Tái khởi nghiệp với 17 triệu đồng

Khởi nghiệp từ số vốn 17 triệu đồng.
Khởi nghiệp từ số vốn 17 triệu đồng.
Thất bại trong lần khởi nghiệp đầu tiên khiến số vốn 200 triệu đồng mất sạch, ông chủ cơ sở gia công áo thun vẫn không nản chí, quyết định gây dựng lại sự nghiệp với 17 triệu đồng.

Dưới đây là bài viết chia sẻ kinh nghiệm về khởi nghiệp do anh Lâm Ngọc - chủ cơ sở sản xuất áo thun.

Tôi sinh ra trong một gia đình khó khăn và đông con, có lúc tưởng phải bỏ học nửa chừng khi còn ở thời phổ thông. Tuy nhiên, nhờ một người bạn cho mượn tiền đóng học phí mà tôi mới được học lên tiếp.

Rồi ngày tôi vào năm thứ nhất đại học, cảm giác mừng nhưng lại rất lo. Trải qua nửa năm học đầu tiên, nghe lời thầy phụ trách lớp mách bảo: “ Tụi em hãy mạnh dạn tranh thủ kiếm việc làm để có thêm kinh nghiệm”, và tôi đã làm theo.

Lúc bấy giờ người ta ít sử dụng các từ "bán hàng", "nhân viên kinh doanh" như bây giờ, mà chủ yếu gọi là "nhân viên tiếp thị". Tôi đã trở thành nhân viên tiếp thị của một công ty Đài Loan (Trung Quốc) để có tiền trang trải việc học. Ngày ấy, cầm sản phẩm đi lòng vòng khu vực được giao để bán, gõ cửa từng nhà, gặp từng người… và bị từ chối, bị đuổi cổ ra khỏi nhà là chuyện bình thường. Nhưng cũng rất vui mỗi khi tôi bán được một sản phẩm.

Cứ thế, mỗi năm trôi qua, tôi làm nhân viên tiếp thị cho một loại sản phẩm khác nhau. Tuy chỉ làm trong ngắn hạn nhưng cũng giúp tôi tích luỹ khá nhiều kinh nghiệm.

Sau khi ra trường, tôi có hai may mắn đó là vốn tiếng Anh kha khá và tốt nghiệp ngành Marketing - một ngành rất "hot" thời bấy giờ. Đó là lý do tại sao tôi được làm việc ở một văn phòng đại diện của một công ty nước ngoài. Vừa làm, tôi vừa đi học - một trong những khoá học mà tôi từng tham gia đó là khoá CEO (lớp giám đốc điều hành) của một trường khá nổi tiếng ở TP HCM với mong muốn được tiến thân sau này.

Cũng tại đây, tôi được một người cùng lớp mời về công ty làm việc với chức vụ Phó giám đốc phụ trách mảng Marketing. Tôi đã phấn đấu làm việc, đi công tác thường xuyên và học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm thương trường.

Khi tích luỹ được số vốn khoảng 200 triệu đồng, tôi đã quyết định ra riêng để trở thành nhà phân phối các sản phẩm nội thất. Bước đầu lập nghiệp, công ty trải qua rất nhiều khó khăn khi hàng hoá không bán được, lâu lâu có một đơn hàng thì chi phí đầu tư để thực hiện quá lớn nên cũng không thể triển khai. Doanh thu không có, trong khi phải chi ra các khoản đầu tư để làm văn phòng, sản phẩm trưng bày, lương nhân viên, tiền thuê nhà… cũng đủ rút cạn số vốn ít ỏi 200 triệu ấy của tôi và thậm chí còn thâm thêm nợ.

Trụ không được bao lâu, sau khoảng 7 hay 8 tháng hoạt động, tôi đã kiệt sức nên phải bán đổ, bán tháo các vật phẩm trưng bày cùng máy móc văn phòng để đi tìm một công việc khác.

Rút kinh nghiệm xương máu, lần này  tôi luôn tự nhủ phải tính toán thật kỹ các cơ hội, rủi ro, chi phí và học hỏi thêm khả năng bán hàng trước khi tiếp tục khởi nghiệp. Và tôi cũng nhận ra rằng, chỉ có thể bắt tay với những sản phẩm đơn giản và trong khả năng của mình thì mới mong thành công.

Và rồi may mắn cũng đến với tôi sau nhiều tuần lục lọi danh sách tuyển dụng để tìm việc, một công ty áo thun đồng phục đã mời tôi về làm với mục đích hệ thống lại bộ máy bán hàng và phát triển doanh số. Chính nơi đây tôi đã tìm thấy được sản phẩm mà các doanh nghiệp đều cần đến với chi phí đầu tư không quá lớn.

Cuối năm 2013, sau khi trả hết khoản nợ trước đây, tôi còn vỏn vẹn trong tay số tiền 17 triệu đồng. Với số vốn này, tôi quyết định rời khỏi công ty và thành lập doanh nghiệp cho riêng mình lần thứ hai. Mùng 5 Tết âm lịch năm ấy, tôi lòng vòng các khu công nghiệp để gửi thư, tờ rơi chào mời. Một số doanh nghiệp đóng cửa cúng bái đầu năm, tôi vẫn kiên trì gửi thư cho bảo vệ.

Có lẽ nhờ sự cố gắng không mệt mỏi ấy đã giúp tôi sớm có khách hàng gọi hỏi thăm, tư vấn và báo giá. Nhận được một vài đơn hàng nhỏ lẻ đầu năm, niềm vui của tôi không thể tả. Tuy nhiên, khi đã có khách đặt hàng thì bi kịch lại diễn ra lần nữa. Lúc đó, nhà cung cấp không nhận làm hàng cho tôi với lý do là họ đang có nhiều đơn hàng lớn.

Hành trình tìm kiếm nhà cung cấp lại bắt đầu, nhiều nơi vẫn không nhận làm vì chê đơn hàng của tôi nhỏ lẻ lại không ổn định. May mắn là cuối cùng tôi cũng tìm được chỗ nhận làm. Để đảm bảo chất lượng, tôi đã phải thức khuya dậy sớm, kiểm tra từng sản phẩm nhằm đảm bảo chất lượng.

Tuy nhiên, khi thời gian giao hàng đã cận kề, đơn vị gia công lại làm quá ẩu. Các sản phẩm họ may chỉ đua theo số lượng, thậm chí không cắt chỉ thừa và quên ráp cả tay áo hoặc ráp nhầm tay, may không dính hết… Nhiều đêm liền tôi đã mất ngủ vì lo lắng không kịp tiến độ giao hàng. Với một đơn hàng chỉ vài chục áo đến 100 áo, nhưng tôi phải mang đi sửa tới sửa lui nhiều lần khiến hàng không đẹp, giá cả lại bị ép nên lợi nhuận không còn bao nhiêu.

Và rồi, chỉ sau vài đơn hàng, số vốn khởi nghiệp ít ỏi ấy cũng ra đi không ngày trở lại. Trong khi đó, bà xã đang mang thai nên cuộc sống của vợ chồng tôi rất khó khăn. Tôi phải chạy vạy khắp nơi, tìm gặp bạn thân hỏi mượn tiền để sống qua giai đoạn vất vả này. Đã có lúc tôi thấy mình như quỵ ngã, muốn vứt bỏ tất cả. Nhiều đêm liền tôi trằn trọc để tự hỏi mình nên dừng lại hay đi tiếp. Và rồi tôi quyết định mình phải bước tiếp bởi nếu dừng lại, sẽ không còn một cơ hội thứ 3 để khởi nghiệp.

Thế là tôi ra quyết tâm phải tự mình làm cho được một chiếc áo đẹp, có nét đặc biệt riêng thì mới mong trụ được lâu dài. Tôi bắt tay vào tìm hiểu, học hỏi từ những người đi trước, có kinh nghiệm, tay nghề..., rồi thiết lập một tổ hợp sản xuất với vài ba nhân công, trong đó máy móc thiết bị được mua trả góp. Và rồi những chiếc áo thun mang dấu ấn riêng của cơ sở tôi đã ra đời với nhãn hiệu Lulo. Những đơn hàng cũng bắt đầu xuất hiện nhiều hơn.

Giai đoạn đầu, một phần lợi nhuận tôi dùng để trang trải cho cuộc sống gia đình, phần lớn còn lại dành để cải tiến chất lượng may mặc. Chỉ cần một lỗi nhỏ dù khách hàng không thể nhận thấy, tôi cũng không chấp nhận. Có những lúc ít hàng, một số nơi đề nghị may gia công cho họ, nhưng tôi đã từ chối vì nếu để thợ của mình làm hàng chợ hoặc hàng cấp thấp thì sẽ tạo nên thói quen cẩu thả, chất lượng giảm sút mà sau này sẽ khó lòng đào tạo lại.

Sóng gió rồi cũng dần dần qua đi, giờ đây doanh thu của cơ sở tôi ổn định ở mức 150-200 triệu đồng mỗi tháng. Tôi cũng rất tự hào với chiếc áo thun đồng phục mà mình cung cấp ra thị trường. Nhìn khách hàng cầm áo lên, mặc vào và khen ngợi, lòng tôi nhẹ nhõm và đầy tự hào.

Con đường phía trước sẽ còn nhiều vất vả. Ở mỗi giai đoạn sẽ có những khó khăn riêng của nó, nhưng nếu biết cách, nếu quyết tâm học hỏi và chịu khó sẽ vượt qua. Do đó, tôi muốn nhắn nhủ các bạn có khát khao khởi nghiệp rằng: "Hãy đi, tuy lâu nhưng sẽ tới. Còn nếu bạn ngồi tại chỗ thì suốt cuộc đời này cũng sẽ không bao giờ tới được cái nơi mà bạn cần tới".

Nhìn lại chặng đường đã đi, nhìn lại chiếc áo bây giờ với nhiều cải tiến so với trước kia, tôi vẫn còn đó những khát khao cháy bỏng với những kế hoạch biến nó thành chiếc áo nhân cách hoá, chiếc áo cặp… Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng sang mảng bán lẻ với "chiếc áo nhân cách hoá" này, nghĩa là khách hàng có thể in ấn bất kỳ hình ảnh, nội dung nào mà họ muốn sau khi đã chọn một chiếc áo trơn ưng ý.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.