Tôi vẫn nhớ khoảng 5h30 ngày 29/8, một thai phụ được chồng chở trên xe máy cần qua chốt gấp và đề nghị được hỗ trợ. Tôi và anh Đỗ Vũ Thắng - chiến sĩ Trung đoàn Gia Định, ngay lập tức lấy xe dẫn đường đưa đến bệnh viện. Lúc sau có thêm sự hỗ trợ của anh Phạm Thanh Sơn - học viên cùng lớp.
Anh Nguyễn Văn Tĩnh (Trường ĐH Cảnh sát nhân dân) trở thành “bà đỡ” bất đắc dĩ khi đang trực chốt kiểm soát dịch COVID-19 |
Đi cách chốt chưa được bao xa, thai phụ chuyển dạ, vì vậy quyết định đỡ đẻ ngay trên hè phố đã được đưa ra. Người đỡ đẻ, người gọi xe cấp cứu, người gõ cửa nhà dân xin chăn, khăn để sẵn sàng quấn cho mẹ và bé đỡ lạnh... Rất may thai phụ sinh dễ, mẹ tròn con vuông. Qua hướng dẫn của lực lượng y tế, chúng tôi nhanh trí dùng dây khẩu trang để buộc rốn ngăn tình trạng mất máu của em bé.
Tôi đã rất ấn tượng, cảm phục đồng đội, tình nguyện viên hỗ trợ sản phụ vượt cạn thành công ở chốt kiểm soát dịch được đăng tải trên báo chí, nhưng không nghĩ có ngày mình trở thành “bà đỡ”. Tôi có người bạn làm bác sĩ khoa sản, từng được nghe chuyện sinh đẻ, song kinh nghiệm thực tế thì tròn trịa số 0.
Tôi mới lập gia đình được một năm. Lúc nhỏ cũng không có điều kiện bế em. Lần đầu tiên được bế trên tay trẻ sơ sinh, tôi chẳng dám đặt bé xuống, ẵm lên xe cứu thương và trên suốt quãng đường đến Bệnh viện Bình Tân. Tôi đã xem bé như con của mình.
Đến khi biết hai mẹ con được các nhân viên y tế chăm sóc, bé được 3,3kg, tôi mới thực sự thở phào nhẹ nhõm. Tôi mừng vì hai mẹ con an toàn, gia đình của người dân có thêm thành viên mới. Và thật vui khi cùng đồng đội làm được việc tốt, làm tròn trách nhiệm của một người chiến sĩ lực lượng vũ trang “vì nhân dân phục vụ”, “khi dân cần là có mặt”.
Niềm vui ấy sẽ theo tôi và đồng đội để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19 và giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn thành phố. Niềm vui ấy tiếp thêm động lực để chúng tôi vượt qua những khó khăn, thách thức ở phía trước.