25 năm chữa từ thiện
Ông Đinh Công Bảy sinh ra ở Huế trong một gia đình có truyền thống Đông y, ông ngoại làm nghề thuốc ta. Những năm 1970, nghề làm bác sĩ Tây y rất được chuộng, anh Bảy vào học dự bị bác sĩ Tây y một năm, nhưng khi chính thức vào đại học thì anh lại chọn nghề đông y.
Lý do ông Bảy chọn theo nghề đông y lại chính là… triết học. Anh kể: “Tôi đam mê nghiên cứu triết học, nhất là triết học Đông Phương, cũng từ đó mà tôi nhận ra nghề thuốc ta có cội rễ từ triết lý truyền thống, như triết lý âm dương hay kinh dịch. Nghiên cứu tư tưởng truyền thống để hiểu về y lý và nghiên cứu về y lý cũng là nghiên cứu về tư tưởng”. Ông Bảy vừa học nghề thuốc vừa chữa bệnh và được khen là giỏi về nghề châm cứu, nhất là chữa bệnh méo miệng do liệt dây thần kinh ngoại biên.
Do hoàn cảnh chiến tranh, ông từ Huế vào Sài Gòn học nghề y, rồi chuyển lên Tây Nguyên sinh sống. Năm 1975, đất nước thống nhất, ngành y tế quyết định mở ra khóa đào tạo lương y mới đầu tiên tại Sài Gòn sau 1975. Ông Đinh Công Bảy kể: “Tôi đang có cuộc sống tốt ở Tây Nguyên, nhưng theo tiếng gọi của ngành, đã bán nhà cửa hiệu thuốc, dắt díu vợ con xuống Sài Gòn nhập học. Được cử làm lớp trưởng, tôi lo đi mời các giáo sư, thầy giáo đầu ngành về giảng dạy. Học xong, tôi được giữ lại Khoa y học cổ truyền của Trường đại học Y Dược TPHCM, giảng dạy 15 năm trời”.
Phần lớn các thầy giáo của ông giờ đã là người thiên cổ, anh Bảy nói: “Chúng tôi vẫn nhớ như in những lời giảng dạy của các thầy cô. Họ là những tấm gương của những nhà khoa học giản dị, sâu sắc, hết lòng vì công việc”.
Lương y Đinh Công Bảy - Tổng thư ký Hội Dược liệu TP HCM là một người rất cá tính, hay nói cách khác là ông có một triết lý sống riêng của mình và rất hài lòng về điều ấy. Với những người có kiến thức lại có thực tế kinh nghiệm như ông, các lương y thường mở phòng khám phòng mạch và không ít người giàu có từ những công việc ấy. Riêng ông Bảy thì không. Suốt 25 năm qua, ông Bảy khám bốc thuốc chữa bệnh từ thiện trong chùa. Ông nói: “Mỗi người có một cách sống riêng miễn sao cùng giúp ích cho cộng đồng”.
Bệnh nhân của ông đa phần là người nghèo, gặp bệnh nan y, “đã đến đường cùng” không thể theo chữa bệnh ở các bệnh viện và phòng mạch. Họ đến chùa với những niềm hy vọng nhỏ nhoi cuối cùng về một phép màu nào đó. Ông Bảy nói rằng chính những bệnh nhân ấy đã đem đến cho ông cái nhìn lạc quan, hướng về phía trước, dù hoàn cảnh nào cũng vẫn giữ cho mình một niềm tin.
Nhiều người hỏi ông Bảy: “Chữa bệnh từ thiện ngần ấy năm, ông được những gì?”. Ông Bảy nói: “Tôi không được gì, nhưng hóa ra lại được nhiều thứ lắm. Chẳng hạn tôi chữa bệnh không vì tiền nên tôi có được sự thảnh thơi. Tôi chữa bệnh được cho nhiều người, điều đó đem đến cho tôi niềm vui. Tôi được sống với nghề thuốc trọn đời, đó cũng là cái được lớn của tôi”.
Bí quyết giữ gìn sức khỏe
Trong một cuộc trò chuyện với nhà báo giới, lương y Đinh Công Bảy nói: “Tôi sống có vẻ hơi ngược với người ta. Người ta cố gắng phấn đấu để mua xe máy, có xe máy thì phấn đấu mua xe hơi. Còn đời tôi lại phấn đấu làm sao đi xe đạp được nhiều hơn!”.
Lương y Đinh Công Bảy phân tích: “Các loại bệnh phổ biến trong xã hội hiện đại như tim mạch, bệnh gút, trĩ… đều do người ta ngồi ở văn phòng ít vận động. Một khi nạp quá nhiều chất bổ mà lại không có lượng vận động phù hợp để chuyển hóa nguồn năng lượng đó thì người ta tự tạo ra bệnh cho mình”.
Ông Bảy nói rằng những thành phố lớn như TPHCM nên khuyến khích người dân đi xe đạp, thậm chí nên học các nước, có những khu cho thuê mượn xe đạp để người dân di chuyển trong những đoạn ngắn. Cần có những ưu đãi dành cho người đi xe đạp, những tuyến phố dành cho người đi xe đạp. “Tôi chú ý đến sự vận động hợp lý, ngày nào tôi cũng đạp xe từ 5-7 cây số - Anh Bảy kể -Tôi chọn những đoạn đường ít ô nhiễm, ung dung thư thái đạp xe như tập thể dục và thư giãn tinh thần. Một khi cả cơ thể và tinh thần đều khỏe mạnh thì chúng ta không có gì phải hoảng sợ nguy cơ bị bệnh tật”.
