Ông Biden dự kiến hôm nay sẽ công bố một số vị trí quan trọng trong nội các mới. Ngoài vị trí ngoại trưởng, ông Biden dự kiến sẽ chọn hai trợ lý thân cận khác là ông Jake Sullivan làm cố vấn an ninh quốc gia và bà Linda Thomas-Greenfield làm đại sứ tại LHQ.
Hàng loạt báo lớn như Bloomberg, New York Times và Reuters hôm qua đều đưa tin ông Blinken, cố vấn gần gũi nhất của ông Biden về chính sách đối ngoại, sẽ trở thành ngoại trưởng. Lựa chọn này được đánh giá là sẽ đoàn kết các đồng minh quốc tế của Mỹ trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, New York Times dẫn thông tin từ những người nắm được quy trình cho biết.
Ông Blinken, 58 tuổi, là thứ trưởng ngoại giao dưới thời Tổng thống Barack Obama. Kinh nghiệm sâu rộng của ông về chính sách đối ngoại được kỳ vọng sẽ giúp trấn an các nhà ngoại giao Mỹ và các lãnh đạo thế giới sau 4 năm chính quyền Trump có cách làm hoàn toàn khác.
Ông Sullivan, 43 tuổi, từng kế nhiệm ông Blinken để trở thành cố vấn an ninh quốc gia thời Obama và từng là giám đốc chính sách trong Bộ Ngoại giao Mỹ thời Ngoại trưởng Hillary Clinton.
Là bạn thân và chia sẻ quan điểm chung, hai ông Blinken và Sullivan trở thành trợ lý tin cậy của ông Biden và có tiếng nói quan trọng trong các vấn đề về chính sách ngoại giao. Hai người đi đầu trong cuộc tấn công vào ngọn cờ “Mỹ là trên hết” của Tổng thống Trump, cho rằng cách này chỉ khiến Mỹ bị cô lập và tạo cơ hội cho những đối thủ của Mỹ.
Ông Biden sẽ công bố các gương mặt trong nội các mới khi ông Trump tiếp tục nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử. Nhưng ngày càng nhiều thành viên của đảng Cộng hòa kêu gọi ông Trump chấp nhận thua cuộc và bắt đầu quá trình chuyển giao quyền lực.
Ðoàn kết trước Trung Quốc
Những người gần gũi mô tả ông Blinken là “nhà ngoại giao của các nhà ngoại giao”, vì ông có cách ăn nói mềm mỏng và khéo léo, nhưng rất thông thạo về chính sách đối ngoại.
Ông đã sát cánh với ông Biden trong gần 20 năm, bao gồm cả thời gian ở Ủy ban đối ngoại Thượng viện và sau đó là vị trí cố vấn an ninh quốc gia khi ông Biden là phó tổng thống. Trong vai trò đó, ông Blinken giúp định hình phản ứng của Mỹ đối với những biến động và bất ổn trên khắp Trung Đông, với những kết quả lẫn lộn ở Ai Cập, Iraq, Syria và Libya.
Nhưng ưu tiên cao nhất của ông trong thời gian tới sẽ là xây dựng lại vai trò của Mỹ như một đồng minh đáng tin cậy, sẵn sàng tái nhập các thỏa thuận và tổ chức toàn cầu, trong đó có Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Tổ chức Y tế thế giới và có thể cả thỏa thuận hạt nhân Iran. “Nói một cách đơn giản, những vấn đề lớn mà quốc gia hay hành tinh của chúng ta phải đối mặt, dù là biến đổi khí hậu, là đại dịch, là sự phát tán của vũ khí xấu, đều cho thấy chúng ta không thể giải quyết bằng hành động đơn phương. Một quốc gia đơn lẻ dù mạnh như Mỹ cũng không thể xử lý một mình”, New York Times thuật lời ông Blinken nói tại một diễn đàn của Viện nghiên cứu Hudson hồi tháng 7.
Ông Blinken cũng nói tại diễn đàn này rằng việc hợp tác với các nước khác sẽ tạo thêm lợi ích khi phải đối phó với một thách thức ngoại giao hàng đầu: cạnh tranh với Trung Quốc, bằng cách lựa chọn những nỗ lực đa phương để thúc đẩy thương mại, đầu tư công nghệ và quyền con người, thay vì ép các nước đơn lẻ khác phải chọn phe giữa hai siêu cường. Điều đó có thể là dành thời gian để thúc đẩy quan hệ mạnh mẽ hơn với Ấn Độ và trên khắp Ấn Độ - Thái Bình Dương. Đó cũng sẽ là việc nỗ lực thúc đẩy hợp tác trên khắp châu Phi, nơi Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào công nghệ và hạ tầng, và thừa nhận châu Âu là một đối tác “đầu tiên, chứ không phải cuối cùng” khi xử lý thách thức mà Mỹ đang đối mặt.
_______
Khi được hỏi liệu quan hệ Mỹ- Trung có thể cải thiện nếu ông Blinken thay thế ông Mike Pompeo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm qua tránh trả lời trực tiếp, nói rằng không bình luận về các vấn đề nội bộ của Mỹ, Reuters đưa tin.