Tân Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội: Sẽ đặt hàng các tác phẩm lớn

NSND Trần Quốc Chiêm đắc cử Chủ tịch Hội liên hiệp VHNT Hà Nội. Ảnh: Nguyên Khánh.
NSND Trần Quốc Chiêm đắc cử Chủ tịch Hội liên hiệp VHNT Hà Nội. Ảnh: Nguyên Khánh.
TP - NSND Trần Quốc Chiêm đắc cử Chủ tịch Hội liên hiệp VHNT Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021 nhắc tới một loạt việc cần làm ngay, trong đó có thu hút hội viên trẻ, hướng tới việc đặt hàng hàng trăm triệu đồng với các tác phẩm lớn…

Phiên làm việc chính thức Đại hội Hội liên hiệp VHNT Hà Nội 20/4 kết thúc bằng việc công bố chủ tịch và bốn phó chủ tịch do 27 thành viên Ban chấp hành (BCH) bầu ra. NSND Trần Quốc Chiêm kế nhiệm nhà thơ Bằng Việt, bốn phó chủ tịch là nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, nhà thơ Trần Đăng Khoa, NSƯT Thanh Loan và nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Đình An.

NSƯT Thanh Loan, “Ni cô Huyền Trang”, đạt phiếu tín nhiệm phó chủ tịch, là người mới của Hội, nhưng có nhiều kỳ làm Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Hà Nội. “Tôi xúc động trước sự tín nhiệm của anh chị em đồng nghiệp. Hoạt động hội nghề nghiệp cũng là cách chống lão hóa”, Thanh Loan nói.

Ngay sau công bố các vị trí chủ chốt, một nhóm đại biểu dưới hội trường đùa “thôn Đoài hát tối nay”. Quốc Chiêm vốn được gọi là “hoàng tử chèo” với nhiều vai diễn ấn tượng trong các vở như Nàng Sita, Tấm Cám, Mối tình Đuông Nali... Có đại biểu từng nói ghế chủ tịch nên dành cho đại diện từ Hội Nhà văn Hà Nội, bởi văn học là bộ mặt của văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, như nhà thơ Bằng Việt thừa nhận, tìm được người thay thế không dễ dàng, vì cần làm theo “quy trình năm bước”, có nhà thơ có tiếng từng từ chối ghế chủ tịch. Thành viên BCH cũ đánh giá Quốc Chiêm đủ năng lực gánh vác trách nhiệm nhờ thời gian làm Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, cùng với sự nhiệt tình với anh em văn nghệ sĩ.

NSND Quốc Chiêm cho biết, trong nhiều việc cần làm ngay sẽ chú trọng tới hội viên trẻ như sinh hoạt chuyên đề từng chuyên ngành để khích lệ họ có động lực sáng tạo, tạo niềm tin cho người trẻ. Ngoài ra, BCH mới sẽ tìm cách giải tỏa bức xúc của nhiều hội viên về kinh phí hoạt động và trụ sở. “Phải công khai tài chính, bàn bạc cụ thể nguồn thu rõ ràng. Tôi mong BCH mới có hành động cụ thể, khơi dậy nhiệt huyết hội viên, vào hội là ngôi nhà chung thì phải có tìm tòi sáng kiến, đồng lòng, đồng sức thì hội mới phát triển được”, Quốc Chiêm nói.

Phó Chủ tịch Thanh Loan băn khoăn nhiệm kỳ còn lại chưa đầy ba năm liệu có làm nên chuyện. Chung mối lo ấy, NSND Quốc Chiêm cho rằng, trọng tâm hoạt động của bộ máy mới trong thời hạn ngắn là xây dựng đề án chuyển đổi mô hình, xốc lại cơ sở vật chất của văn phòng hội vì một số hội chưa có nơi làm việc riêng. “Tôi rất thích câu nói của nhà thơ Vũ Quần Phương là không cần phòng to mà cần những tác phẩm lớn”, ông nói. Hội hướng tới thay đổi cơ chế đặt hàng, thay vì cào bằng chi phí hỗ trợ, lãnh đạo Hội hứa hẹn sẽ xây dựng và đề nghị các ban ngành hỗ trợ cơ chế ký hợp đồng thỏa thuận đặt hàng tác phẩm có thể lên tới hàng trăm triệu đồng với tác phẩm lớn và chất lượng cao. Khi được hỏi về việc các hội viên có chịu sự “định hướng” trong sáng tác, Quốc Chiêm khẳng định không định hướng mà khuyến khích. Ông cho rằng mỗi tác giả chịu trách nhiệm trước sáng tác của mình, tuy vậy tác phẩm muốn qua Hội công bố phải qua Hội đồng nghệ thuật của Hội.

MỚI - NÓNG