Trước kia ông Bảy nghĩ rằng chỉ tọa thiền mới là thiền, nhưng giờ đây ông cho rằng: “Người ta hoàn toàn có thể thiền ở bất cứ đâu, vì khi con người ta chú ý đến hơi thở và có hơi thở hợp lý thì đó là thiền”. Đạp xe và hít thở không khí trong lành cũng là một cách thiền mà vị lương y này thường áp dụng.
Đến nay lương y Đinh Công Bảy đã viết và xuất bản hơn 30 đầu sách về y học cổ truyền, chưa kể hàng ngàn bài báo công bố trên các tạp chí chuyên ngành và các tờ báo lớn nhỏ. Bên cạnh những cuốn sách về khoa học cơ bản ngành Đông y, người đọc và các nhà xuất bản rất “chuộng” những cuốn sách của ông liên quan đến văn hóa ẩm thực – chữa bệnh hàng ngày.
Lương y Đinh Công Bảy là tác giả các cuốn sách “Món ăn thức uống có ích cho người viêm loét dạ dày - hành tá tràng”, sách “Món ăn có ích cho người bệnh thận”, cuốn “Khỏe - Đẹp với các món ăn chay thông dụng”, “Món ăn có ích cho người bệnh loãng xương” hay tài liệu “Món ăn có ích cho người bệnh tim và cao huyết áp”…
Ông Bảy cho biết: “Chúng ta không chỉ quan tâm đến món ăn mà còn phải quan tâm đến cách ăn. Ăn những món gì, lúc nào, trong bối cảnh nào, dùng cho những người bệnh gì, thể trạng thể nào”. Không chỉ ăn no, ăn ngon, những món ăn hàng ngày cũng có thể như những bài thuốc quý giúp con người tăng sức đề kháng, phòng tránh được nhiều loại bệnh như thừa mỡ, loãng xương, căng thẳng đầu óc…
Các loại thực phẩm góp phần tăng cường sức khỏe và phòng chống bệnh tật đã được các sách đông y kinh điển đề cập tới, nhưng việc nghiên cứu biên soạn văn hóa ẩm thực cho từng loại bệnh mà con người thời hiện đại hay gặp là một sở thích và đóng góp của ông Bảy. Như cuốn Món ăn có ích cho người bệnh loãng xương, anh giới thiệu cách chế biến các món ăn hữu ích với người bệnh loãng xương như: cháo nghêu nước dừa, cháo sò huyết, canh cua đồng, ốc len xào dừa, hến xào rau bí... rất hấp dẫn và tiện dụng.
Ông Bảy nói: “Con người ta có nhiều tham vọng, nhiều ham muốn và mục tiêu phấn đấu, nhưng thử hỏi, nếu không có sức khỏe thì con người có thể hoàn thành những công việc đó hay không? Nên quan trọng đối với con người, trước tiên anh phải khỏe trước đã, rồi hẵng tính những công việc bền bỉ khác”. Ông nói thêm: “Nếu rơi vào hoàn cảnh bệnh tật triền miên, con người sẽ chỉ lo đối phó với bệnh tật mà chẳng có thể làm được gì khác cả”.
Rất nhiều người nghĩ rằng mình khỏe thì cứ lao vào làm việc, cứ sống thoải mái đi, khi nào bệnh tật sẽ vào bệnh viện chữa. Lại có người nghĩ rằng chữa bệnh xong thì làm việc, chẳng có gì phải vội. Ông Bảy lại có quan niệm rằng con người phải tạo dựng một cuộc sống hằng ngày hài hòa với việc phòng bệnh chữa bệnh. Những món ăn bổ ích cũng giúp chữa bệnh, một khoảng thời gian đi bộ cũng là phòng chữa bệnh, hay việc di chuyển từ chỗ này đến chỗ khác bằng chiếc xe đạp, không chỉ là tham gia giao thông mà còn là một cách phòng chữa bệnh. Quan niệm ấy được nhiều người đánh giá là “vừa truyền thống mà lại rất hiện đại, phù hợp với cuộc sống đa dạng ngày hôm nay”.
Lương y Nguyễn Đức Nghĩa rất tâm đắc với câu châm ngôn của lương y Đinh Công Bảy: “Sức khỏe là trên hết”. Lương y Nghĩa nói: “Trong cuộc sống bộn bề hôm nay, con người ta có nhiều mối lo, nhiều thứ mục tiêu để phấn đấu mà quên đi sức khỏe chính là vốn quý phải giữ gìn. Mỗi lần nghe câu châm ngôn Sức khỏe là trên hết, tôi lại càng thấm thía về triết lý sống và làm việc của lương y Đinh Công Bảy”.
Lương y Đinh Công Bảy cho rằng sức khỏe của con người là tổng hợp của nhiều yếu tố, ông từng phát biểu: “Nhiều người nghĩ rất đơn giản đông y chỉ là dùng thuốc, nhưng không phải vậy. Đông y bao gồm rất nhiều lĩnh vực như dưỡng sinh, võ đông y, bấm huyệt, châm cứu, thiền, yoga, món ăn vị thuốc... Mỗi loại được áp dụng cho một loại bệnh khác nhau nhưng thường là nên phối hợp nhiều phương pháp cho một loại bệnh để nâng cao hiệu quả điều trị”.