Tâm sự của 22 sinh viên bị đình chỉ thi tốt nghiệp vào phút chót

Sinh viên lớp chuyên tu Dược K10D (liên kết giữa Trường ĐH Y dược Thái Nguyên và ĐH Y dược Hải Phòng) trao đổi với báo chí.
Sinh viên lớp chuyên tu Dược K10D (liên kết giữa Trường ĐH Y dược Thái Nguyên và ĐH Y dược Hải Phòng) trao đổi với báo chí.
Sau 4 năm theo học, 22 sinh viên lớp chuyên tu Dược K10D (liên kết giữa Trường ĐH Y dược Thái Nguyên và ĐH Y dược Hải Phòng) đứng trước vô vàn khó khăn khi không được ra trường do bị đình chỉ thi vào phút cuối.

Để tham gia khóa đào tạo này, họ phải xa gia đình từ các tỉnh đổ về Hải Phòng thuê nhà, vay mượn tiền nong theo hoc. Trước khi trở thành học lớp chuyên tu, 22 sinh viên (SV) này đều đã có công việc nhưng mong muốn được nâng cao trình độ, họ đã phải bỏ việc chờ khi ra trường có bằng cấp cao hơn sẽ xin lại việc mới.

Sáng 27/11 vừa qua, khi đang làm thủ tục dự kỳ thi tốt nghiệp, 22 SV lớp chuyên tu Dược K10D bất ngờ nhận được quyết định số 1652 ngày 26/11/2014 do ông Nguyễn Văn Sơn - hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Thái Nguyên ký với nội dung: “Tạm đình chỉ thi tốt nghiệp đối với 22 sinh viên vì đã giả mạo hồ sơ, vi phạm quy chế tuyển sinh”.

Như vậy, quyết định của ông Sơn nêu rõ: Các SV này vi phạm quy chế tuyển sinh. Điều này khiến cho 22 SV cùng gia đình vô cùng bức xúc. Không chỉ vậy, hàng trăm SV Trường ĐH Y dược Hải Phòng bày tỏ sự thất vọng ở công tác tuyển sinh và đào tạo khi rõ ràng là vi phạm quy chế đầu vào mà nay khi họ đi ra mới xử lý để rồi gây ra hậu quả khôn lường.

“Tội danh” của các SV được xác định rõ là do lỗi “giả mạo hồ sơ”. Tuy nhiên trên thực tế thì các SV này chưa đến mức “giả mạo”.

Cụ thể họ không giả mạo bằng cấp, không khai man lí lịch và thời gian, công việc. Họ đều có bằng trung cấp, cao đẳng ngành dược, đều từng làm việc trong ngành Dược với thời gian đúng quy định. Điều quan trọng khác là để được theo học lớp đại học chuyên tu này tất cả phải tham gia quá trình thi tuyển đầu vào khá chặt chẽ.

Sai sót của họ là phải xin được con dấu chính cửa hàng thuốc, công ty dược trực tiếp trả lương cho họ. Nhưng do các SV này khi ra trường chỉ xin làm việc được ở các cửa hàng dược tư nhân hoặc hộ gia đình nên không có con dấu.

“Ban đầu chúng tôi mang thông tin công tác về cho địa phương để xác nhận nhưng không hợp lệ. Sau đó chúng tôi được “gợi ý” là xin dấu xác nhận của các đơn vị dược cung cấp thuốc cho nơi mình làm việc” - SV Phạm Thị Minh Hương cho biết.

Những ngày qua, 22 SV này chẳng dám về quê mà vẫn bám trụ nhà trọ kí túc để chờ đợi một sự thay đổi, dù cho hi vọng đó vô cùng mong manh.

Vụ việc đang thực sự nóng lên tại Trường ĐH Y dược Hải Phòng, nơi các SV đã trải qua 4 năm học. Nhiều thầy cô giáo, y bác sĩ tại đây tỏ ra day dứt áy náy hơn ai hết.

Theo họ, tại sao lỗi tuyển sinh thì phải dừng ngay khâu tuyển sinh để các em không mất 4 năm theo học chứ. Đó là chưa kể đây là lỗi của cả trường ĐH Y dược Thái Nguyên thì sao lại để mỗi các em chịu thiệt.

Hai lãnh đạo 2 trường đại học (Y dược Thái Nguyên và Y dược Hải Phòng) nên lắng nghe SV mình, kiến nghị lên 2 Bộ Y tế và GD-ĐT có hướng tháo gỡ vướng mắc này.

Với thiếu sót trong hồ sơ đầu vào nay cũng nên “đặc cách” cho các em thi tốt nghiệp nhưng đến khi lấy bằng thì phải có điều kiện. Hơn nữa đây cũng là bài học cho công tác liên thông và những ai đang có ý định tham gia học liên thông” - một bác sĩ bệnh viện y dược Hải Phòng, Trường ĐH Y dược Hải Phòng ý kiến.

Về phía ĐH Y dược Thái Nguyên, sau khi đưa ra tờ giấy đình chỉ thi vào chính phút cuối thì “né tuyệt đối” trước sự chất vấn của báo chí, của các SV cũng như gia đình họ.

PV đã liên tục gọi điện liên hệ xin đặt lịch làm việc với lãnh đạo 3 trường liên quan nhưng tất cả đều từ chối nghe máy. Khi đến tận nhà trường vào gặp Chánh Văn phòng để xin lịch làm việc, chúng tôi cũng chỉ nhận được mỗi lời hẹn là sẽ liên lạc lạc khi lãnh đạo tiếp được mà không biết cụ thể bao giờ thì được tiếp?

Theo Thu Hằng

Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG