Tái cơ cấu nợ, doanh nghiệp mới vay được vốn

Tái cơ cấu nợ, doanh nghiệp mới vay được vốn
TP - Theo một nguồn tin của Tiền Phong, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang xem xét, hướng dẫn những tiêu chí cho vay mới, nhằm gỡ khó cho cả ngân hàng thương mại (NHTM) và doanh nghiệp (DN) để lưu thông dòng tiền. Có thể sẽ cho DN tái cơ cấu lại nợ để tiếp tục được vay vốn.

>'Cởi trói' gần như toàn bộ với lĩnh vực BĐS

Ngân hàng sợ cho vay

Để giải bài toán tiếp cận vốn cho DN, hầu hết đại diện NHTM đều cho rằng trước mắt, ngân hàng xác định vốn ưu đãi chỉ đáp ứng một phần, nhất là cho những doanh nghiệp thực sự cần cho sản xuất, xuất khẩu. Còn với việc DN khát vốn, có nhu cầu vay lại không đủ điều kiện, rất cần một “lối đi” mở hướng từ NHNN.

Trao đổi với Tiền Phong, Chủ tịch HĐQT Agribank Nguyễn Ngọc Bảo cho hay, việc DN khó tiếp cận vốn có nguyên nhân từ hai phía. Phía ngân hàng, mới chỉ có một số ngân hàng lớn giảm lãi suất, nhưng vẫn e ngại nếu cho vay bằng mọi giá sẽ làm tăng nợ xấu, đẩy rủi ro cho ngân hàng. Còn phía DN, phần lớn đang gặp khó khăn, vốn tự có so với những năm trước giảm mạnh; hàng hoá tồn kho lớn. Nhiều DN ngừng sản xuất, hầu hết các khoản vay có xu hướng tăng nợ xấu trong khi DN lại không còn tài sản thế chấp.

Theo ông Bảo, ngoài ra phương án sản xuất kinh doanh của các DN nhỏ và vừa cũng không hiệu quả, để có thể thuyết phục được ngân hàng cho vay. Còn các DN Nhà nước thì bắt đầu thực hiện tái cơ cấu nên cũng không đủ điều kiện giải ngân. Để giải bài toán vay vốn của DN, cần sớm cơ cấu lại nợ cho DN.

“Trong bối cảnh này, chúng tôi sẽ cố gắng để DN tiếp cận được vốn nhưng phải làm rất thận trọng. Nếu không, sau này DN không trả được nợ, dễ xảy ra những vấn đề liên quan đến pháp luật. Hiện chúng tôi phải khống chế, phòng giao dịch chỉ được quyết những món vay không quá 2 tỷ đồng, còn giám đốc chi nhánh cấp 1 tối đa cũng chỉ được cho vay tới 80 tỷ đồng” - Ông Bảo nói.

Theo TS Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch HĐQT LienVietpostBank, muốn gỡ khó về vốn cho DN phải giải quyết được hài hoà mối quan hệ giữa NHNN - NHTM - DN. NHNN cần tháo gỡ cho DN theo hướng cho phép tái cơ cấu nợ, khuyến khích các NHTM gia hạn nợ cho DN. Bên cạnh, cần sửa Thông tư 493 về quy định và phân loại nợ của các NHTM theo hướng sửa tiêu chí sắp xếp phân loại nợ.

Về phía NHTM sẽ phải nhanh chóng có tiêu chí cho vay cụ thể với các DN. Ví như căn cứ vào bản cáo bạch xem tổng tài sản của DN, tổng số nợ phải trả, các khoản phải thu, nợ khó đòi để xem thực lực làm ăn của DN ra sao? Còn bao nhiêu vốn, hàng hoá mua bán thế nào, các hợp đồng mua bán hàng hoá...Trên cơ sở đó quyết định cho vay hay không. Riêng với DN bất động sản, ông Hưởng cho rằng nên căn cứ theo tiêu chí nếu đủ điều kiện cho vay thì vẫn giải ngân. Còn bản thân DN cần có hồ sơ thể hiện “sức khoẻ” của mình, cũng như các phương án vay - trả nợ thuyết phục.

PGS- TS Hoàng Trần Hậu, Phó giám đốc Học viện Tài chính (Bộ Tài chính) nói:

“Không ít các DN đang hoạt động và tồn tại là kiểu ốm yếu, què quặt, chỉ sống bằng tín dụng, thậm chí ngay cả vốn chủ sở hữu cũng vay ngân hàng. Những DN này đã đến lúc phải loại khỏi cuộc chơi. Những lúc khó khăn như thế này mới thấy chỉ những DN nào trụ vững mới xứng đáng tiếp cận vốn ngân hàng”.

Theo một nguồn tin của Tiền Phong, NHNN đang tìm cách gỡ khó cho các vấn đề mà DN kêu ca và NHTM cũng đang mắc, nên không thể giải ngân. Dự kiến trong một vài ngày tới sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Học sống với những cú sốc

“Nếu doanh nghiệp (DN) chỉ ngồi đợi qua cơn khó khăn mới bắt tay thực hiện các kế hoạch kinh doanh, có lẽ là quá muộn”. Đó là cảnh báo tại một hội thảo chuyên đề về giải pháp thị trường diễn ra hôm qua, 19-4, tại TPHCM.

TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư nói: “Chưa bao giờ kinh tế Việt Nam lại khó khăn như bây giờ!”.

Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, ví von sức khỏe nền kinh tế hiện tại giống như tình trạng của người bệnh cao huyết áp “trước kia huyết áp tăng cao, giờ giảm huyết áp, nếu không được cấp cứu kịp thời tim ngừng đập thì sẽ chết”. Như dự báo, “đáy” của sản xuất kinh doanh có thể là quý 2 này.

Chúng tôi kiến nghị lãi suất cho vay đối với DN sản xuất, xuất khẩu phải dưới 10%/năm. Có như vậy mới cạnh tranh được với các nước”- Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành

Ông Kiêm cho rằng, DN hãy tự bươn chải và trưởng thành. Đây là thời điểm DN hãy thay đổi cách nhìn, nếu muốn thật sự làm ăn dài hạn, bài bản thì phải tập trung vào những ý tưởng mới về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và thân thiện với xã hội. Phát huy mọi nguồn vốn hiện có về con người, kinh nghiệm, thị trường, và hướng đến yếu tố công nghệ, tạo mối liên kết trong cộng đồng DN. Đây là thời kỳ phát triển mới, cách làm mới, vì vậy DN hãy nỗ lực, học cách sống với những cú sốc của chính sách, diễn biến thị trường.

Thay đổi tư duy là một yêu cầu để giúp DN sống còn trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại. “Khi cần tiền, mọi người chỉ biết “vác” sổ đỏ vào ngân hàng, chứ không chịu suy nghĩ để tìm phương án giải quyết và bàn tính thiệt hơn trong các quyết định chi tiền thì là DN rất lười biếng”- Chủ tịch quỹ đầu tư Viasa, ông Alan Phan nói thẳng. Theo ông, nếu DN cứ mãi theo lối thực hiện kế hoạch dài hạn bằng nguồn tiền vay ngắn hạn thì rủi ro khôn lường.

Ông Lý Xuân Hải-TGĐ Ngân hàng ACB cho biết, dù ngân hàng thương mại xem DN tư nhân là đối tượng khách hàng quan trọng nhưng để có sự hợp tác không phải dễ. Theo kết quả khảo sát do ACB thực hiện, chỉ có 30-35% DN vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, 35% cho rằng gặp nhiều khó khăn và 30% không hề tiếp cận được.

Theo ông Hải, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Về phía DN, do không có định hướng chiến lược kinh doanh rõ ràng, thiếu tính minh bạch về tài chính, đặc biệt chưa tạo được niềm tin. Về phía ngân hàng, do nhân viên không đủ kỹ năng, cách hành xử máy móc, chỉ chú trọng khách hàng là DN lớn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG