Ai chịu trách nhiệm?
Ngày 23/1, trao đổi với Tiền Phong, Tổng cục trưởng Đường bộ (Bộ GTVT) Nguyễn Văn Huyện cho biết, trước đây, Quốc lộ 5 (QL5) được thiết kế mỗi bên 2 làn xe ô tô, và 1 làn xe máy, xe thô sơ và người đi bộ. Trong đó, làn ngoài cùng mỗi bên cho xe thô sơ và người đi bộ có hộ lan cứng phân cách, đảm bảo an toàn. Do đó, các cầu vượt cho xe thô sơ, người đi bộ trên tuyến QL5 đều được thiết kế mỗi bên 1 lối xuống vào làn xe thô sơ có giải phân cách. Ngoài ra, một số vị trí có các khu dân cư 2 bên đường, cầu vượt sẽ nối dài thêm vào các khu dân cư (như cầu vượt cho xe thô sơ và người đi bộ tại vị trí xảy ra tai nạn hôm 21/1 ở Hải Dương).
Tuy nhiên, khi lưu lượng phương tiện trên tuyến đường này tăng lên (hiện khoảng 44.000 lượt xe ô tô/ngày đêm), và nhiều xe máy đi vào làn ô tô, khoảng 6-7 năm trước, hộ lan phân cách làn đường cho xe thô sơ và người đi bộ được tháo dỡ, để làm thành 3 làn xe hỗn hợp mỗi chiều. “Do thay đổi này, nên các lối lên xuống cầu vượt từ chỗ xuống đường riêng trở thành lối xuống thẳng vào làn đường hỗn hợp như hiện nay. Do đó, khi xe tải vượt phải không quan sát, đã đâm phải đoàn người đi bộ sắp lên cầu”, ông Huyện nói.
Không chỉ tai nạn trên QL5 ít ngày trước, trước đó, cũng do quốc lộ bị biến thành đường đô thị, người dân dừng đèn đỏ trên tuyến QL1 đoạn qua Bến Lức (Long An) đã bị xe container cán qua, làm 22 người thương vong (ngày 2/1/2019). Thực tế, hiện tại Việt Nam, rất nhiều QL, sau khi đầu tư xong, người dân thường chuyển ra sống bám mặt đường, biến quốc lộ thành đường đô thị.
Điển hình như một số đoạn QL5, hay nhiều đoạn trên tuyến QL1 xảy ra tình trạng này. Thậm chí, nhiều đoạn đường tránh đô thị sau khi làm xong, chỉ vài năm đã biến thành đường đô thị. Người dân sống bám theo đường, sinh hoạt bên đường, kéo theo nguy cơ tai nạn giao thông, khi xe tải hoạt động tấp nập trên các tuyến này.
Đề cập vấn đề trên, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho hay, các QL đều có phần đất hành lang an toàn giao thông vài chục mét tính từ rãnh thoát nước của đường. Luật Giao thông đường bộ quy định rõ, Thủ tướng cũng có chỉ đạo, nhưng một số địa phương thực hiện chưa nghiêm nên người dân lấn vào hành lang dựng nhà sinh sống.
“Tổng cục chỉ quản lý phần hành lang 1m tính từ rãnh thoát nước ra, phần còn lại do địa phương quản lý. Người dân lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, chúng tôi cũng chỉ được lập biên bản, và chuyển cho địa phương xử lý nhưng nhiều địa phương cũng không xử lý”, ông Huyện nói.
Với việc làm đường gom cho người đi bộ, xe thô sơ, theo ông Huyện, nếu làm hết các QL sẽ cần rất nhiều tiền, trong khi ngân sách nhà nước khó khăn. Do đó, về trách nhiệm của Tổng cục, hiện chỉ ưu tiên xử lý những “điểm đen” tai nạn giao thông. Với vị trí xảy ra tai nạn ở Hải Dương, hiện đã thành “điểm đen” nên Tổng cục Đường bộ sẽ nghiên cứu phương án xử lý. Ông Huyện đặt khả năng có thể kết hợp làm đường gom xóa lối ngang đường sắt, nhưng cụ thể cần nghiên cứu thêm.
Khó xử lý
Theo Tổng Cty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) - đơn vị quản lý và khai thác QL5, toàn tuyến do đơn vị này quản lý có 31 cầu vượt. Trong đó, Hưng Yên có 7 cầu, Hải Dương 14 cầu và Hải Phòng 8 cầu. Đa số cầu vượt này dành cho xe thô sơ, người đi bộ, chỉ một số cho xe hỗn hợp cả ô tô.
Theo lãnh đạo đơn vị quản lý tuyến QL5, khi nhận bàn giao quản lý tuyến từ Tổng cục Đường bộ, toàn tuyến đã được mở rộng mỗi bên 3 làn xe hỗn hợp, các cầu vượt có lối thẳng xuống đường như hiện nay. Với những cầu vượt này, đa số đều có lối xuống trong khu dân cư, còn lối xuống QL5 được thiết kế cho xe máy có thể qua đường và nhập vào làn QL. “QL5 giờ nhiều đoạn đã thành đường đô thị, dân ở sát đường. Trong năm 2018, chúng tôi đã phải lắp đèn giao thông thêm 3 vị trí”, cán bộ VIDIFI nói.
Ngày 22/1, Hiệp hội vận tải Hàng hóa TPHCM cũng có văn bản gửi Bộ GTVT sau hàng loạt tai nạn giao thông đường bộ nghiêm trọng vừa qua. Hiệp hội này thừa nhận, nguyên nhân chính dẫn tới những tai nạn đó là do người điều khiển phương tiện ý thức kém, không tôn trọng luật giao thông. Đặc biệt, các lái xe sử dụng bia rượu, chất kích thích khi điều khiển phương tiện. ..
Do đó, Hiệp hội này kiến nghị Bộ GTVT rà soát lại các quy định hiện hành, đặc biệt với xử lý sai phạm của tài xế, các bộ phận quản lý gián tiếp và chủ doanh nghiệp vận tải.
Đưa danh sách tài xế vi phạm lên mạng
Theo Hiệp hội vận tải hàng hóa TPHCM, có tình trạng tài xế vi phạm ở doanh nghiệp này, sau nghỉ việc lại chuyển sang doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp tuyển dụng sau không nắm được quá trình hành nghề của tài xế nên vẫn tuyển dụng. Do đó, Hiệp hội này kiến nghị Bộ GTVT phối hợp Bộ công an cập nhật thông tin các tài xế vi phạm pháp luật lên trang điện tử của Tổng cục Đường bộ, để doanh nghiệp vận tải tuyển lái xe nắm được thông tin.
Sau vụ tai nạn nghiêm trọng tại Kim Thành, VIDIFI cũng đang tiến hành khảo sát, nghiên cứu để đề xuất Bộ GTVT phương án đảm bảo an toàn giao thông tại các vị trí cầu vượt, làm đường gom. Trước mắt, đơn vị này sẽ lắp đặt thêm các biển báo, sơn kẻ đường…