Tấm lòng lương y nơi tận cùng nỗi đau

Bệnh nhân Long đang được điều trị tại BV quận Thủ Đức.
Bệnh nhân Long đang được điều trị tại BV quận Thủ Đức.
TP - Có những bệnh nhân tìm đến bệnh viện khi trong túi chỉ còn vài chục ngàn, thậm chí có người không đủ tiền mua một ổ bánh mì dằn bụng. Số khác bị loạn thần chẳng nhớ nổi đến cả tên mình. Ấy thế mà những y bác sĩ tại đây chưa bao giờ từ chối bất cứ một ai.

Chúng tôi đến BV quận Thủ Đức, TPHCM sau vài ngày bệnh nhân Nguyễn Tú Long (49 tuổi, ngụ Bình Thạnh), tìm gặp được người nhà. Bệnh nhân Long được công an đưa vào nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu do tai nạn giao thông, ngưng tim, tiên lượng xấu, không có giấy tờ tùy thân. Bệnh án ghi “Vô danh”.  Suốt hai tháng bệnh nhân hôn mê các y, bác sĩ, điều dưỡng tại đây phải thay phiên nhau chăm sóc.

Điều dưỡng trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Kim Thị Dịu cho biết, chính chị người đã chăm sóc bệnh nhân Long trong thời gian hôn mê tại khoa Hồi sức. “Đã có rất nhiều trường hợp tương tự, nhưng có lẽ đây là trường hợp đặc biệt. Bệnh nhân Long hoàn toàn hôn mê, không thể tự chủ bất cứ nhu cầu gì, tất cả đều phụ thuộc vào sự chăm sóc của cán bộ y tế”, Chị Dịu cho biết.

Ngày nhập viện, từ sữa, tã giấy đến những vật liệu cá nhân cũng đều do nhân viên của khoa, mỗi người một ít góp lại giúp nam bệnh nhân. “Ngay từ đầu, chúng tôi đã không nghĩ bệnh nhân này có thể qua khỏi, tình trạng nặng, không người nhà, nên bắt buộc mỗi người chúng tôi phải thay phiên nhau chăm sóc”- điều dưỡng này nói. Từ việc truyền súp, thay tã, vệ sinh cá nhân, hết thảy đều do bác sĩ và điều dưỡng đảm nhiệm. Theo điều dưỡng Dịu do bệnh viện có ít nhân sự nên hầu như ai cũng phải dốc hết sức mới có thể làm hết ngần ấy việc cho bệnh nhân.

Còn đối với chị Nguyễn Thị Thanh Uyên - Điều dưỡng Trưởng khoa Nội thần kinh, anh Long là một trong số những bệnh nhân để lại nhiều kỷ niệm với chị. Dù mang bụng bầu “vượt mặt”, nhưng ngoài công việc chăm sóc các bệnh nhân khác đang điều trị tại đây, chị Uyên còn đảm đương luôn cả việc chăm sóc bệnh nhân Long từ lúc anh này chuyển về nằm tại Khoa Nội thần kinh. “Từ việc bón nước, sữa, mỗi ngày 5 cữ ăn uống, bên cạnh đó còn phải xoay trở vận động cho bệnh nhân này hai giờ mỗi lần. Khó khăn thì nhiều lắm, một hộ lý phải làm việc cả 3 khoa, nên công việc trở nên áp lực rất nhiều với những điều dưỡng như chúng tôi. Nhưng các y bác sĩ, điều dưỡng ở đây luôn động viên nhau, bệnh nhân không có người nhà nên hãy cố gắng xem bệnh nhân như người thân mà chăm sóc”, chị Uyên chia sẻ.

Ngoài việc chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân phục hồi, phía Bệnh viện quận Thủ Đức còn tích cực đăng tin, tìm kiếm người nhà cho bệnh nhân Long. “Rất may mắn sau hơn 2 tháng ròng hồ sơ bệnh án với cái tên vô danh, cuối cùng anh Long cũng tìm được thân nhân”, chị Dịu vui mừng cho biết.

