Đến “Cánh đồng chết” Choeung Ek

Tận cùng đau thương

Hài cốt của các nạn nhân ở Choeung Ek.
Hài cốt của các nạn nhân ở Choeung Ek.
TP - Thủ tướng Samdech Hun Sen đã ký ban hành Nghị định số 19, ngày 14/2/2018 về việc quy định ngày 20/5 hằng năm là “Ngày tưởng niệm Quốc gia” để tưởng nhớ hàng triệu nạn nhân dưới chế độ diệt chủng Pol Pot. Động thái này nhằm nâng cao sự hiểu biết của toàn xã hội về sự tàn bạo dưới thời diệt chủng để không bao giờ lặp lại sai lầm quá khứ.

Cánh đồng xương người Choeung Ek

Campuchia xếp thứ hạng cao trong biên niên sử những điều kinh hoàng của thế kỷ 20; hầu như gia đình nào cũng có người bị quân Khmer Đỏ giết hại, do đó vào ngày 20/5, người dân Campuchia tìm về những địa điểm từng ghi dấu tội ác của chế độ diệt chủng Pol Pot để làm lễ cầu nguyện cho linh hồn hàng triệu người đã chết oan uổng. 

Chúng tôi hòa vào dòng người đổ về “Cánh đồng chết” Choeung Ek (cách Thủ đô Phnom Penh khoảng 15km), một trong những chứng tích tiêu biểu nhất. 20 ngàn người vô tội bị áp tải đến đây và bị sát hại bằng những cách kinh khủng, vô nhân tính nhất.

Cầm trên tay chiếc vé tham quan kèm vé nghe radio tour, tôi miên man suy nghĩ “Người Campuchia khai thác du lịch thế nào đối với một địa điểm mà chỉ nghe tên cũng đủ khiếp hãi này nhỉ?”. Chợt nghe nhân viên soát vé hỏi: “Chị là người Việt Nam à?”. Tôi mỉm cười gật đầu. Anh đưa cho tôi tấm bản đồ, chiếc radio và tai nghe rồi nói: “Có nhiều thứ tiếng cài đặt trong radio để thuận tiện cho khách tham quan và dĩ nhiên không thể thiếu tiếng Việt. Việt Nam là bạn của chúng tôi mà!”. Tôi cám ơn anh rồi đeo tai nghe để bắt đầu cuộc hành trình với chiếc radio. Lòng chợt thấy thật ấm áp ở nơi đất khách quê người.

Những thanh âm đầu tiên phát ra từ radio khiến người nghe rùng mình: “Sau 3 năm, 8 tháng, 20 ngày (bắt đầu từ ngày 17/4/1975-PV), kẻ cầm đầu đáng sợ Pol Pot đã hủy hoại đất nước này và thay vào đó là hình ảnh tự tạo về một xã hội cộng sản thuần túy. Dưới sự cai trị của hắn, khoảng 3 triệu người Campuchia trong tổng số hơn 8 triệu dân đã chết, trong đó hơn 1,2 triệu người chết vì bị hành quyết, số còn lại chết vì đói…”. Choeung Ek là hố chôn người khổng lồ và kinh hoàng nhất trong số gần 100 mồ chôn tập thể trên khắp đất nước Campuchia.

Trên bản đồ “Cánh đồng chết” Choeung Ek, địa điểm được đánh dấu số 1 với ghi chú là bãi đỗ xe tải, còn hiện tại chỉ là bãi đất trống. Bấm vào số 1 trên bàn phím radio, giọng người thuyết minh nghe thật não nùng: Họ có thể đã bị áp giải đến đây vào năm 1976, 1977 hoặc 1978. Cứ vài tuần 2 hay 3 xe tải đến đậu tại điểm này, mang đến từ 50 - 70 người, nhưng từ năm 1978, xe tải bắt đầu đến hàng ngày với gần 300 người. Cùng một cảnh tượng cứ lặp đi lặp lại. Từ nhà tù Tuol Sleng, họ bị đẩy lên xe tải rồi bị đưa đến lò giết người này.

