Tân Đại sứ Nhật Bản tiết lộ điều muốn khám phá ở Việt Nam

TPO - Nhật Bản và Việt Nam có nét tương đồng về ẩm thực là người dân thích ăn các loại mì. Vừa đến Việt Nam nhậm chức, Đại sứ Nhật Bản Ito Naoki cho biết ông rất háo hức muốn thử tất cả các loại mì, phở, bún, miến… ở đây.
Tân Đại sứ Nhật Bản tiết lộ điều muốn khám phá ở Việt Nam ảnh 1

Đại sứ Nhật Bản Ito Naoki trong cuộc gặp báo chí ngày 28/6. (Ảnh: Thu Loan)

Sáng 28/6, Đại sứ Ito Naoki có cuộc gặp báo chí Việt Nam để chia sẻ về quan hệ hai nước và những ưu tiên của ông trong nhiệm kỳ ở đây.

Mở rộng lĩnh vực cung cấp ODA

Đại sứ Ito cho biết, ông cảm thấy vô cùng vinh dự nhưng cũng có trách nhiệm nặng nề khi đảm nhiệm cương vị này ở Việt Nam trong bối cảnh quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đang phát triển vô cùng tốt đẹp.

Đại sứ đánh giá, việc Việt Nam và Nhật Bản nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vào năm 2023 là thành tựu vô cùng quan trọng, và Nhật Bản muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực, giúp Việt Nam phát triển kinh tế hơn nữa và cùng nhau ứng phó và giải quyết những vấn đề của khu vực và thế giới.

Ông khẳng định, sự phát triển của quan hệ song phương diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đạt được những thành tựu nổi bật về kinh tế trong những năm qua, nâng cao vai trò ở ASEAN và châu Á, với vai trò ngày càng được coi trọng.

Trong lĩnh vực kinh tế, Nhật Bản mong muốn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển hơn để hỗ trợ mục tiêu mà Việt Nam đề ra, đó là trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.

Trên nền tảng những thành quả về hợp tác ODA giữa hai nước trong những năm qua và nguyện vọng của Chính phủ Việt Nam, Nhật Bản xác định 3 lĩnh vực trụ cột về ODA với Việt Nam trong thời gian tới, bao gồm hoàn thiện cơ chế thị trường, phát triển nguồn nhân lực và hạ tầng.

Đại sứ cho biết, trong 30 năm qua, nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) mà Nhật Bản cung cấp đã có đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế cho Việt Nam. Trong thời gian tới, ngoài những lĩnh vực truyền thống, Nhật Bản muốn thúc đẩy các lĩnh vực mới, như năng lượng, phát triển, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số...

Ông cho biết, trên nền tảng những thành quả về hợp tác ODA giữa hai nước trong những năm qua và nguyện vọng của Chính phủ Việt Nam, Nhật Bản xác định 3 lĩnh vực trụ cột về ODA với Việt Nam trong thời gian tới, bao gồm hoàn thiện cơ chế thị trường, phát triển nguồn nhân lực và hạ tầng.

Về những dự án hợp tác cụ thể, Đại sứ Nhật Bản cho biết, năm ngoái hai bên đã thống nhất danh sách những dự án hợp tác sẽ cùng nhau triển khai.

Ông cho biết, một trong những nhiệm vụ của ông trong nhiệm kỳ tại Việt Nam là thúc đẩy cụ thể hoá các dự án trong danh sách này.

Cơ hội rộng mở cho lao động Việt

Hiện có khoảng 570.000 người Việt đang sinh sống ở Nhật Bản, trong đó 420.000 người đang lao động và làm việc, đứng đầu trong số những quốc gia và vùng lãnh thổ có lao động tại xứ sở Mặt trời mọc.

Đại sứ Ito Naoki khẳng định, trong bối cảnh Nhật Bản đang đối mặt với vấn đề già hóa dân số và thiếu lao động, các lao động Việt Nam đang và sẽ có những đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế và xã hội của Nhật Bản.

Người lao động Việt Nam đang làm việc ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, như hộ lý, nông nghiệp, công nghiệp, chế biến thực phẩm. Chính phủ Nhật khẳng định mong muốn tạo môi trường làm việc an toàn để người lao động nước ngoài cảm thấy an tâm và hạnh phúc khi làm việc ở đây.

Gần đây báo chí Nhật viết về nhiều tấm gương điển hình người lao động Việt Nam học tập, làm việc và cống hiến ở Nhật. Một trường hợp là chị Nguyễn Thị Thu làm việc ở tỉnh Kagoshima theo diện thực tập sinh kỹ năng trong lĩnh vực trồng chè. Sau 3 năm, chị được chuyển sang học thêm kiến thức chuyên môn rồi nâng lên diện thực tập sinh kỹ năng đặc định và được ở thêm 5 năm nữa. Sau thời gian này, chị được hưởng cơ chế vĩnh trú ở Nhật và cùng gia đình sinh sống ở đây.

Đại sứ cho biết, từ năm 2019, các lĩnh vực mà người Việt được tiếp nhận mở rộng hơn. Các thực tập sinh kỹ năng đặc định được ở lại lâu hơn, với chế độ đảm bảo hơn, giúp họ yên tâm làm việc và khi về nước sẽ phục vụ cho nhu cầu nhân lực của Việt Nam và các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động ở Việt Nam.

Tân Đại sứ Nhật Bản tiết lộ điều muốn khám phá ở Việt Nam ảnh 2

Một buổi hướng dẫn trà đạo được tổ chức tại Đại sứ quán Nhật Bản trong tháng 6 này. (Ảnh: Thu Loan)

Bán dẫn

Hai nước cũng đang hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn. Các lao động kỹ năng cao của Việt Nam thời gian tới sang Nhật làm việc có thể phát triển tay nghề trong lĩnh vực này, sau đó quay về để làm việc cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn ở Việt Nam. Đại sứ Ito cho rằng đây là chu kỳ hợp tác rất tốt giữa hai nước.

Đại sứ Ito Naoki cho biết, tháng 3 năm nay, hai nước nhất trí triển khai Sáng kiến chung Nhật - Việt trong kỷ nguyên mới, tập trung vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đào tạo trong ngành công nghệ cao. Trong khuôn khổ sáng kiến này, các cơ quan Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam thảo luận để thúc đẩy hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới.

Gần đây, một công ty Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn ở Hải Phòng, sử dụng khoảng 3.000 người lao động.

“Tôi hy vọng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, nhất là bán dẫn, sẽ ngày càng tăng trong thời gian tới”, ông nói.

Trả lời câu hỏi về đánh giá của các nhà đầu tư Nhật Bản, Đại sứ Ito cho biết, Việt Nam được các nhà đầu tư Nhật Bản coi trọng trong chuỗi cung ứng. Theo kết quả khảo sát gần đây của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), các doanh nghiệp Nhật trả lời câu hỏi rằng nước nào họ muốn đầu tư nhất trên thế giới, Việt Nam được xếp thứ 2.

Ngoài các lĩnh vực truyền thống, đầu tư vào những lĩnh vực mới cũng gia tăng, trong bối cảnh tầng lớp trung lưu của Việt Nam mở rộng và sức mua tăng, như trường hợp của Uniqlo đã có hơn 20 cửa hàng bán lẻ và Aeon Mall có 7 trung tâm bán lẻ trên khắp Việt Nam.

Một lĩnh vực khác mà các doanh nghiệp Nhật Bản đang quan tâm là phát triển đô thị.

Về những thách thức mà hai bên đang gặp phải, Đại sứ Ito cho biết, các dự án hợp tác giữa hai nước thường bị chậm tiến độ, mất nhiều thời gian để hoàn thành.

Đại sứ đề nghị Việt Nam cần có những quy định rõ ràng, đẩy nhanh thủ tục cấp phép và phê duyệt, để môi trường đầu tư trở nên hấp dẫn hơn.

Về an ninh – quốc phòng, Đại sứ Ito đánh giá rằng hai bên còn nhiều dư địa để hợp tác, không chỉ ở cấp nhà nước, chính phủ, và cả khu vực tư nhân.

Đại sứ Ito khẳng định, Chính phủ Nhật Bản xác định Việt Nam là đối tác vô cùng quan trọng để thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trên tinh thần thượng tôn pháp luật và luật pháp quốc tế.

Háo hức khám phá

Đại sứ Ito mới đến Việt Nam từ giữa tháng 5, nên chưa có dịp đi nhiều. Ông chia sẻ rằng ấn tượng ban đầu của ông là dân số Việt Nam rất trẻ, một yếu tố rất quan trọng đối với nền kinh tế.

Sau khi tham quan các di tích ở Hà Nội như Văn miếu Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, ông nhận thấy Hà Nội có bề dày văn hóa và sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại.

Ông cho biết, trong thời gian làm việc ở đây, ông muốn khám phá xem người trẻ Việt Nam thích âm nhạc gì ngoài âm nhạc cổ truyền, đồng thời cũng muốn thử tất cả các loại mì.

“Nhật Bản và Việt Nam có nét tương đồng là người dân thích ăn các loại mì. Tôi muốn thưởng thức tất cả các loại mì ở đây, như bún, miến, cao lầu… với những hương vị khác nhau”, ông nói.

Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội gần đây mở cửa một trung tâm văn hóa để tăng cường tiếp xúc với người Việt Nam, tạo cơ hội cho những người trẻ trải nghiệm văn hóa Nhật Bản thông qua việc mặc thử yukata, đọc sách và truyện tranh, tìm hiểu trà đạo..

“Thông qua những hoạt động như vậy, tôi hy vọng người Việt sẽ yêu thích, cảm thấy gần gũi với Nhật Bản, sau này sẽ có nhiều em sang Nhật để du học và sinh sống”, ông nói.

Tin liên quan