Anh Nguyễn Tú Uyên (em trai của bệnh nhân Long) rơi nước mắt khi ngồi bên giường bệnh: “Tôi đã từng nghĩ đến việc sẽ không còn có thể nhìn thấy mặt anh mình. Nếu không có các bác sĩ, điều dưỡng ở đây, chắc anh tôi khó lòng qua khỏi. Ngày vào bệnh viện, tận mắt thấy các cô điều dưỡng thay từng tấm tã, đút từng muỗng nước cho anh tôi, những việc lẽ ra là của người nhà, gia đình tôi ai cũng cảm động, ơn này bao giờ mới trả hết đây?”, anh Uyên xúc động.

Hiện tại bệnh nhân Long đã qua giai đoạn nguy kịch.

Quỹ từ thiện cưu mang bệnh nhân nghèo

Hơn mười năm thành lập bệnh viện là ngần ấy thời gian quỹ từ thiện tại BV quận Thủ Đức ra đời. Quỹ này chịu trách nhiệm chi trả cho những bệnh nhân nghèo không có điều kiện thanh toán viện phí sau điều trị. Số tiền viện phí gần 100 triệu đồng của bệnh nhân Long cũng sẽ được quỹ từ thiện hỗ trợ.

Chị Bùi Thị Nga, thuộc Tổ công tác xã hội của BV chia sẻ: Nguồn tiền từ thiện này đa số được vận động từ những mạnh thường quân. Đôi khi số bệnh nhân nghèo quá đông, quỹ rơi vào con số âm, nhân viên bệnh viện lại lấy tiền túi ra mà góp vào. “Nghề của chúng tôi là vậy, bệnh nhân có quyền từ chối bệnh viện này để đi bệnh viện kia, chứ bệnh viện dù như thế nào cũng sẽ không bao giờ từ chối cứu giúp bệnh nhân”, Chị Nga trải lòng.

Không chỉ là nơi giúp đỡ cho bệnh nhân nghèo về viện phí, Tổ công tác xã hội của bệnh viện ngoài việc vận động từ thiện, còn phải liên hệ những mái ấm nhân ái tại khu vực để “tìm nhà” cho những bệnh nhân neo đơn sau khi điều trị hồi phục tại đây.

Với tình trạng của bệnh nhân Long, ngay từ khi anh này nhập viện, phía bệnh viện đã liên hệ các trung tâm từ thiện và mái ấm để kêu gọi giúp đỡ. Nhưng do tình hình sức khỏe của bệnh nhân còn yếu, nên các trung tâm từ chối tiếp nhận. “May sao cuối cùng gia đình cũng đã tìm thấy được người thân”, nữ nhân viên này cười tươi chia sẻ.

BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV quận Thủ Đức cho biết bệnh viện này là một trong những bệnh viện công lập của thành phố được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân. Do bệnh viện nằm ở khu vực vùng giáp ranh với các tỉnh, giao thông nhiều xa lộ, đại lộ lớn nên các trường hợp tai nạn giao thông, ngất… được đưa vào bệnh viện rất nhiều, trong đó có cả các trường hợp vô danh và không có tiền thanh toán. “Quan điểm của bệnh viện là cấp cứu, điều trị tất cả các trường hợp dù  người bệnh có tiền hay không. Trước tiên chúng tôi phải cấp cứu người bệnh, chăm lo cho người bệnh còn tiền bệnh viện sẽ tính sau”, BS Quân nhấn mạnh.

Lãnh đạo bệnh viện tự hào khi quỹ từ thiện nơi đây không chỉ đảm nhiệm việc chi trả viện phí cho bệnh nhân nghèo mà còn tổ chức những chuyến du lịch miễn phí cho các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. “Những buổi tiệc ngồi bên nhau, hát ca, dường như đã xóa tan cái ranh giới giữa người bệnh và bác sĩ. Với  những con người kiệt quệ niềm tin, thì những y bác sĩ ở đây được ví như những tia sáng nơi cuối đường”- bác sĩ Quân chia sẻ.

MỚI - NÓNG