Tam giác huyền ảo bầu Đức-Công Phượng, Xuân Trường-Kiatisuk đốt nóng HAGL ở LS V-League

0:00 / 0:00
0:00
Sự hấp dẫn của HAGL đến từ những ngôi sao như Công Phượng và cả HLV Kiatisuk hay bầu Đức ảnh Hữu Phạm
Sự hấp dẫn của HAGL đến từ những ngôi sao như Công Phượng và cả HLV Kiatisuk hay bầu Đức ảnh Hữu Phạm
TPO - Đoàn quân của HLV Kiatisuk Senamuang đang tạo nên cơn sốt mới ở LS V-League 2021. Điều gì khiến HAGL của bầu Đức cùng Công Phuọng, Xuân Trường thu hút được sự quan tâm và ủng hộ của số đông giới hâm mộ?

Trưởng thành vượt bậc

Các chiến thắng liên tiếp của HAGL các vòng đấu vừa qua dĩ nhiên là một yếu tố quan trọng. Sau 10 vòng đấu, HAGL đang bay cao ở vị trí nhất bảng với 25 điểm. Hàng công của HAGL ghi 19 bàn, chỉ ít hơn Nam Định (20 bàn), hàng thủ để thủng lưới ít nhất với chỉ 6 bàn thua. Đây là con số thống kê tốt nhất của HAGL kể từ năm 2015 đến nay, khi bầu Đức bắt đầu đưa lứa Công Phượng lên thi đấu ở V-League.

Không khó để nhận ra, dưới sự dẫn dắt của HLV Kiatisuk, đội bóng phố núi đã trở nên cân bằng ở cả 3 tuyến. Đặc biệt hàng phòng ngự vốn là điểm yếu của HAGL đã trở nên chắc chắn hơn. Không như bầu Đức, Kiatisuk sớm nhận ra vấn đề của HAGL và lập tức có sự bổ khuyết. Bộ ba trung vệ Memovic-Kim Dong Su và Hữu Tuấn đã chơi cực ấn tượng từ đầu giải tới nay. Thậm chí khi Hữu Tuấn không có tên trong danh sách sơ bộ đội tuyển Việt Nam chuẩn bị cho Vòng loại thứ 2 World Cup 2022, đã có ý kiến cho rằng HLV Park Hang Seo đã quên mất anh.

Trên hàng tiền đạo, Brandao cũng là một lựa chọn hợp lý của HLV Kiatisuk khi cho thấy khả năng càn lướt, bứt tốc và tận dụng cơ hội đều rất tốt. Nếu phân tích kỹ, trong số 19 bàn thắng của HAGL, riêng Văn Toàn và Công Phượng đã đóng góp 11 bàn. Xuất thân là một tiền đạo, Kiatisuk có lẽ đã biết cách khơi gợi năng lực của cả hai học trò. Một sự thay đổi khác của HAGL là các bàn thắng có thể đến từ nhiều hướng, bao gồm những tình huống dứt điểm từ xa của các tiền vệ. Điển hình trong số này là tuyệt phẩm từ khoảng cách ngoài 25m của Lương Xuân Trường giúp HAGL đánh bại CLB Hà Nội ở vòng 10.

Về chiến thuật, HAGL trở nên linh hoạt hơn với từng đối thủ khác nhau. Trước CLB Hà Nội, đội bóng phố núi tập trung phòng ngự một cách chủ động, trước khi tung ra những đường phản công sắc lẹm, đánh trúng vào điểm yếu của đối phương. HAGL cũng thường vây ráp rất quyết liệt ở phía trên mỗi khi mất bóng, giúp giảm đáng kể sức ép lên hàng thủ.

Đội bóng nhiều cá tính

Nhưng chuyên môn không quyết định hoàn toàn sức hút của HAGL. Trong một thập kỷ qua, CLB Hà Nội mới là đội tạo được sức mạnh vượt trội so với phần còn lại, cả trong và ngoài sân cỏ. Nhưng sân Hàng Đẫy chỉ mới có thêm sức hút nhờ hiệu ứng U23 Việt Nam gắn với lứa Quang Hải, Duy Mạnh, Văn Hậu...

Nền tảng sức hút của HAGL dựa vào những ngôi sao như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn...vốn được đông đảo người hâm mộ yêu mến từ khi trình làng. Sức hút chỉ giảm xuống do việc đội bóng không đạt được thành tích tốt các năm qua, nhưng lập tức “sống lại” cùng với sự thăng hoa của thầy trò HLV Kiatisuk hiện nay.

Truyền thông đã góp phần đáng kể tạo nên sức hút cho HAGL. Nếu so với nhiều đồng nghiệp Việt Nam, HLV Kiatisuk Senamuang có sự khác biệt đáng kể trong cách tiếp cận với truyền thông, góp phần tạo nên sự thân thiện, hình ảnh đẹp của đội bóng. Sự cởi mở, thân thiện và phản ứng thông minh của Kiatisuk tạo nên thiện cảm với hầu hết những người yêu mến bóng đá.

HAGL còn sở hữu một “tài sản” khác, chính là bầu Đức. Không phải phát biểu nào của bầu Đức cũng chính xác, nhưng khó có thể phủ nhận mỗi lần ông Đức lên tiếng, giới bóng đá lại được một phen bàn tán, xôn xao. Những phát ngôn của bầu Đức được ví như màn “PR” hoàn hảo cho đội bóng phố núi và thậm chí cả giải đấu. Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ lúc này, nhiều người đã bắt đầu chờ đợi vào những tuyên bố khiến các đối thủ “chịu không nổi” từ bầu Đức nếu đội bóng phố núi đăng quang vào cuối mùa giải.

Một đội bóng như vậy không hấp dẫn mới là chuyện lạ!

MỚI - NÓNG
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.