Tái cơ cấu đầu tư công: Giảm đầu tư do thiếu tiền

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) chậm tiến độ và đội vốn hơn 339 triệu USD. Ảnh: L.H.V.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) chậm tiến độ và đội vốn hơn 339 triệu USD. Ảnh: L.H.V.
TP - Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, tái cơ cấu đầu tư công thực hiện được 4 năm, nhưng hiệu quả kém. Giảm đầu tư công không hẳn do mong muốn thắt chặt chi tiêu mà chủ yếu do ngân sách thiếu tiền.

Tiến độ “rùa” và tăng vốn

Tại hội thảo “Giải pháp tái cơ cấu đầu tư công trong khuôn khổ đổi mới mô hình tăng trưởng”, do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 7/11, bà Phó Thị Kim Chi (Trung tâm Thông tin và Dự báo KT-XH Quốc gia) cho biết, kết quả nghiên cứu từ năm 1995 tới nay cho thấy, hiệu quả đầu tư công của Việt Nam liên tục giảm.

Cụ thể, hệ số sử dụng vốn ICOR cho thấy, hiệu quả đầu tư công cao nhất vào những năm 1995-1996 với hệ số ICOR chỉ 2,13 (ICOR càng thấp, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư càng cao). Năm 2010, hệ số tăng lên 9,44; năm 2012 là 7,2. “Giai đoạn 2006-2010, hiệu quả đầu tư công thấp nhất, từ 2010 tới nay, do khủng hoảng kinh tế, đầu tư công giảm và được quản lý chặt chẽ hơn nên hiệu quả cải thiện chút ít”, bà Chi nói.

TS Lê Hải Mơ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính), cho biết, đầu tư công thời gian qua tăng nhanh không phải từ sự cần thiết đầu tư, mà xuất phát từ đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước. Cùng đó, phong trào đua nhau đầu tư diễn ra khắp nơi (như làm sân bay, cảng biển...) tạo áp lực vốn lớn. Hầu hết dự án đầu tư công đều chậm tiến độ và điều chỉnh tăng vốn, nhưng thiếu quy định kiểm tra, giám sát.

“Không phải đầu tư công giảm do nhận thấy cần phải điều chỉnh mà chủ yếu do ngân sách nhà nước thiếu tiền”.

GS.TS Nguyễn Quang Thái

GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, nói rằng, dù tái cơ cấu đầu tư công bước sang năm thứ 4, nhưng vẫn chưa có một kế hoạch tổng thể nào được đưa ra. Đồng thời, thiếu kế hoạch phát triển các công trình quan trọng trong 5-10 năm tới để bố trí vốn. Thay vào đó, việc đề xuất các công trình trọng điểm theo kiểu nhát gừng, khi phát sinh công trình lớn mới báo cáo Quốc hội, điển hình như dự án xây dựng sân bay Long Thành (Đồng Nai). Theo ông Thái, không phải đầu tư công giảm do nhận thấy cần phải điều chỉnh mà chủ yếu do ngân sách nhà nước thiếu tiền (chi thường xuyên chiếm hơn 70% GDP, chi trả nợ vượt 26% GDP…). “Có thể nói, vấn đề ngổn ngang này (tái cơ cấu đầu tư công) chưa được xử lý đúng”, ông Thái nói.

Nguy cơ bị tác động bởi nhóm lợi ích

TS Đinh Trọng Thắng, Trưởng ban Chính sách đầu tư - CIEM, nói rằng, 6 năm nghiên cứu về đầu tư công tại 12 tỉnh, thành cho thấy, đầu tư công cấp địa phương bị khép kín do quá trình phê duyệt chủ trương và danh mục đầu tư. Do đó, quy trình này có nguy cơ bị tác động bởi các nhóm lợi ích. “Nhiều danh mục đầu tư công tại các tỉnh, thành phố xuất phát từ những đề xuất của chủ đầu tư, thậm chí do tư vấn theo đuổi”, ông Thắng nói.

Ngoài ra, do có danh mục dự án đầu tư hằng năm, nên việc thẩm định dự án chỉ mang tính thủ tục, tỷ lệ loại bỏ dự án rất thấp.

Như Đà Nẵng, 5 năm qua chỉ loại bỏ 1 dự án sau khi thẩm định. Phần lớn dự án không đưa ra các phương án để lựa chọn phương án hiệu quả nhất, chi phí thấp nhất.

Theo ông Thắng, cần xem khâu thẩm định, đánh giá dự án đầu tư công là yếu tố then chốt trong cải cách thể chế quản lý đầu tư công. Đồng thời, thị trường hóa các dự án đầu tư công để thu hút vốn khu vực ngoài nhà nước, tăng tính độc lập, công khai, minh bạch của dự án, trách nhiệm của người phê duyệt, chủ đầu tư.

GS.TSKH Nguyễn Quang Thái cho rằng, cần coi đầu tư công chỉ là “mồi”, vai trò chủ lực đầu tư phải là kinh tế tư nhân. “Đầu tư công là để phục vụ xã hội. Sau khi đầu tư, nếu có hiệu quả, Nhà nước có thể thoái vốn cho tư nhân thực hiện tiếp”, ông Thái nói.

TS Đoàn Hồng Quang (đại diện Ngân hàng Thế giới) cho rằng, đầu tư công thường bị các chính khách lạm dụng để gây ảnh hưởng chính trị cho mình. Chính khách về thăm các địa phương và có thể đưa ra quyết định đầu tư cho một dự án nào đó, hoặc chủ trương đầu tư được quyết định trong cuộc họp. Do đó, theo ông Quang, cần giải pháp để hạn chế tình trạng này.

TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, muốn biết quá trình tái cơ cấu đầu tư công nhanh hay chậm, phải có mốc để so sánh, nhưng tới nay chúng ta vẫn chưa có. Chúng ta nên bỏ đi những mỹ từ như: Không ngừng, tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao, cần, nên, phải, cố… “Quan trọng là tiếp tục tái cơ cấu đầu tư công, đặc biệt phải tiêu chuẩn hóa các mục tiêu. Từ đó, tăng cường thanh kiểm tra, giám sát và có chế tài xử lý”, ông Chung nói.

MỚI - NÓNG