Him Quy, một lính gác ở nhà tù Tuol Sleng chuyên áp giải tù nhân đến Choeung Ek kể: Quân Khmer Đỏ không bắn người ở đây vì đạn quá đắt. Tù nhân bị treo trên những cái hố sâu khoảng 5m mà sau đó không lâu sẽ trở thành mồ chôn của họ. Họ bị tra tấn đến chết bằng bất cứ dụng cụ nào rẻ tiền và sẵn có như rìu, búa, cuốc, dao, gậy tre…

Vốn mê đường thốt nốt và nghe nói lá của loại cây này được sử dụng để lợp mái nhà. Thế nhưng khi đến Choeung Ek, tôi sững sờ khi nghe kể quân Khmer Đỏ dùng những cái mố cứng và sắc trông như răng nanh hay hàm răng cá mập của chiếc lá to như cái quạt này để cứa cổ nạn nhân đến chết.

Tôi thực sự ám ảnh khi đứng trước những cái hố với ghi chú hố chứa nhiều xác nhất với 450 người bị vùi thây, hố 166 người không đầu, hố 100 bà mẹ và trẻ em… Có tới 129 mộ tập thể chứa gần 20 ngàn nạn nhân bị giết trên cánh đồng rộng 2,4 ha này.

Tận cùng đau thương ảnh 1 Cây giết người.

Càng chua xót hơn khi nghe đoạn radio về các nạn nhân: “Họ là những người có giáo dục, là những chuyên gia trên mọi lĩnh vực: giáo viên, bác sĩ và luật sư, bất cứ ai nói được ngoại ngữ hoặc là trí thức hoặc đeo kính. Sư sãi cũng là đối tượng nghi vấn. Mọi người dân thành phố, thậm chí cả những người từ nông thôn chạy trốn bom Mỹ. Họ bị gọi là kẻ đào tẩu, kẻ thù tiềm ẩn của nhà nước quang vinh Angka, trong khi thực tế họ là những người dân bình thường và hầu hết chưa phạm tội gì…Trong tù họ bị buộc phải viết và ký vào những lời thú tội giả mà họ chưa làm bao giờ. Hoặc họ đã ăn trộm gạo của công hoặc phớt lờ mệnh lệnh. Rất nhiều người thậm chí còn thú tội rằng khi họ còn niên thiếu họ từng là gián điệp cho CIA Mỹ hay KGB của Nga (?!). Sau nhiều ngày và nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng tra tấn, nhiều người đã phải thề rằng gia đình, bạn bè và đồng nghiệp của họ đã thực hiện những việc đó (?!)”. 

166 thi thể không đầu (mang quân phục và số hiệu) chính là lính Khmer Đỏ bị thanh trừng. Từ năm 1978, nhiều lính Khmer Đỏ đã đề nghị được gia nhập đội ngũ cộng sản của các nước láng giềng nên bị kết tội đảo ngũ, bị chặt đầu để làm gương. Thi thể không đầu được đưa đến chôn ở Choeung Ek.

Xã hội mới thuần túy của Pol Pot bị chia rẽ từ những kỳ vọng bất khả thi và vô kỷ luật nên nhìn thấy kẻ thù ở khắp nơi. Chỉ một vài lời buộc tội từ đồng nghiệp cũng có thể khiến lính Khmer Đỏ bị tống giam hoặc thậm chí bị buộc tội chết, nhất là những người đến từ khu phía Đông, giáp giới với Việt Nam mà theo lời buộc tội của Pol Pot: “Đầu Việt Nam, thân Campuchia”.

Tại Choeung Ek, chúng tôi bắt gặp nhiều bảng chỉ dẫn rằng đây từng là nơi giam giữ các nạn nhân, kho vũ khí, kho thuốc hóa học… mà không nhìn thấy các tòa nhà. Theo lời của người thuyết minh, vào năm 1979, quân đội Campuchia và quân tình nguyện Việt Nam đã đẩy đuổi quân Khmer Đỏ về phía Tây, chấm dứt cảnh tàn sát tập thể người dân vô tội. Sau khi được giải cứu, trong cơn giận dữ, các nạn nhân còn sống sót đã đập phá tan tành một số tòa nhà.  

