Tận dụng cơ hội để mở cửa có điều kiện

0:00 / 0:00
0:00
Du lịch trông đợi nguồn khách quốc tế mang lại doanh thu lớn
Du lịch trông đợi nguồn khách quốc tế mang lại doanh thu lớn
TP - Vắc-xin phòng COVID-19 đang được tiêm rộng rãi trên toàn cầu, một số quốc gia lên kế hoạch mở lại thị trường hàng không và du lịch quốc tế với “hộ chiếu vắc-xin”. Việt Nam cũng bắt đầu tiêm phòng vắc-xin COVID-19 cho người dân, “hộ chiếu vắc-xin” trở thành giấy thông hành, cơ hội để mở cửa đón khách quốc tế, giúp khôi phục sớm du lịch và hàng không.

Thái Lan vừa thông báo lên kế hoạch mở cửa một số khu vực cho khách quốc tế đã tiêm vắc-xin tới du lịch mà không phải cách ly. Hãng hàng không Singapore Airlines cũng cho hay, sẽ thử nghiệm thẻ thông hành COVID-19 điện tử từ tuần tới trên đường bay tới Anh. Đây là ứng dụng trên điện thoại thông minh gồm thông tin y tế, xét nghiệm, lịch sử tiêm vắc-xin để xác nhận cho hành khách đã được tiêm vắc-xin được đi lại.

Với Việt Nam, liệu có thể áp dụng “hộ chiếu vắc-xin” để nối lại thị trường khách quốc tế? Trao đổi với PV Tiền Phong, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings Nguyễn Quốc Kỳ (kiêm Chủ tịch HĐQT Vietravel Airlines) cho biết, Việt Nam cũng rất cần áp dụng “hộ chiếu vắc-xin”. Theo ông Kỳ, có nhiều bước bình thường trở lại sau dịch COVID-19, trong đó có khái niệm “chung sống an toàn với dịch”. Vậy nên chúng ta cũng phải từng bước khôi phục sản xuất kinh doanh, trong đó có khôi phục hàng không và du lịch quốc tế. “Hộ chiếu vắc-xin” là bước chuyển tiếp để dần khôi phục hoạt động đi lại quốc tế, trước khi mở cửa hoàn toàn lúc dịch bệnh được ngăn chặn.

Để có thể áp dụng “hộ chiếu vắc-xin”, theo ông Kỳ, chính phủ các nước sẽ phải ký hiệp định song phương hoặc đa phương, nhằm công nhận lẫn nhau về giá trị tiêm phòng, loại vắc-xin tiêm... Khi đó, các quốc gia sẽ cho phép công dân đã tiêm vắc-xin của mỗi nước được đi lại bình thường giữa các nước và trong mỗi nước, không phải cách ly khi nhập cảnh. Ban đầu, chúng ta có thể bắt tay với các quốc gia có tỷ lệ dân tiêm vắc-xin cao, sau đó nới dần trên tinh thần có đi có lại.

 “Chúng ta nên chủ động tham gia sớm nhất có thể. Đây cũng là mở cửa có điều kiện, vì không thể loại trừ rủi ro. Vắc-xin không thể phòng bệnh 100%, tuy nhiên, không thể vì thế mà đóng cửa đợi hết dịch bệnh. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, du lịch Việt Nam nếu chậm chân sẽ bị bỏ lại phía sau, mất cơ hội vươn lên”, ông Kỳ nói.

Về cách thức tổ chức, theo ông Kỳ, trước mắt có thể lập “hành lang an toàn” để khách lưu trú và đi lại trong khoảng 3-5 ngày đầu nhập cảnh. Đây là thời gian để giám sát, phòng rủi ro, khi có lây nhiễm dịch sẽ dễ khoanh vùng. Sau thời gian này, nếu không có vấn đề gì xảy ra, khách được tự do đi lại, tham quan, nghỉ ngơi theo ý mình. “Chúng tôi đã chủ động đàm phán với 1 số đối tác nước ngoài để sẵn sàng kết nối khách, thống nhất các bước thực hiện. Giờ chỉ chờ chính phủ các nước cho phép triển khai ngay”, ông Kỳ nói thêm.

Tiến sĩ Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB) cũng cho rằng, việc mở cửa cho khách quốc tế đã tiêm vắc-xin phòng COVID-19 là cần thiết. Giúp vực dậy ngành du lịch trong nước, vừa nâng cao vị thế du lịch nước nhà.

“Hộ chiếu vắc-xin” có thể thành công vụ để đưa thế giới trở về trạng thái bình thường nhất. Tại nhiều quốc gia, vắc-xin phòng COVID-19 đã được tiêm rộng rãi, với khoảng 200 triệu người đã tiêm, và tiếp tục tăng nhanh. Việt Nam cũng bắt đầu triển khai tiêm cho người dân. “Công sức, chi phí cho tiêm vắc-xin rất lớn, cần được bù đắp bởi những lợi ích do nó mang lại. "Hộ chiếu vắc-xin" là cách để tối ưu hóa những lợi ích đó. Khi đã tiêm vắc-xin, những người này được tự do đi lại trong nội địa các nước và giữa các nước với nhau, không cần cách ly. Nếu còn yêu cầu cách ly, sẽ không ai đi du lịch”, ông Nam nói.

Theo ông Nam, tâm lý bị “giam cầm” quá lâu do dịch bệnh đã khiến nhiều du khách bắt đầu nghĩ đến việc tìm điểm đến thú vị sau khi đã tiêm vắc-xin. Đó là cơ hội tốt cho Việt Nam để phục hồi và phát triển dịch vụ du lịch, hàng không. Không nên chờ hết dịch hoàn toàn mới tính chuyện mở lại du lịch quốc tế, việc này cần bắt đầu ngay từ những người đã tiêm vắc-xin.

Hàng không sẵn sàng mở lại đường bay

Nói về khả năng áp dụng “hộ chiếu vắc-xin” để mở đón khách và nối lại các đường bay thương mại quốc tế thường lệ, một lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, luôn ủng hộ giải pháp này. Ngành giao thông cũng sẵn sàng cấp phép nối lại các đường bay quốc tế khi có sự thống nhất về cách thức triển khai và được Chính phủ chấp thuận. Tuy nhiên, nội dung, cách thức triển khai “hộ chiếu vắc-xin” ra sao không thuộc thẩm quyền Bộ GTVT.

Với các hãng hàng không, ngoài các chuyến bay giải cứu công dân về nước, cuối tháng 9/2020, Vietnam Airlines và Vietjet từng nối lại một số chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ giữa Hà Nội và TPHCM đi/đến Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, do một số khó khăn về cách thức triển khai tiếp nhận khách vào Việt Nam trên các chuyến bay này, nên sau đó các đường bay phải tạm dừng tới nay. Đến giờ, các hãng vẫn luôn chuẩn bị sẵn nguồn lực, để khi được phép sẽ tổ chức nối lại đường bay quốc tế thường lệ.

Theo dự báo của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), quý I/2021 sẽ còn tồi tệ hơn với hàng không và kỳ vọng cải thiện từ quý II, nhưng việc này phụ thuộc vào hiệu quả của tiêm vắc-xin COVID-19.

MỚI - NÓNG