Tại sao Libya có ý nghĩa chiến lược với IS?

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái), Ngoại trưởng Italy Paolo Gentiloni (giữa) và Đặc phái viên Liên hợp quốc về Libya Martin Kobler phát biểu tại cuộc họp báo sau khi kết thúc Hội nghị hòa bình về Libya ở Rome (Italy) ngày 13/12. Ảnh: AFP/TTXVN.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái), Ngoại trưởng Italy Paolo Gentiloni (giữa) và Đặc phái viên Liên hợp quốc về Libya Martin Kobler phát biểu tại cuộc họp báo sau khi kết thúc Hội nghị hòa bình về Libya ở Rome (Italy) ngày 13/12. Ảnh: AFP/TTXVN.
Sau khi chiếm được thành phố Syrte, quê hương của cố lãnh đạo Libya Mohammar Gaddafi, Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng lại nhắm tới các giếng dầu của Libya, một bước tiến khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.

Kể từ sau cuộc tấn công khủng bố tại Paris, liên minh quốc tế đang tăng cường oanh tạc xuống Raqqa, thành trì của IS ở Syria. 

Dưới áp lực của chiến dịch không kích này, các phần tử thánh chiến IS đã rút về thành phố Mosul của Iraq và chạy sang Libya nơi mầm mống của IS đã bắt đầu được gieo xuống và cắm rễ từ sau khi chế độ của Tổng thống Gaddafi sụp đổ hồi năm 2011. 

Và gần đây, chúng đã đạt được bước tiến lớn tại Libya khi chiếm được thành phố chiến lược Syrte, nằm cách thủ đô Tripoli của Libya 480km về phía Tây.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian hôm 4/12 cảnh báo rằng các phần tử thánh chiến IS có thể sẽ sớm tấn công các giếng dầu “bên trong” Libya. 

“Cần phải chấm dứt hoàn toàn các cuộc xung đột ở Libya, nếu không chính Daesh (tên Hồi giáo của IS) mới chính là kẻ giành chiến thắng”, vị bộ trưởng quốc phòng Pháp khẳng định. Sự bành trướng của IS tại Libya càng thuận lợi trong bối cảnh Libya đang bị xé nát bởi cuộc tranh giành giữa các bộ lạc và phe phái chính trị. 

Bốn câu hỏi dưới đây sẽ giúp hiểu hơn về sự phát triển của IS tại Libya và tại sao Libya có thể sẽ trở thành thánh địa mới của nhóm khủng bố này.

Lực lượng của IS tại Libya như thế nào?

 IS đang tiến mạnh vào Libya. Theo hãng tin AFP, có khoảng 2000-3000 tay súng IS đã xâm nhập vào lãnh thổ Libya và đang hình thành một đội quân thực sự, dù quy mô còn nhỏ. Hồi tháng 2/2015, IS đã tổ chức một cuộc diễu binh bên bờ biển Địa Trung Hải để khẳng định sự hiện diện của chúng ở Libya.

Thành phần của IS tại Syria là những phần tử thánh chiến người Libya từng sang Syria tham chiến và nay trở về quê hương. Ngoài ra, còn có các tay súng ngoại quốc, chủ yếu đến từ Tunisia, Sudan hay Yemen, theo một báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ).

IS, tổ chức hiện chủ yếu do những công dân Iraq điều hành, đã lợi dụng sự hỗn loạn lan tràn ở Libya sau chiến dịch can thiệp quân sự của Pháp và cái chết của Đại tá Gaddafi năm 2011 để nhanh chóng phát triển và cắm rễ vào mảnh đất màu mỡ này.

Tại sao Libya có ý nghĩa chiến lược với IS? ảnh 1

IS đang tiến mạnh vào Libya.

Tại sao IS quan tâm tới Libya?

Các phần tử thánh chiến IS đã kiểm soát một dải đất dài dọc bờ biển phía Bắc Libya, trong đó có thành phố Syrte, quê hương của nhà lãnh đạo Gadhafi. Từ vài tuần qua, các tay súng IS đã tiến sâu hơn vào bên trong lãnh thổ. 

Cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm tới động thái này vì chúng có một mục tiêu rõ ràng. “Chúng bắt đầu xâm nhập vào nội địa và có ý đồ tiếp cận các giếng dầu và những nguồn dự trữ dầu mỏ”, Bộ trưởng Le Drian nói.

Các tay súng IS đã hiện diện tại Ajdabiya, cách Syrte 350 km và cách Benghazi, thành phố lớn thứ hai của Libya 200 km về phía Nam, ở một khu vực tập trung phần lớn các mỏ dầu và cơ sở sản xuất dầu khí của quốc gia này. Chúng còn chiếm giữ và hình thành các trại huấn luyện nơi đào tạo những tân binh ngoại quốc. 

Hôm 13/12 vừa qua, hai phần tử thánh chiến người Pháp đã bị an ninh Tunisia bắt giữ khi đang tìm cách trở lại với nhánh IS ở Libya. Giới chuyên gia nhận định IS có thể sử dụng các căn cứ tại Libya để lên kế hoạch cho các vụ khủng bố nhắm vào châu Âu hoặc Bắc Phi.

Phản ứng của cộng đồng quốc tế

Một hội nghị quốc tế về Libya đã được tổ chức hôm 13/12 vừa qua tại Rome, Italy. Những nước tham dự đã nỗ lực tìm cách thúc đẩy các phe phái chính trị lớn ở Libya khẩn trương thực thi một thỏa thuận từng rất khó khăn để đạt được dưới sự bảo trợ của LHQ. Các cường quốc Phương Tây mong muốn chính phủ đoàn kết dân tộc của Libya nhanh chóng nắm lại quyền lực.

Hiện nay Libya đang tồn tại hai chính phủ, một ở thủ đô Tripoli và một ở Tobrouk (chính phủ này được cộng đồng quốc tế công nhận). Mục tiêu là nhằm chống lại sự phát triển của IS quanh thành trì mới Syrte mà chúng chiếm được và ngăn chặn các mạng lưới đưa hàng nghìn người tị nạn Trung Đông sang Italy và Hy Lạp mỗi tháng.

Trong các đêm từ 13-14/12, quân đội Mỹ cũng tiến hành nhiều đợt không kích nhằm loại bỏ những thủ lĩnh của nhánh IS tại Syria.

Liệu Syrte có trở thành thánh địa mới của IS?

Nhóm IS đang tìm cách xây dựng một nhà nước tại Libya. Để thực hiện ý đồ đó, từ đầu tháng 6, chúng đã triển khai lực lượng tới Syrte. Thành phố có 75.000 dân này đã trở thành thủ phủ của Nhà nước Hồi giáo tại Syria. 

Nhóm khủng bố đã giành được một thắng lợi quan trọng về về quân sự khi trong vài tuần gần đây đã lần lượt chiếm được sân bay và một trung tâm điện năng quan trọng của thành phố.

Đầu não của IS đã quyết định siết chặt quyền kiểm soát tại Syrte với sự hiện diện của 1.500 tay súng để thực thi “luật pháp” của chúng và tăng số lượng các vụ hành quyết trước dân chúng để răn đe người dân. 

Theo tờ The New York Times, IS đã sẵn sàng cho việc để mất thủ phủ Raqqa của chúng ở Syria sau các đợt oanh kích dữ dội của liên minh quốc tế. Do vậy, Syrte đã được lựa chọn để xây dựng một thành trì mới của IS tại Trung Đông.

Theo Theo Báo Tin Tức
MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.