Tắc vốn cho bảo trì đường sắt, Bộ Giao thông vận tải nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
Đã gần hết 4 tháng, nhưng tiền bảo trì đường sắt của năm 2021 vẫn chưa được giải quyết, ảnh hưởng tới cuộc sống của hơn 11.000 công nhân đường sắt. Ảnh: Trọng Đảng
Đã gần hết 4 tháng, nhưng tiền bảo trì đường sắt của năm 2021 vẫn chưa được giải quyết, ảnh hưởng tới cuộc sống của hơn 11.000 công nhân đường sắt. Ảnh: Trọng Đảng
TP - Ðại diện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho rằng, cơ quan này phải thực hiện theo quy định của pháp luật, chỉ có thể giao vốn bảo trì đường sắt năm 2021 về Cục Ðường sắt, để cục đặt hàng với các đơn vị khác. Tuy nhiên, do còn có ý kiến khác nhau nên bộ này kiến nghị Thủ tướng tổ chức họp các bộ, ngành liên quan để thống nhất giải quyết dứt điểm vướng mắc.

Phải làm theo luật

Sáng 22/4, ông Lê Hoàng Minh, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ GTVT) có những chia sẻ liên quan vướng mắc trong việc giao hơn 2.800 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước cho bảo trì đường sắt năm 2021. Theo ông Minh, những thông tin Tổng Công ty Đường sắt (VNR) đưa ra vừa qua gây hiểu sai về bản chất sự việc nên cần thông tin lại cho rõ.

Bộ GTVT luôn nỗ lực, nhưng thực tế còn nhiều vướng mắc liên quan quy định pháp luật vượt thẩm quyền của bộ. Từ năm 2019 về trước, VNR thuộc Bộ GTVT nên bộ giao vốn cho tổng công ty không gặp vướng mắc. Tuy nhiên, khi VNR chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, việc giao vốn bảo trì năm 2020 bắt đầu phát sinh vướng mắc do liên quan Luật Ngân sách Nhà nước, khi bộ chỉ được giao vốn cho đơn vị trực thuộc.

Cũng ông Minh cho biết, đó cũng là lý do năm trước, Quốc hội và Chính phủ phải có nghị quyết chấp thuận Bộ GTVT giao vốn bảo trì cho VNR và yêu cầu từ năm 2021 thưc hiện theo đúng quy định của pháp luật. Theo đúng Luật Ngân sách, năm nay, Bộ GTVT đã giao dự toán cho Cục Đường sắt, nếu bộ giao VNR như các năm trước sẽ là trái luật.

Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông cho hay, từ cuối năm 2020, Bộ GTVT đã phê duyệt kế hoạch và dự toán chi bảo trì cho năm nay. Ngay khi được giao vốn, Cục Đường sắt đã 5 lần mời 20 công ty đường sắt lên ký hợp đồng đặt hàng bảo trì. Tuy nhiên, VNR chưa chấp thuận nên các công ty này không được ký hợp đồng cung cấp dịch vụ (do VNR nắm cổ phần chi phối).

Trước mắt, Bộ GTVT có văn bản yêu cầu VNR phải đảm bảo an toàn hạ tầng đường sắt, sau đó cũng đẩy nhanh giải ngân gói 7.000 tỷ đồng để các công ty bảo trì có thêm nguồn tiền chi trả cho người lao động.

“Không nói ai đúng ai sai, nhưng bộ cố gắng nhanh nhất để giải ngân vốn, qua đó đảm bảo thu nhập và đời sống cho hơn 11.000 lao động tại các công ty đường sắt. Lương của những lao động này vốn rất thấp, chỉ 6-7 triệu đồng/tháng. Giờ họ không có lương cũng rất khổ, chúng tôi cũng rất sốt ruột. Bảo trì hạ tầng các lĩnh vực giao thông khác không vướng vì thu đủ bù chi, riêng đường sắt do thu không đủ bù chi nên phụ thuộc vốn ngân sách dẫn tới vướng”, ông Minh nói.

