Tại sao Nga tiếp tục đem vũ khí hạng nặng đến đảo tranh chấp với Nhật?

Một xe tăng T-72B3 của Nga
Một xe tăng T-72B3 của Nga
TPO - Kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc cách đây 75 năm, quần đảo Kuril vẫn thuộc quyền quản lý của Nga ngay cả khi Nhật Bản tuyên bố chủ quyền đối với bốn đảo cực nam (trong đó có hai đảo lớn nhất).

Người Nga gọi là Nam Kuril, trong khi người Nhật gọi là Lãnh thổ phía Bắc, những hòn đảo này đã bị Hồng quân Liên Xô đánh chiếm vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9 năm 1945 và sáp nhập vào Liên Xô, theo National Interest. (Quan điểm và dự kiện là do tờ tạp chí Mỹ công bố, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tiền Phong).

Tình trạng của quần đảo đã tiếp tục làm ảnh hưởng đến quan hệ giữa Moscow và Tokyo, và đã góp phần làm thất bại một hiệp ước hòa bình chính thức đánh dấu sự kết thúc của Chiến tranh thế giới thứ hai.

 Trong khi các cuộc đàm phán gần đây nhất giữa Nga và Nhật Bản về tình trạng của quần đảo được tổ chức vào năm 2018, hiện tại có vẻ như Nga sẽ không sẵn sàng rút binh lực. Trên quần đảo Kuril có sư đoàn 18, được cho là được trang bị tên lửa đất đối không S-400 Triumf, tiêm kích Su-27, tàu ngầm lớp Kilo cải tiến, tên lửa chống hạm trên mặt đất, trực thăng tấn công Ka-52.

 Theo báo cáo từ Defense-Blog, Nga có kế hoạch triển khai xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) T-72B3 tới các vùng lãnh thổ tranh chấp này.

 Xe tăng này không hẳn là tối tân, nhưng chúng chắc chắn có thể được sử dụng để tiêu diệt bất kỳ lực lượng tấn công nào hoặc thậm chí là các tàu chiến nhỏ của đối phương. Xe tăng T-72B3 đã được nâng cấp với ống ngắm quang học và có khả năng bắn tên lửa dẫn đường từ pháo chính 125mm nòng trơn của nó.

 "T-72B3 là một phương tiện khá hiện đại", chuyên gia quân sự Nga Alexei Khlopotov nói với Defense-Blog. "So với phiên bản cơ sở, phiên bản này được trang bị động cơ tăng công suất, thiết bị quan sát ảnh nhiệt, hệ thống điều khiển hỏa lực và thông tin liên lạc được cải tiến, cùng khả năng bảo vệ được bổ sung."

 Rất ít khả năng quân đội Nhật Bản sẽ tiến hành một cuộc tấn công thực sự vào quần đảo, nhưng việc triển khai xe tăng cũng cho thấy rằng Moscow sẽ không đơn giản bàn giao chúng. Các hòn đảo đã là một vấn đề giữa Nga và Nhật Bản trong nhiều thế kỷ.

 Các hòn đảo vốn là nơi sinh sống của người Ainu bản địa, thuộc quyền quản lý của Nhật Bản vào thế kỷ 17 dưới thời Mạc phủ Tokugawa. Người Nhật đã chạm trán với các nhà thám hiểm Nga từ bán đảo Kamchatka vào thế kỷ 18 - và vào năm 1855, chính phủ Edo Nhật Bản và Đế quốc Nga đã ký một hiệp ước công nhận rằng các đảo cực nam Kunashir, Iturup, Shikotan và Habomai là của Nhật Bản trong khi Đảo Urup và mọi thứ về phía bắc là của Nga.

 Một hiệp ước sau đó được ký kết vào năm 1876 đã trao cho Nhật Bản toàn bộ quần đảo Kuril, trong khi Nga giành được toàn bộ đảo Sakhalin ở phía tây. Sau Chiến tranh Nga-Nhật năm 1905, Nhật Bản đã giành được một nửa Sakhalin, nơi hàng nghìn người Nhật tới sinh sống.

 Trước cuộc tấn công Trân Châu Cảng, hạm đội của Hải quân Đế quốc Nhật Bản đã tập hợp ngoài khơi đảo Iturup - nơi được biết đến với những màn sương mờ giúp che giấu việc hạm đội tập hợp. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, các hòn đảo này đã bị máy bay ném bom B-25 và B-24 của Mỹ tấn công.

 Trong Hội nghị Yalta, Tổng thống Franklin Roosevelt đã đồng ý với yêu cầu của Liên Xô rằng quần đảo Kuril là của Liên Xô khi Liên Xô tham chiến chống Nhật Bản.

 Theo Dự án Hula, Mỹ đã bí mật chuyển giao khoảng 149 tàu cho Hải quân Liên Xô để chuẩn bị cho cuộc xâm lược các đảo do Nhật Bản chiếm giữ. Hồng quân bắt đầu cuộc đổ bộ vào ngày 17 tháng 8 năm 1945 và một phần do sương mù dày đặc, quân phòng thủ Nhật Bản đã hoàn toàn bị bất ngờ. Vào ngày 23 tháng 8, hơn 20.000 đơn vị đồn trú hùng hậu của Quân đội Đế quốc Nhật Bản đã được lệnh đầu hàng. Tuy nhiên, nhiều đơn vị đã từ chối hạ vũ khí. Trong khi giao tranh diễn ra không gay gắt, gần 1.000 lính Liên Xô đã thiệt mạng trong khi quân Nhật có khoảng 1.000 người cả chết và bị thương.

 Sau chiến tranh, 17.000 cư dân Nhật Bản bị trục xuất, trong khi những người lính Nhật bị giam giữ ở Siberia và nhiều người đã không trở về nhà cho đến năm 1950. Ngày nay 19.000 công dân Nga sống trên chuỗi đảo này, và với sự xuất hiện sắp tới của xe tăng, không có khả năng họ sẽ sớm rời đi.

MỚI - NÓNG
Lộ mức lương cao nhất Cần Thơ
Lộ mức lương cao nhất Cần Thơ
TPO - Năm nay, tiền lương bình quân của người lao động tại Cần Thơ đạt hơn 8,3 triệu đồng/người/tháng. Người được trả lương cao nhất tại Cần Thơ là hơn 151 triệu đồng/tháng ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).