Đã mấy mươi năm trôi qua, ngày nay Choeung Ek trông thật yên bình với cây cối xanh tươi, rộn tiếng chim hót. Thế nhưng du khách vẫn được cảnh báo hãy bước đi nhẹ nhàng bởi dưới lớp đất mềm kia chắc chắn vẫn còn rất nhiều thi hài của các nạn nhân đáng thương. Mỗi mùa mưa, khi lớp đất bên trên bị rửa trôi thì răng, các mảnh xương trắng và quần áo của các nạn nhân dần lộ ra, đa phần là quần áo trẻ con. “Xin đừng bước lên những tàn tích và đừng nhặt chúng lên. Nhân viên tại Choeung Ek sẽ chăm sóc chúng”, người thuyết minh nhắc nhở.

Tận cùng đau thương ảnh 2 Nhiều du khách phương Tây tham quan Cánh đồng chết.

Hãi hùng nhất là chuyện kể của Nen Sai, người đầu tiên phát hiện ra trung tâm thảm sát Choeung Ek: “Tôi đến nơi này để tìm thức ăn. Tôi đào một vài củ khoai tây và tôi ngửi thấy mùi hôi thối. Tôi nhìn quanh và thấy những thi thể trong một cái hố. Tôi quá sốc và sợ hãi. Tôi không nghĩ rằng còn có nhiều thi thể ở nơi khác nữa. Trên cái cây to này có những dấu hiệu cho thấy trẻ con đã bị đập vào đây. Tôi nhìn thấy tóc, óc và vệt máu trên khắp thân cây”.

 Người thuyết minh nói rõ thêm: Ngày nay người ta gọi cái cây này là cây giết người, nơi mà nhiều đứa trẻ đã bị giết trước mắt mẹ của chúng. Lính gác nắm chân của những đứa trẻ, đập đầu chúng vào thân cây rồi vứt chúng vào hố. Sao phải giết cả trẻ con? Tại sao phải theo cách tàn độc như vây? Trước hết cách đó nhanh và đơn giản và một khi thành viên trong gia đình bị giết thì những người còn lại cũng bị giết theo để không ai còn sống sót mà trả thù theo một khẩu hiệu của Khmer Đỏ: “Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc”.

(Còn nữa)

Từ năm 1980, được sự tài trợ của một số quốc gia, Campuchia bắt đầu khai quật các hố chôn tập thể ở Choeung Ek và đã phát hiện gần 9 ngàn bộ hài cốt còn phủ đầy hóa chất diệt côn trùng DDT dưới dạng bột. “Đôi khi nạn nhân không thực sự chết khi họ bị đẩy tới các hố chôn. Chất DDT được rải khắp cơ thể họ để hoàn tất việc khai tử. Mùi của nó cũng dùng che giấu xác thối. Các cuộc kiểm tra pháp y và đo xương sọ được tiến hành để xác định độ tuổi, giới tính, dân tộc của những người đã chết tại đây và nơi mà họ đã đến. Nhìn vào những hộp sọ, quý khách sẽ thấy cách mà những nạn nhân bị giết, ví dụ vết nứt lớn là nơi cái chùy đánh vào hay cái lỗ từ một cây búa”, giọng nói từ radio khiến chúng tôi hãi hùng.

Mỗi mùa mưa, khi lớp đất bên trên bị rửa trôi thì răng, các mảnh xương trắng và quần áo của các nạn nhân dần lộ ra, đa phần là quần áo trẻ con. “Xin đừng bước lên những tàn tích và đừng nhặt chúng lên. Nhân viên tại Choeung Ek sẽ chăm sóc chúng”, người thuyết minh nhắc nhở.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.