Như Tiền Phong đã phản ánh trong bài “Bảo trì đường sắt cầm chừng: Tranh cãi về ‘tiêu tiền’, vay lãi trả lương” (số ra ngày 30/3/2021), đã hết quý 1/2021 nhưng hơn 2.800 tỷ đồng vốn bảo trì đường sắt năm 2021 từ ngân sách Nhà nước vẫn chưa được giao tới các công ty thực hiện. Thay vì giao vốn cho VNR, Bộ GTVT lại giao vốn về Cục Ðường sắt. Tình trạng này tương tự việc giao vốn bảo trì đường sắt năm 2020 (chỉ được giải quyết khi Quốc hội và Chính phủ có nghị quyết gỡ vướng). Mắc mớ cũ đang lặp lại, trong khi 20 công ty bảo trì đường sắt chật vật lo tiền bảo trì và trả lương cho hơn 11.000 lao động.

Về trách nhiệm trong trường hợp Cục Đường sắt đặt hàng các đơn vị bảo trì, trong khi luật lại giao VNR chịu trách nhiệm toàn bộ về hoạt động đường sắt, đại diện Bộ GTVT cho rằng: Nếu Cục Đường sắt ký hợp đồng đặt hàng bảo trì, sẽ phải cùng chịu trách nhiệm với VNR trong các vấn đề liên quan. Dù vốn bảo trì đường sắt hằng năm chỉ đáp ứng 40% nhu cầu nhưng vẫn phải đảm bảo tuyệt đối an toàn chạy tàu, không để thiếu vốn nên mất an toàn.

“Nếu chưa an toàn chúng tôi sẽ yêu cầu dừng chạy tàu ngay”, ông Minh khẳng định.

Cũng theo đại diện Bộ GTVT, sau khi chuyển một số tổng công ty về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, bộ đang bị động trong chỉ đạo điều hành một số lĩnh vực. Do đó, Bộ GTVT nghiên cứu đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét giao lại bộ 3 tổng công ty đặc thù vừa kinh doanh vừa quản lý hạ tầng là đường sắt, đường cao tốc và cảng hàng không.

Chờ họp để xử lý dứt điểm

Chiều 22/4, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông có văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về xây dựng Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia (dự thảo đề án). Theo ông Đông, dự thảo đề án đã được Bộ GTVT hoàn thành và trình Chính phủ năm 2019 và 2020, trên cơ sở các quy định pháp luật và góp ý của các bộ, ngành liên quan.

Tuy nhiên, vẫn còn có ý kiến khác nhau giữa Bộ GTVT, Tài chính và Tư pháp về dự thảo đề án liên quan tới thời hạn giao hạ tầng đường sắt cho VNR và giao vốn bảo trì hằng năm.

Cụ thể, Bộ GTVT và Bộ Tài chính lựa chọn phương án giao VNR quản lý hạ tầng đường sắt trong 5 năm; giao vốn bảo trì hằng năm cho Cục Đường sắt đặt hàng các công ty đường sắt, để phù hợp với Luật Ngân sách. Trong khi Bộ Tư pháp đề xuất giao hạ tầng và vốn bảo trì hằng năm cho VNR trong 10 năm, không cần qua khâu trung gian là Cục Đường sắt.

Về giao vốn bảo trì đường sắt năm 2021, theo ông Đông, Bộ GTVT đã chủ động để: Đặt hàng các đơn vị thực hiện bảo trì đường sắt, sửa thông tư, kiện toàn tổ chức Cục Đường sắt; Dự thảo quy chế phối hợp giữa VNR và Cục Đường sắt trong quản lý hạ tầng đường sắt; chỉ đạo hướng dẫn Cục Đường sắt thực hiện đặt hàng...

Tuy vậy, hợp đồng đặt hàng bảo trì đường sắt tới nay vẫn chưa ký được, do VNR chưa hợp tác.

Lãnh đạo Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng kiến nghị tổ chức họp thống nhất ý kiến giữa các bộ ngành, xem xét các tồn tại, khó khăn, vướng mắc nêu trên, để quyết định phê duyệt đề án trên, làm căn cứ triển khai, thực hiện.

MỚI - NÓNG