mun quý hiếm tại vùng lõi Phong Nha - Kẻ Bàng. Phía sau ông D là ba nhóm lâm tặc chuyên nghiệp từ xã Sơn Trạch và Hưng Trạch, tác giả của vụ phá rừng nghiêm trọng nói trên. Nhóm thứ nhất ở thôn Bồng Lai, xã Hưng Trạch là những người khai thác chuyên nghiệp; nhóm thứ hai do người có tên Trung Troạng (nhỏ) và Tăng (máu) ở Sơn Trạch lên thuê người gùi gỗ từ rừng ra; Nhóm thứ ba do Trung Troạng (to) và Hà Mã, ở Sơn Trạch chịu trách nhiệm dò đường, quản lí gỗ trên đường đi.

Thượng tá Nguyễn Hữu Trung, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cồn Roàng khẳng định mình không liên quan đến vụ phá rừng nói trên. Tuy nhiên, do vụ phá rừng nằm trong địa bàn đồn quản lí nên có liên đới trách nhiệm. Nói về con đường do lâm tặc mở để chở gỗ ngay cạnh đồn, ông Trung cho rằng đó là con đường đi làm rẫy của người dân bản địa.

Tận thấy hiện trường vụ phá rừng Phong Nha - Kẻ Bàng ảnh 2 Bìa, vỏ của những cây gỗ quý bị lâm tặc vứt lại hiện trường 

 Ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc VQG Phong Nha - Kẻ Bàng xác nhận: Bước đầu có 3 nhóm đối tượng được kiểm lâm nhận diện như người dân cung cấp. Mai Văn D là đối tượng mua bán, tổ chức vận chuyển về xuôi. Nhóm 1 và 2 qua điều tra khai thác gỗ lậu trong lâm phận Việt Nam, sau khi gùi ra khỏi rừng thì dùng xe máy hoặc ô tô để vận chuyển ra khỏi khu vực, tập kết tại vùng bản Cóc để chờ thời cơ vận chuyển.

“Vụ việc này Ban quản lí VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã chủ động làm mạnh, cho dù tập thể, cá nhân của Vườn bị kỷ luật nặng, nhưng chúng tôi chấp nhận để gửi đi thông điệp rằng: Rừng di sản hay bất cứ loại rừng gì cũng không thể tàn phá như thế. Nếu kiểm lâm của Vườn dính dáng vào, chúng tôi cũng không bao che” - ông Tịnh nói.  

Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết: Trách nhiệm của lực lượng biên phòng là bảo vệ biên giới, tuần tra đường biên,… phối hợp với lực lượng kiểm lâm, chủ rừng ngăn chặn việc khai thác lâm sản trái phép. Sự việc xảy ra lực lượng biên phòng có trách nhiệm liên đới. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình đã thành lập đoàn công tác để điều tra xác minh độc lập và đến nay việc điều tra xác minh vẫn chưa xong. Tinh thần là ai sai cũng sẽ xử lý nghiêm, không bao che, dung túng.

MỚI - NÓNG